Giải ngân vốn đầu tư công: Nhận diện khó khăn, đẩy nhanh tiến độ
– Trong 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt công tác đầu tư xây dựng, giải ngân vốn đầu tư công nhưng kết quả khối lượng thực hiện và giải ngân chưa đạt so với kế hoạch đề ra.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023, tỉnh Lạng Sơn được trung ương phân bổ 3.891 tỷ đồng vốn đầu tư công, tính đến hết ngày 23/6/2023, toàn tỉnh đã giải ngân vốn đầu tư công được 995,7 tỷ đồng, đạt 26% kế hoạch, tương đương so với cùng kỳ 2022.
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công trình đường giao thông tại huyện Đình Lập
Nguyên nhân giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt thấp do vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện các dự án. Một số dự án sử dụng vốn ODA mặc dù đã có khối lượng thực hiện, tuy nhiên việc nghiệm thu và thực hiện thủ tục rút vốn chậm cũng ảnh hưởng đến kết quả giải ngân. Cụ thể như Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai thành phố Lạng Sơn và 3 huyện: Cao Lộc, Bình Gia, Lộc Bình; Dự án LRAMP – hợp phần 1 khôi phục cải tạo đường địa phương; Dự án Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn – Tiểu dự án tỉnh Lạng Sơn.
Đối với nhóm dự án khởi công mới bao gồm 11 dự án, tiến độ thực hiện công tác chuẩn bị hoàn thiện thủ tục đầu tư trong 6 tháng đầu năm chậm. Tính đến cuối tháng 6/2023 mới có 7/11 dự án thực hiện khởi công, 3/11 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư và 1 dự án chưa đủ điều kiện giao chi tiết vốn.
Ngoài ra, một số dự án sử dụng nguồn vốn thu sử dụng đất, nguồn xổ số kiến thiết mặc dù đã dự kiến giao kế hoạch vốn nhưng lại phụ thuộc vào tiến độ thu thực tế. Đối với nguồn vốn này, trong 6 tháng đầu năm, nguồn thu chưa bảo đảm theo kế hoạch, do đó cũng ảnh hưởng đến kết quả giải ngân chung toàn tỉnh.
Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng các dự án còn nhiều vướng mắc khiến việc triển khai thi công bị chậm tiến độ kéo theo công tác giải ngân chưa đáp ứng được yêu cầu, điển hình như Dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 4B; đường Cao Lộc – Ba Sơn; đường liên xã từ thị trấn Chi Lăng vào xã Y Tịch…
Ông Hoàng Đình Tuệ, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết: Trong quá trình triển khai các dự án nhất là các dự án giao thông trọng điểm, ban đã thực hiện đồng bộ các giải pháp với quyết tâm cao nhất để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Cụ thể như xác định đăng ký nhiệm vụ trọng tâm với UBND tỉnh; hỗ trợ các huyện trong công tác giải phóng mặt bằng; đôn đốc các nhà thầu huy động thiết bị tổ chức thi công…Tuy nhiên, kết quả giải ngân vốn đầu tư do ban quản lý đến cuối tháng 6 mới đạt được 26% kế hoạch, trong khi ban đăng ký với UBND tỉnh phấn đấu giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2023 là 39% kế hoạch vốn giao. Nguyên nhân quan trọng nhất ảnh hưởng đến kết quả giải ngân chưa đạt yêu cầu là tại các dự án, diện tích mặt bằng bàn giao không liền khoảnh vừa thiếu vừa thừa gây ảnh hưởng trực tiếp đến triển khai thi công, khối lượng thực hiện các công trình đạt thấp.
Trước thực tế khối lượng giải ngân các nguồn vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm đều không đạt yêu cầu kế hoạch đề ra, để đẩy nhanh thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công, đòi hỏi các chủ đầu tư phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân nguồn vốn.
Nhà thầu triển khai thi công hạ tầng kỹ thuật Dự án Trung tâm văn hoá thể thao và khu dân cư huyện Đình Lập
Theo ông Vũ Hoàng Quý, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, khối lượng vốn giải ngân đến cuối năm còn rất lớn, vì vậy, các chủ đầu tư, đơn vị được giao quản lý vốn cần thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ giải pháp đã được nêu tại Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 20/3/2023 của UBND tỉnh về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công và vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023. Về tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện tại từng nhóm dự án, các chủ đầu tư cần rà soát, nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn, chuẩn bị trước các công việc những nội dung còn vướng mắc để khi có hướng dẫn thì kịp thời triển khai ngay. Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục duy trì chế độ họp giao ban hằng tháng để cùng các chủ đầu tư rà soát tiến độ các dự án từ đó tham mưu UBND tỉnh phương án điều hoà vốn kịp thời.
Qua thực tế tìm hiểu, khâu giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án cũng cần các đơn vị liên quan chung tay tháo gỡ. Theo đó ngoài trách nhiệm chính thuộc về các huyện, thành phố, các chủ đầu tư cần tăng cường phối hợp, hỗ trợ về nhân lực, kỹ thuật, chuẩn bị đủ kinh phí, làm tốt công tác dân vận để người dân hiểu chấp hành bàn giao mặt bằng dự án. Cùng đó các chủ đầu tư được giao thực hiện các dự án cần nêu cao tinh thần trách nhiệm kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm về tiến độ, chất lượng công trình, chậm thực hiện thủ tục thanh quyết toán khối lượng hoàn thành, vi phạm hợp đồng ký kết. Riêng các dự án chuẩn bị đầu tư, chủ đầu tư đã kiểm soát chặt chẽ hơn các hồ sơ đề xuất của đơn vị tư vấn, trong trường hợp cần thiết chấm dứt hợp đồng và thay thế các nhà thầu tư vấn khác để đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình.
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng các dự án, bà Dương Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù UBND huyện đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy nhanh giải phóng mặt bằng các dự án nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh nhưng kết quả bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư vẫn chưa được như kỳ vọng. Do đó, trong 6 tháng cuối năm, UBND huyện sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp và chỉ đạo quyết liệt hơn nữa đối với công tác này. Trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng sẽ phát sinh nhiều vướng mắc từ thực tiễn, UBND huyện rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các sở, ngành chức năng và chủ đầu tư để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, do đó các đơn vị chủ đầu tư, UBND các huyện, thành phố tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng và giải ngân vốn đầu tư công, từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu thực hiện đồng bộ các giải pháp phấn đấu giải ngân hoàn thành kế hoạch vốn đầu tư công được giao quản lý thực hiện trong năm 2023.
Ông Hoàng Văn Chiều, Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình
“Trong năm 2023, huyện Lộc Bình được giao nguồn vốn đầu tư công là 116,6 tỷ đồng, tính đến cuối tháng 6/2023, huyện mới giải ngân được 19,88 tỷ đồng, tương đương 21% kế hoạch và nằm trong nhóm 4 huyện có khối lượng giải ngân thấp nhất khối chủ đầu tư cấp huyện. Một trong những nguyên nhân giải ngân đạt thấp là do công tác chuẩn bị đầu tư các công trình khởi công mới còn chậm. Do đó để thúc đẩy giải ngân trong những tháng cuối năm 2023, UBND huyện đang đốc thúc các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư để bước sang đầu quý III/2023 thực hiện khởi công đồng loạt các dự án. Bên cạnh đó, UBND huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt và tăng cường kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu thi công để hoàn thành kế hoạch đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư đã đề ra”.
Ông Trần Quang Nguyên Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh
“Với chức năng nhiệm vụ được giao, từ đầu năm 2023 đến nay, Kho bạc Nhà nước tỉnh luôn hỗ trợ các chủ đầu tư, nhà thầu trong việc tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ thanh toán theo hình thức trực tuyến trên cổng dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước. Tuy nhiên, qua thực tiễn theo dõi kiểm soát chi từ kho bạc cho thấy các chủ đầu tư và các nhà thầu vẫn còn tâm lý dồn và thanh toán khối lượng vào cuối kỳ, cuối quý, cuối năm. Do đó, trong thời gian tới, Kho bạc Nhà nước tỉnh đề nghị các chủ đầu tư khi có khối lượng thì thực hiện ngay việc nghiệm thu và hoàn thiện các hồ sơ theo quy định để giải ngân ngay. Ngoài ra, Kho bạc Nhà nước tỉnh cũng tăng cường công tác đôn đốc thu hồi tạm ứng và thực hiện thu hồi tạm ứng của các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quản lý”.
TRANG NINH
Ý kiến ()