Giải ngân vốn đầu tư công: "Nước rút" về đích
– Quản lý, điều hành linh hoạt, hiệu quả đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công được UBND tỉnh coi là một giải pháp trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế, duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm, UBND tỉnh đã, đang tập trung chỉ đạo quyết liệt đối với các sở, ngành, chủ đầu tư được giao quản lý vốn để hoàn thành kế hoạch đề ra.
Theo kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công tại Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 28/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2021, tỉnh Lạng Sơn được giao quản lý 2.761 tỷ đồng, UBND tỉnh giao tăng 150 tỷ đồng. Như vậy, tổng kế hoạch vốn đầu tư công do tỉnh giao là 2.911 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 16/8/2021, các chủ đầu tư được giao quản lý vốn đã giải ngân được 1.080 tỷ đồng, tương đương 37,1% so với kế hoạch vốn tỉnh giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ 2020 đạt 45% kế hoạch) .
Cán bộ quản lý dự án Ban Quản lý Đầu tư xây dựng thành phố kiểm tra đối chiếu giữa hồ sơ và thực tế thi công dự án cải tạo nâng cấp Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn
Nguyên nhân giải ngân vốn đạt thấp do một số chủ đầu tư còn chậm trong thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng được yêu cầu. Qua theo dõi thực tế, đến hết tháng 7/2021, trong 40 đơn vị được giao quản lý vốn, chủ đầu tư các công trình, dự án, còn 8 đơn vị giải ngân đạt dưới 10% kế hoạch; 5 đơn vị có kết quả giải ngân đạt từ 10% đến 20% kế hoạch.
Từ thực tế công tác giải ngân vốn chưa đáp ứng được yêu cầu, cơ quan liên quan đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản điều hành, chỉ đạo quyết liệt để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm. Mục tiêu là đến trước ngày 30/9/2021, thực hiện thi công đối với các dự án khởi mới và trước ngày 30/10/2021, thực hiện xong bước phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án chuẩn bị đầu tư.
Theo đó, các chủ đầu tư đã tập trung triển khai theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh như: phân công cán bộ cùng với đơn vị tư vấn đôn đốc hoàn thiện hồ sơ các công trình; tổ chức giao ban giữa chủ đầu tư với đơn vị tư vấn để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Nhờ đó, đến giữa tháng 8/2021, 13/13 dự án khởi công mới năm 2021 đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, hiện các chủ đầu tư đang thúc đẩy giải phóng mặt bằng để khởi công theo kế hoạch. Đối với 56 dự án chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2021 – 2025 và bổ sung trong 6 tháng cuối năm 2021 thuộc lĩnh vực giao thông, giáo dục y tế… đang được các chủ đầu tư tập trung hoàn thiện hồ sơ.
Riêng các nhóm dự án chuyển tiếp cần đẩy nhanh tiến độ, các chủ đầu tư đã xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết hằng tháng; rà soát khả năng giải ngân của từng dự án; kiên quyết xử lý các nhà thầu yếu để chậm tiến độ thi công.
Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Ngoài việc các chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch giải ngân cụ thể đối với từng dự án gửi về sở và Văn phòng UBND tỉnh để theo dõi, hằng tháng, sở họp với các chủ đầu tư để rà soát việc giải ngân các nguồn vốn, từ đó tham mưu cho UBND tỉnh có biện pháp điều hòa nguồn vốn, thúc đẩy giải ngân từng chương trình dự án.
Bên cạnh đó, việc tháo gỡ nút thắt trong giải phóng mặt bằng để thúc đẩy thi công các dự án cũng có tác động trực tiếp đến kết quả giải ngân các nguồn vốn đầu tư và các dự án cụ thể. Vì vậy, hiện nay, các đơn vị được giao thực hiện dự án đã và đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền các huyện, thành phố để đẩy nhanh thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý Xây dựng và bảo trì hạ tầng giao thông thuộc Sở Giao thông – Vận tải cho biết: Trong năm 2021, ban thực hiện khởi công mới 3 dự án hạ tầng giao thông, để chủ động và không bị gián đoạn trong triển khai các dự án, ngay từ khi thực hiện chuẩn bị đầu tư công trình, Ban đã phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện: Chi Lăng, Bình Gia, Hữu Lũng thực hiện trước công tác giải phóng mặt bằng. Nhờ vậy, đến giữa tháng 8/2021, có 2 dự án đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng và thực hiện bước thi công tại thực địa và 1 dự án đang được thúc đẩy giải phóng mặt bằng dự kiến khởi công trước 30/9/2021.
Với sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh và sự chủ động của các chủ đầu tư được giao quản lý các dự án đầu tư công, Lạng Sơn phấn đấu đến hết tháng 9/2021 giải ngân vốn đầu tư công đạt 60% kế hoạch vốn và đến cuối năm 2021, giải ngân đạt 95% kế hoạch
Những cách làm hiệu quả
Để thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của UBND tỉnh về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhiều cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư được giao quản lý vốn đã có những giải pháp riêng hiệu quả. Phóng viên Báo Lạng Sơn đã phỏng vấn đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị nhằm làm rõ hơn về vấn đề này.
Ông Đặng Văn Thương, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh: “Đẩy mạnh tiếp nhận giải quyết thủ tục giải ngân qua dịch vụ công trực tuyến”.
Từ đầu năm 2021, thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi đầu tư xây dựng cơ bản, Kho bạc Nhà nước tỉnh đã đề nghị các chủ đầu tư thực hiện chuyển hồ sơ đề nghị giải ngân qua dịch vụ công trực tuyến để giải quyết nhanh các thủ tục giải ngân và thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho các chủ đầu tư. Nếu như trước đây, thời gian giải quyết thủ tục mất 3 ngày, thì hiện nay, kho bạc thực hiện tiếp nhận giải quyết thủ tục giải ngân các dự án ngay trong ngày. Chỉ tính từ ngày 15/7/2021 đến ngày 15/8/2021, Kho bạc Nhà nước tỉnh tiếp nhận phát sinh 4.644 chứng từ đề nghị thanh toán giải ngân vốn đầu tư công, đơn vị đã giải quyết 4.318 chứng từ đề nghị giải ngân thanh toán bằng hình thức dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, hằng tuần, đơn vị gửi số liệu giải ngân đến Sở Kế hoạch và Đầu tư để cùng theo dõi, đôn đốc.
Bà Nguyễn Thị Hương Sen, Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng thành phố Lạng Sơn: “Cam kết về tiến độ đối với từng hạng mục công trình để thúc đẩy giải ngân”.
Một trong những giải pháp để thành phố đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2021 là ngay từ đầu năm, UBND thành phố đã yêu cầu các nhà thầu cam kết về hoàn thành từng hạng mục dự án với đơn vị được giao chủ đầu tư. Mục tiêu đặt ra là đẩy nhanh thi công cũng như thuận lợi cho việc nghiệm thu phục vụ giải ngân kịp thời không để “khê vốn” dồn vào cuối năm mới giải ngân. Nhờ vậy, từ đầu năm 2021 đến giữa tháng 8/2021, khối lượng giải ngân của thành phố đạt 71,5 tỷ đồng, tương đương 45,6% kế hoạch (cùng kỳ năm năm 2020 đạt 32% kế hoạch).
Ông Bế Đức Minh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh: “Thành lập các tổ công tác của chủ đầu tư để hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh giải phóng mặt bằng các dự án”.
Muốn triển khai dự án được thuận lợi, góp phần thúc đẩy giải ngân thì công tác giải phóng mặt bằng phải đi trước một bước. Vì vậy, trong năm 2021, khi thực hiện các dự án khởi công mới, ban đã yêu cầu các phòng chuyên môn được giao quản lý dự án phải thành lập tổ công tác của chủ đầu tư để đồng hành, hỗ trợ các địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng các công trình. Nhờ giải pháp này cộng với bố trí đủ vốn để chi trả cho các hộ bị thu hồi đất, công tác giải phóng mặt bằng đã được thúc đẩy nhanh hơn. Đến nay, 4/6 dự án khởi công mới được tổ chức khởi công theo đúng kế hoạch đề ra như: dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 4B; các dự án sử dụng vốn ODA phát triển toàn diện hạ tầng các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn; đường Trung Thành – Tân Minh, huyện Tràng Định…
Ý kiến ()