Giải Nobel Hòa bình gây tranh cãi nhất trong lịch sử
Mùa giải Nobel 2023 là cơ hội để nhìn lại Giải Nobel Hòa bình được trao cho ông Lê Đức Thọ và ông Henry Kissinger cách đây nửa thế kỷ-một trong những giải thưởng gây tranh cãi nhất trong lịch sử.
“Hoàn toàn thất bại. Đây là giải thưởng tồi tệ nhất trong lịch sử giải Nobel Hòa bình”, nhà sử học người Na Uy Asle Sveen đã nói như vậy về lần công bố giải Nobel Hòa bình cách đây nửa thế kỷ. Đó thực sự là một cú sốc.
Theo trang mạng lunion.fr, vào ngày 16-10-1973, Ủy ban Nobel Na Uy công bố giải thưởng Nobel Hòa bình được trao chung cho đại diện Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Lê Đức Thọ và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger vì “những nỗ lực của họ trong việc đàm phán ký kết Hiệp định Paris năm 1973, theo đó Mỹ rút quân khỏi Việt Nam”.
Ngày 27-1-1973, ông Lê Đức Thọ và ông Henry Kissinger đã ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. |
Trước đó, ngày 27-1-1973, tại Paris, ông Lê Đức Thọ và ông Henry Kissinger đã ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nhà sử học Asle Sveen lưu ý: “Đó không phải là thỏa thuận hòa bình mà là một thỏa thuận ngừng bắn nhanh chóng có hiệu lực”. Trên hết là cơ hội để Lầu Năm Góc rút quân khỏi vũng lầy Việt Nam trong bối cảnh nước Mỹ đang rung chuyển trước phong trào phản chiến mạnh mẽ.
Ông Lê Đức Thọ từ chối nhận giải với lý do hòa bình vẫn chưa lập lại tại Việt Nam. Còn những người phản đối chiến tranh Mỹ gây ra ở Việt Nam phản đối việc trao giải cho ông Kissinger. Cuộc tranh cãi cũng nổ ra trong nội bộ Ủy ban Nobel. Không hài lòng, hai trong số năm thành viên của Ủy ban này đã từ chức.
Tại Mỹ, tờ New York Times khi đó viết bài xã luận về “Giải Nobel về chiến tranh”. Các giáo sư Harvard lên án sự lựa chọn “vượt quá những gì mà một người có ý thức công lý bình thường có thể chịu đựng”. Trong khi ca sĩ Tom Lehrer kết luận rằng, với giải thưởng này, “châm biếm chính trị đã trở nên lỗi thời kể từ khi Henry Kissinger được trao giải Nobel Hòa bình’’.
Một mục tiêu bị chỉ trích cụ thể. Ông Kissinger khi đó bị cáo buộc mở rộng chiến tranh Việt Nam sang nước láng giềng Campuchia, đồng thời ra lệnh ném bom vào Hà Nội để gây áp lực trong các cuộc đàm phán. Ở một lục địa khác, chính xác ở Chile, ông Kissinger ủng hộ cuộc đảo chính của Tướng Pinochet chống lại Tổng thống được bầu cử dân chủ Salvador Allende.
Trong khi đó, ông Lê Đức Thọ cũng được báo chí nhắc tới là người đầu tiên và duy nhất cho đến nay từ chối giải Nobel Hòa bình. “Khi Hiệp định Paris về Việt Nam được tôn trọng, tiếng súng đã im bặt và hòa bình thực sự được lập lại ở miền Nam Việt Nam, tôi sẽ xem xét nhận giải”, ông Lê Đức Thọ viết trong điện tín.
Lo sợ trước các cuộc biểu tình có thể nổ ra, ông Kissinger triệu tập một cuộc họp của NATO để tránh đến nhận giải thưởng ở Oslo. Sau khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng tháng 4-1975, ông Kissinger thậm chí còn cố gắng trả lại giải Nobel Hòa bình cho Ủy ban Nobel nhưng bị từ chối.
Theo Olav Njølstad, Giám đốc hiện tại của Viện Nobel Na Uy, các tài liệu được giải mật sau 5 thập kỷ cho thấy, việc Ủy ban quyết định trao giải Nobel cho ông Lê Đức Thọ và ông Kissinger với hy vọng tạo động lực cho Hiệp định Paris để dẫn tới hòa bình lâu dài ở Việt Nam.
Theo trang nicematin.com, có ít nhất 351 hồ sơ, trong đó có 259 cá nhân và 92 tổ chức, ứng cử giải Nobel Hòa bình 2023, mức cao thứ hai trong lịch sử của giải thưởng này. Giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm Dan Smith cho rằng, biến đổi khí hậu là một lựa chọn tuyệt vời cho Giải Nobel Hòa bình năm nay. |
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/giai-nobel-hoa-binh-gay-tranh-cai-nhat-trong-lich-su-745959
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()