Giải pháp cho trồng rừng 2014
LSO-Cuối năm 2013, dự kiến kế hoạch trồng rừng năm 2014 sẽ diễn ra thuận lợi, bởi theo tính toán, các nguồn ngân sách đáp ứng được phần lớn chỉ tiêu. Thế nhưng, trên thực tế nguồn ngân sách Trung ương cho trồng rừng năm nay rất thấp, trong khi đó kế hoạch trồng rừng năm 2014 của Lạng Sơn lại cao hơn so với các năm trước. Muốn hoàn thành chỉ tiêu trồng mới 9.500 ha, các huyện bắt buộc phải nâng cao được tỷ lệ xã hội hóa trong trồng rừng.
Nông dân huyện Đình Lập ươm giống cây trồng lâm nghiệp |
Năm 2013, huyện Chi Lăng trồng rừng mới đạt trên 1.200 ha, vượt 5% so với kế hoạch. Đây có thể coi là bước tiến vượt bậc đối với trồng rừng trên địa bàn huyện. Bởi trước đấy 1 năm, công tác trồng rừng ở Chi Lăng còn nhiều bất cập, trong đó dự án trồng rừng hỗ trợ sản xuất không đạt chỉ tiêu phải điều chuyển cho huyện khác thực hiện. Thế nhưng xét một cách tổng thể, trong tổng số rừng trồng được trong năm 2013, tỷ lệ xã hội hóa vẫn chưa phải là cao. Hầu hết trong số các diện tích trồng được đều có phần vốn ngân sách, tỷ lệ xã hội hóa chủ yếu rơi vào một chút diện tích trồng rừng phân tán.
Trao đổi với chúng tôi, bà Hà Thị Thủy, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chi Lăng cho rằng việc hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2014 sẽ là thách thức rất lớn đối với Chi Lăng. Theo kế hoạch tỉnh giao, năm nay toàn huyện sẽ phải hoàn thành kế hoạch trồng mới 930 ha rừng. Ước tính gần ½ trong số đó phải huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách với khoảng 350 ha rừng sản xuất và 60 ha rừng phòng hộ. Trong khi đó, trong những năm qua, mặc dù có trên 100 hồ sơ xin vay vốn ưu đãi trồng cây lâm nghiệp theo quyết định 39 của UBND tỉnh, nhưng ngân hàng trên địa bàn vẫn chưa duyệt được trường hợp nào để cho vay. Nếu giải quyết được các trường hợp này, cộng thêm việc đẩy mạnh trồng cây phân tán, Chi Lăng sẽ tháo gỡ được rất nhiều khó khăn trong vụ trồng rừng năm nay.
Đối với Văn Lãng, huyện luôn “đội sổ” trong thực hiện kế hoạch trồng rừng trong vài năm trở lại đây, mặc dù chỉ tiêu năm 2014 chỉ phải hoàn thành kế hoạch trồng mới 470ha, nhưng cũng có tới 220 ha phải huy động nguồn lực xã hội hóa. Nếu không có những chiến lược ngay từ thời điểm này như tuyên truyền, vận động, định hướng cho người dân, thậm chí là cầm tay chỉ việc và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành thì Văn Lãng khó hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng năm 2014.
Ông Hoàng Văn Quân, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Lâm nghiệp cho biết: theo phân bổ, nguồn ngân sách Trung ương cấp cho phát triển và bảo vệ rừng năm 2014 trên địa bàn tỉnh là 30 tỷ đồng, trong đó 13 tỷ đồng đã dành cho dự án đường lâm nghiệp và băng cản lửa tại Văn Lãng, Hữu Lũng; 2 tỷ đồng cho bảo vệ phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn sông Kỳ Cùng tại Bắc Xa, huyện Đình Lập. Như vậy chỉ còn 15 tỷ đồng cho các dự án trồng mới.
Ông Quân phân tích: Trong 9.500 ha rừng trồng mới theo kế hoạch, thì 3.000 ha trồng cây phân tán vẫn sử dụng ngân sách của tỉnh như các năm trước; còn lại ngân sách Trung ương sẽ đủ trồng 2.900 ha bao gồm rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Như vậy có nghĩa là 3.600 ha rừng còn lại phải huy động từ các nguồn khác. Hàng năm một số huyện vẫn bổ sung ngân sách để thêm nguồn lực cho số này, nhưng nguồn này không nhiều mà vẫn phải trông chờ vào xã hội hóa. Trong khi ấy các doanh nghiệp trồng rừng cũng không đáp ứng được nhiều mà chủ yếu là xã hội hóa từ nguồn lực của nhân dân.
Vụ trồng rừng năm 2011, Lạng Sơn cũng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, nhưng đây cũng là năm tỷ lệ xã hội hóa trong trồng rừng đạt rất cao. Từ đó đến nay, mỗi năm nhân dân Lạng Sơn vẫn tự đầu tư trồng mới được trên 2.000 ha rừng. Một số huyện như Lộc Bình, Đình Lập, Tràng Định thậm chí còn “gánh” hộ chỉ tiêu cho các huyện khác.
Năm nay chỉ tiêu giao cho các huyện này vẫn là cao nhất từ 1.200-1.400 ha và dự kiến sẽ hoàn thành được, thậm chí vượt mức. Trồng rừng sản xuất là để phát triển kinh tế, phục vụ lợi ích của chính người dân. Thực tế chứng minh, nơi nào tuyên truyền, vận động tốt để nhân dân hiểu rõ và hưởng ứng đầu tư trồng rừng phục vụ lợi ích của chính mình, thì nơi đó chỉ tiêu trồng rừng không phải là gánh nặng. Việc giảm tỷ lệ đầu tư nhà nước, tăng tỷ lệ xã hội hóa trong phát triển kinh tế rừng cũng là một trong những chủ trương đúng và là xu thế tất yếu như việc xã hội hóa các ngành kinh tế khác.
NHƯ PHONG
Ý kiến ()