Giải ngân vốn ODA trong 9 tháng tăng 10%
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng năm 2014, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết đạt 3.519 triệu USD, bằng 76% so với cùng năm ngoái. Tuy nhiên, tổng giá trị giải ngân 9 tháng năm nay lại cao hơn 10% so với mức giải ngân của cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 4.105 triệu USD.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: M.P) |
Trong 9 tháng năm 2014, một số chương trình, dự án có giá trị vốn vay ODA lớn, được ký kết như: Chương trình hỗ trợ quản lý kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh (EMCC 2) trị giá 147,60 triệu USD do Nhật Bản tài trợ; Dự án xây dựng nhà máy điện Thái Bình 1 và đường dây truyền tải trị giá 358,11 triệu USD do Nhật Bản tài trợ; Dự án quản lý tài sản đường bộ Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ tổng giá trị là 251,7 triệu USD…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân đạt được kết quả trên là do tác động của một số biện pháp tăng cường công tác vận động, giải ngân và phòng chống tiêu cực các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi. Theo đó, Bộ đã tổ chức hội nghị thúc đẩy giải ngân các chương trình, dự án ODA giữa Ban chỉ đạo quốc gia ODA và vốn vay ưu đãi đã phối hợp với 6 nhóm ngân hàng phát triển; trong đó, nêu rõ nhiệm vụ của các cơ quan liên quan nhằm cải thiện tình hình giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức cuộc họp rà soát các dự án giải ngân chậm; đồng thời, phối hợp với Nhật Bản bàn về các giải pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong việc thực hiện các dự án giao thông vận tải sử dụng nguồn vốn ODA; phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á tổ chức đoàn tái cấu trúc dự án.
Tuy nhiên, xét tổng thể về việc thực hiện và giải ngân vốn ODA vẫn chưa tạo được bước đột phá lớn do mức độ giải ngân không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực và địa phương, chỉ tập trung ở các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực giao thông, năng lượng điện, thích ứng biến đổi khí hậu.
Nhằm nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương sẽ tích cực hơn nữa trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, như giải phóng mặt bằng, vốn đối ứng, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án… để có thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA và sử dụng hiệu quả từng đồng vốn này.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()