Giải pháp cho người hút thuốc lá khi chưa thể cai nghiện
Giảm tác hại không phải là biện pháp an toàn và triệt tiêu hoàn toàn yếu tố gây hại, nhưng việc có thể giảm đến 90% nồng độ các chất độc hại trong khói thuốc lá cũng là điều rất đáng lưu ý.
Nghiện thuốc lá và hệ lụy khôn lường của nó đối với người hút, với cộng đồng là vấn nạn nhức nhối được đề cập nhiều năm nay.
Bài viết của Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Trần Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp Thành phố Hồ Chí Minh dưới đây bàn về giải pháp cho người hút thuốc lá khi chưa thể cai nghiện.
Một nghiên cứu gần đây thông qua chương trình hỗ trợ bệnh nhân cai thuốc lá của bệnh viện Bạch Mai cho thấy tỷ lệ cai thuốc thành công chỉ đạt 9,5%. Trong khi đó, từ một số ghi nhận khác, trong số những người cai được thuốc thì tỷ lệ tái nghiện lại rơi vào khoảng 50%.
Rõ ràng cai thuốc lá là vấn đề vô cùng khó khăn, bởi vậy các giải pháp giảm tác hại thuốc lá tạm thời là rất cần thiết, có ý nghĩa rất lớn về mặt sức khỏe đối với những bệnh nhân bị tác động trực tiếp bởi thuốc lá, ví dụ như bệnh nhân COPD, và cả những người có nguy cơ mắc bệnh.
Sự cần thiết phải giảm tác hại thuốc lá cho người hút thuốc
Tác động tiêu cực của việc hút thuốc đối với phổi cũng đã được ghi nhận rõ ràng. Khói của thuốc lá điếu đốt cháy là nguyên nhân của 90% các trường hợp mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bao gồm viêm phế quản mạn tính và khí phế thũng.
Hiện nay, số lượng bệnh nhân COPD do thuốc lá ở Việt Nam là khoảng 4,5 triệu. Những bệnh nhân COPD nếu ngưng dùng thuốc lá được là tốt nhất. Nếu các biện pháp cai thuốc lá chưa thành công hoặc chính bản thân bệnh nhân chưa quyết tâm bỏ thuốc, thì chuyển sang giai đoạn giảm tác hại là một giải pháp. Theo đó, hàm lượng các chất độc hại trong thuốc lá có thể sẽ được giảm đi đáng kể, từ đó giúp giảm sự tiến triển nhanh của bệnh.
Giải pháp giảm tác hại là ứng dụng tiến bộ khoa học để phát triển các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới ít tác hại hơn so với thuốc lá điếu thông thường.
Nguyên lý của các sản phẩm thuốc lá mới này là làm nóng thay vì đốt cháy nguyên liệu thuốc lá, dù vẫn cung cấp nicotine từ thuốc lá cho người hút. Đối với thuốc lá điếu đốt cháy, nhiệt độ của nguyên liệu thuốc lá khi hút dao động từ 600 lên đến 800-900°C.
Theo nghiên cứu khoa học, nhiệt độ từ mức 400°C trở lên sẽ cấu thành quá trình đốt cháy và sản sinh ra các chất độc hại gây ung thư và các bệnh lý khác. Nếu chỉ làm nóng nguyên liệu lá thuốc lá ở nhiệt độ thấp hơn 350°C, tức là loại bỏ quá trình đốt cháy, thì có thể giúp giảm đáng kể hàm lượng các chất độc hại được tạo ra.
Do đó, giảm tác hại chính là giảm nồng độ (hàm lượng) các chất gây hại. Dù giảm tác hại không phải là biện pháp an toàn và triệt tiêu hoàn toàn yếu tố gây hại, nhưng việc có thể giảm được đến 90% nồng độ các chất độc hại trong khói thuốc lá cũng là điều rất đáng lưu ý.
Căn cứ vào đó, dựa trên những kiểm định về mặt kỹ thuật, khoa học, cũng như đánh giá về mặt thí nghiệm trên chuột, đánh giá trên những người tình nguyện, hiện nay FDA của Mỹ cũng như một số cơ quan khác ở châu Âu và Nhật Bản, cũng đã cho phép những sản phẩm giảm tác hại thuốc lá được lưu hành trên thị trường dưới sự quản lý của nhà nước.
Xét về mặt y học, đặc biệt trong lĩnh vực hô hấp, cần có một sản phẩm hợp pháp và đáp ứng đầy đủ về chất lượng để người bệnh không cai thuốc lá chuyển đổi sử dụng. Đây là điều hợp lý về mặt y khoa.
Cần chính sách quản lý phù hợp cho các sản phẩm giảm tác hại
Cai thuốc lá là điều bắt buộc đầu tiên. Tuy nhiên, nếu người hút thuốc không thể cai thuốc lá được thì có cơ hội tiếp cận giải pháp giảm tác hại sẽ tốt hơn để họ tiếp tục hút thuốc lá điếu. Điều này sẽ giảm đi ảnh hưởng của những tác động xấu mỗi ngày trên bản thân người bệnh và nguy cơ cho những thế hệ sau. Ví dụ như cha mẹ bị COPD, ung thư phổi thì người con đang hút thuốc lá cũng là người có nguy cơ bị mắc các bệnh này.
Tuy nhiên, để các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đã được khoa học xác định là có khả năng giảm tác hại thay thế cho thuốc lá điếu, trước tiên cần có khung quản lý. Những sản phẩm nào đã được thông qua bởi các cơ quan y tế quốc tế uy tín (như FDA của Mỹ, PHE của Anh, Bộ Y tế Nhật…) dựa trên các nghiên cứu đầy đủ, khách quan, công nhận hàm lượng các chất gây hại thấp hơn rất nhiều (khoảng 90% so với thuốc lá điếu), thì mới được cho phép đưa vào quản lý.
Đây là điều quan trọng để phân biệt sản phẩm khoa học chân chính nhằm đạt được hiệu quả giảm tác hại của thuốc lá, khác với các sản phẩm trôi nổi, hàng giả, thậm chí hàng trá hình, trên thị trường chợ đen hiện nay.
Như vậy, về mặt y khoa, bản thân công ty thuốc lá cũng như ngành y tế sẽ có trách nhiệm kiểm tra được chất lượng, hàm lượng những chất độc hại trong thuốc lá thế hệ mới trước khi cấp phép và đưa sản phẩm đến tay người dùng. Theo đó, các bác sỹ cũng sẽ yên tâm để tư vấn, cung cấp thông tin cho bệnh nhân – những người chưa thể cai thuốc lá – để chuyển đổi sử dụng trước khi cai hẳn thuốc lá.
Đối với xã hội, cộng đồng thì cần có những tiêu chuẩn quản lý khắt khe nhằm ngăn chặn giới trẻ tiếp cận các sản phẩm nhập lậu, trá hình.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về tác hại của tất cả các loại thuốc lá. Các biện pháp tư vấn, giáo dục, hỗ trợ cai thuốc lá cần phải được thường xuyên lặp đi lặp lại, thậm chí tư vấn cả cho những người thân trong gia đình của người hút thuốc để họ tiếp tục tư vấn trở lại cho người hút. Nỗ lực này cần sự phối hợp của tất cả các bên liên quan, từ các cơ quan quản lý, gia đình, nhà trường và y giới.
Ngoài ra, tư duy cởi mở đối với các tiến bộ khoa học trong tìm kiếm giải pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá một cách hữu hiệu hơn cũng là điều cần thiết./.
https://www.vietnamplus.vn/giai-phap-cho-nguoi-hut-thuoc-la-khi-chua-the-cai-nghien/839393.vnp
Ý kiến ()