Giải pháp của ngành GD&ĐT
Bữa ăn của học sinh Trường PTDT Nội trú huyện Bình Gia |
THỰC TRẠNG BẾP ĂN TẬP THỂ
LSO-Học kỳ I năm học 2014-2015, toàn ngành GD&ĐT có 492 bếp ăn tập thể, trong đó có 11 bếp của các trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT), 79 bếp ăn tại của các trường phổ thông dân tộc bán trú và 402 bếp ăn bán trú của các trường mầm non và tiểu học, phục vụ trên 70 ngàn học sinh. Đội ngũ nhân viên phục vụ gồm 1.237 người, trong đó có 74,8% đã qua đào tạo và tập huấn chuyên môn. Về cơ sở vật chất, tất cả các bếp ăn của 11 trường phổ thông DTNT, các bếp ăn của các trường tiểu học bán trú, 32% bếp ăn của các trường mầm non và một số ít bếp ăn của trường phổ thông DTBT được xây dựng từ cấp 4 trở lên. Tỷ lệ bếp tạm, nhờ của các trường mầm non là gần 70%, trường phổ thông DTBT còn trên 85%.
Trong học kỳ I vừa qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau và công tác xã hội hóa, các bếp ăn tập thể đã được đầu tư khá để tránh tình trạng bếp tạm, bếp nhờ. Song song với ký hợp đồng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, các phòng GD&ĐT đã trang bị cơ bản cho các bếp ăn tập thể về dụng cụ cấp dưỡng, tủ bảo ôn, tủ lưu mẫu thức ăn… Tuy vậy, các bếp ăn tập thể của các trường phổ thông DTBT, mầm non cũng chỉ đảm bảo kín đáo, tránh được ô nhiễm và côn trùng xâm nhập mà chưa thể đảm bảo được nguyên tắc “1 chiều”.
Cuối năm 2014, ngành y tế đã phối hợp với ngành GD&ĐT kiểm tra 34 bếp ăn tập thể của 7 địa phương và kết luận trên 90% bếp ăn tập thể chưa đạt yêu cầu về vệ sinh ATTP. Nguyên nhân chính vẫn là cơ sở vật chất yếu kém và còn nhân viên chưa được tập huấn, chưa được kiểm tra định kỳ về sức khỏe.
NHỮNG GIẢI PHÁP CỦA NGÀNH
Một mặt tăng cường đầu tư cho các bếp ăn tập thể về cơ sở vật chất, mặt khác ngành đã có yêu cầu cao về chất lượng đội ngũ nhân viên. Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra thường xuyên về mức độ ô nhiễm, nước sạch cung cấp cho các bếp ăn tập thể. Đồng chí Lương Tiến Đức, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bắc Sơn cho biết: 2 vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể Trường MN Vũ Sơn năm 2012 và trường Nhất Tiến năm 2013 là bài học không thể nào quên đối với ngành GD&ĐT Bắc Sơn. Vì vậy, từ năm 2014, Phòng GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế huyện trong kiểm tra kiểm soát nguồn nước nói riêng và việc thực hiện các quy định về vệ sinh ATTP của đội ngũ nhân viên.
Tháng 12/2014, ngành đã tổ chức Hội thi nhân viên nấu ăn giỏi các trường phổ thông DTNT. Đây là dịp để ngành kiểm tra tay nghề và ý thức tuân thủ quy định về vệ sinh ATTP của đội ngũ nhân viên cấp dưỡng. Đồng chí Hoàng Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: thông qua Hội thi này, ngành sẽ tổ chức các hội thi dành cho nhân viên cấp dưỡng của các loại hình như mầm non và phổ thông DTBT, nhằm tôn vinh những đầu bếp giỏi, đồng thời cho họ thấy sự tuân thủ các quy định về vệ sinh ATTP quan trọng như thế nào.
Cho dù có đầu tư bao nhiêu thì vai trò của người đứng đầu vẫn mang ý nghĩa quyết định. Ngoài vệc chỉ đạo thực hiện quy định về ký hợp đồng cung cấp thực phẩm ổn định để ràng buộc trách nhiệm của người, tổ chức cung cấp nguồn thực phẩm cho đơn vị. Sự quan tâm, kiểm tra, giám sát công tác phục vụ trong bếp ăn tập thể của hiệu trưởng có tác động trực tiếp đến công tác đảm bảo vệ sinh ATTP. Do lịch sử để lại, nhiều trường trên địa bàn thành phố Lạng Sơn rất khó khăn trong xây dựng bếp ăn một chiều, song nếu khéo tổ chức và sắp xếp vẫn có thể đáp ứng các quy định. Bằng việc tích cực sửa chữa, cải tạo, đến nay trên 85% bếp ăn tập thể của ngành GD&ĐT thành phố đã được cấp chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP.
Ý kiến ()