Giải pháp bảo đảm an toàn cho dạy, học trực tuyến
Ảnh minh họa
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, trong thời gian qua, trên “mặt trận giáo dục”, các thầy, cô giáo vẫn say sưa bên trang giáo án, soạn bài, dạy học qua Internet, dạy học qua truyền hình, qua các video… với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học” cho tất cả học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức dạy học qua Internet đã có xảy ra hiện tượng bị kẻ xấu xâm nhập vào địa chỉ lớp học, phòng học trực tuyến, đăng tải nội dung xấu, phản giáo dục, gây nhiễu, không cho giáo viên điều hành lớp học…. Điều đó gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dạy và người học, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học qua Internet. Đã có những tiết dạy giáo viên phải bỏ dở, không thể điều khiển bàn phím và chuột theo ý mình.
Trước thực trạng trên, để bảo đảm an toàn, hiệu quả trong dạy, học trực tuyến, thiết nghĩ, trước hết, giáo viên cần phải làm chủ việc sử dụng ứng dụng dạy, học trực tuyến. Giáo viên cần sử dụng thành thạo phần mềm, các tính năng của ứng dụng, có kĩ năng xử lý tốt các vấn đề phát sinh trong dạy học sẽ hạn chế sự tác động của kẻ xấu. Vì vậy, mỗi cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên cần phải tiếp tục tự học, tự bồi dưỡng và nỗ lực hơn nữa để nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học trên Internet.
Thứ hai, cần sự đồng hành và nỗ lực của phụ huynh. Phụ huynh cần nỗ lực để đầu tư mua laptop, điện thoại thông minh và nhất là đồng hành cùng các con trong quá trình học trực tuyến, như nhắc nhở các con lịch học, thậm chí ngồi học cùng con, nhất là đối với các em học sinh tiểu học. Việc đồng hành của phụ huynh không những giúp các em học sinh nâng cao ý thức học tập tại nhà, mà còn giúp hạn chế những tác động do kẻ xấu lợi dụng trong thời gian các em học.
Thứ ba, cần có sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý giáo dục. Các cơ sở giáo dục cần lựa chọn phần mềm phù hợp, hạn chế dùng các phần mềm không có bản quyền, tổ chức hướng dẫn giáo viên cách khai thác phần mềm, kỹ năng quản lý điều hành lớp học, kiểm duyệt người vào học…; xây dựng kế hoạch, thời khóa biểu dạy học hợp lý; xây dựng quy chế tổ chức dạy học qua Internet, trong đó cần làm rõ trách nhiệm của người học khi tham gia lớp học trực tuyến, nhất là các hành vi không được làm đối với người học. Mặt khác, các cơ quan quản lý giáo dục cần có sự hỗ trợ, đồng hành, kiểm tra dự giờ giáo viên dạy để tư vấn, rút kinh nghiệm.
Thứ tư, cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý an toàn thông tin, an ninh mạng, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Sự vào cuộc của các cơ quan quản lý an toàn thông tin, an ninh mạng sẽ hạn chế rất lớn đến sự tác động xấu của các hacker. Đồng thời, cần xử lý nghiêm khắc, kịp thời các hành vi vi phạm. Nếu xảy ra các tình huống tiêu cực, giáo viên, học sinh, sinh viên, phụ huynh và cán bộ quản lý cần cung cấp thông tin kịp thời tới lãnh đạo nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục, cơ quan công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong lúc cả nước đang dồn sức chống “giặc” Covid-19, thầy, cô giáo đang ngày đêm không quản ngại vất vả để không một học sinh nào bị bỏ lại phía sau. Những kẻ xấu chắc cũng đã trải qua thời đi học, mong sao họ suy nghĩ chín chắn để không tiếp diễn hành vi vi phạm, gây ảnh hưởng đến việc dạy, học và bức xúc của xã hội.
Ý kiến ()