Giải Nobel Kinh tế lý giải nguyên nhân chênh lệch giàu nghèo giữa các quốc gia
Nghiên cứu đoạt giải đã lý giải sự khác biệt lớn về thịnh vượng giữa các nước liên quan đến các thể chế xã hội, giải thích sự khác biệt trong các thể chế vẫn tồn tại và cách thức thay đổi các thể chế.
Chiều 14/10 (theo giờ Hà Nội), 3 nhà khoa học người Mỹ đã được công bố là chủ nhân Giải Nobel Kinh tế 2024 là Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson nhờ giúp thế giới hiểu thêm nguyên nhân chênh lệch giàu nghèo giữa các quốc gia.
Theo Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, nghiên cứu đoạt giải năm nay đã lý giải được sự khác biệt lớn về thịnh vượng giữa các quốc gia liên quan đến các thể chế xã hội, đồng thời giải thích tại sao sự khác biệt trong các thể chế vẫn tồn tại và cách thức thay đổi các thể chế.
Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Khoa học Kinh tế Jakob Svensson nhấn mạnh: "Giảm bớt sự chênh lệch lớn về thu nhập giữa các quốc gia là một trong những thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta. Những người đoạt giải đã chứng minh được tầm quan trọng của các thể chế xã hội để đạt được điều này."
Giải Kinh tế đã khép lại mùa trao giải Nobel năm nay. Lễ trao các giải Nobel sẽ được tổ chức vào ngày 10/12 tới tại Stockholm (Thụy Điển) và Oslo (Na Uy). Mỗi giải thưởng gồm huy chương, bằng chứng nhận cá nhân và khoản tiền thưởng 11 triệu krona (hơn 1 triệu USD).
Theo Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, có 56 giải Nobel Kinh tế đã được trao kể từ năm 1969. Người trẻ nhất nhận được giải thưởng danh giá này khi mới 46 tuổi là nhà kinh tế người Pháp Esther Duflo (Nobel 2019).
Người cao tuổi nhất là nhà khoa học người Mỹ Leonid Hurwicz (Nobel 2007) được vinh danh khi đã 90 tuổi./.
Ý kiến ()