Giải ngân vốn đầu tư công: Đồng bộ các giải pháp
(LSO) – Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến giữa tháng 8/2020, tổng kế hoạch vốn đã giải ngân toàn tỉnh mới đạt 1.433 tỷ đồng, tương đương 43,98% kế hoạch (cùng kỳ năm 2019, toàn tỉnh giải ngân đạt 47,4%). Trong đó, nhiều chương trình, dự án khối lượng giải ngân rất thấp, điển hình như: vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; vốn ODA, vốn ngân sách trung ương khác…
Nhiều địa phương giải ngân dưới 30%
Năm 2020 là năm cuối thực hiện các mục tiêu thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Đồng thời là năm chuẩn bị, tạo đà cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.
Tuy nhiên, đến giữa tháng 8/2020, khối lượng giải ngân một số nguồn vốn tại nhiều huyện đạt rất thấp so với yêu cầu. Điển hình là chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thuộc kế hoạch vốn năm 2020 bao gồm chương trình 135 và chương trình đầu tư cho huyện nghèo 30a.
Theo báo cáo số 331 ngày 13/8/2020 của Sở Kế hoạch và Đầu tư, có tới 5 huyện khối lượng giải ngân nguồn vốn chương trình 135 đạt dưới 30% kế hoạch. Cụ thể: đến giữa tháng 8/2020, huyện Hữu Lũng giải ngân được 9,4%; huyện Bắc Sơn đạt 11,8%; huyện Tràng Định đạt 26,3%; huyện Văn Quan đạt 28,4% và huyện Cao Lộc đạt 28,6%.
Thi công đường giao thông nông thôn từ nguồn vốn ngân sách nhà nước tại xã Y Tịch, huyện Chi Lăng
Ngay cả đối với nguồn vốn chương trình 30a có tới 2/3 số huyện giải ngân đạt dưới 30% kế hoạch là huyện Đình Lập đạt 29,4% kế hoạch, như huyện Bình Gia đạt 22,92% kế hoạch.
Được biết, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2020 toàn tỉnh được phân bổ 293 tỷ đồng, khối lượng giải ngân đến giữa tháng 8/2020 mới đạt 109,9 tỷ đồng, tương đương 37,5% kế hoạch.
Năm 2020, Lạng Sơn được trung ương phân bổ cho các công trình, dự án là 199,8 tỷ đồng nhưng đến giữa tháng 8/2020, các chủ đầu tư mới giải ngân được 44,6 tỷ đồng, tương đương 22,3% kế hoạch. Đáng chú ý, một số dự án đến nay chưa giải ngân được như: dự án đầu tư đường giao thông Suối Nọi – Dự Định, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn; dự án kè chống sạt lở bờ sông Kỳ Cùng, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng.
Ngoài ra, một số nguồn vốn khác khối lượng giải ngân chưa đạt yêu cầu như vốn: hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Nguyên nhân chính khiến khối lượng giải ngân đạt thấp là do khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư còn lúng túng, sai sót phải điều chỉnh nhiều lần. Một số chủ đầu tư được giao thực hiện dự án năng lực quản lý điều hành còn hạn chế, nhiều dự án vướng mắc trong thực hiện Nghị định 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ quy định về quản lý, chi phí đầu tư xây dựng.
Tăng tốc giải ngân
Để hoàn thành mục tiêu đến hết tháng 9/2020 giải ngân các nguồn vốn đạt trên 60% và đến tháng 12/2020, hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2020, hiện các chủ đầu tư đã và đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể.
Bà Hứa Thị Hằng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng văn bản chỉ đạo yêu cầu các chủ đầu tư rà soát, đánh giá lại các dự án được giao quản lý, đặc biệt là dự án giải ngân thấp. Đồng thời, với chức năng là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh quản lý Nhà nước lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, đơn vị đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát tình hình các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm. Từ đó, tham mưu kịp thời cho tỉnh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.
Tìm hiểu thực tế tình hình thực hiện dự án ODA đầu tư hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Lạng Sơn (chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn), đến đầu tháng 8/2020, khối lượng xây lắp thực tế đã đạt khoảng 40 tỷ đồng (hạng mục nhà máy xử lý nước thải) nhưng vẫn chưa giải ngân do đang làm thủ tục nghiệm thu khối lượng hoàn thành.
Ông Nguyễn Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết: Chủ đầu tư đang yêu cầu nhà thầu khẩn trương làm các thủ tục nghiệm thu khối lượng hoàn thành để đầu tháng 9/2020 giải ngân khoảng 35/80 tỷ đồng kế hoạch vốn đã phân bổ. Về xây lắp, chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu lập lại kế hoạch thi công gắn với đó là làm xong hạng mục nào phải hoàn thiện hồ sơ khối lượng ngay để nghiệm thu thanh toán.
Tại huyện Lộc Bình, liên quan đến tình hình triển khai các công trình, dự án, nhất là các công trình trọng điểm của tỉnh thực hiện trên địa bàn, ông Hoàng Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hiện nay, UBND huyện đang tập trung chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư và các phòng, ban chuyên môn dồn toàn lực cho công tác giải phóng mặt bằng các dự án. Trong đó, phấn đấu trong tháng 8/2020 hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường vật kiến trúc dự án bổ sung đường Ái Quốc – Lợi Bác thuộc dự án đường đến trung tâm các xã: Xuân Dương, Ái Quốc, huyện Lộc Bình và xã Thái Bình, huyện Đình Lập. Mục tiêu là giúp chủ đầu tư hoàn thành dự án và gắn biển công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đối với dự án thủy lợi Bản Lải, phấn đấu cơ bản hoàn thành việc di dân trong khu vực lòng hồ trong tháng 9/2020.
Ngoài các trường hợp nêu trên, hiện các đơn vị được giao quản lý vốn đầu tư công trong toàn tỉnh đã và đang chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây lắp và hoàn thiện các thủ tục làm căn cứ giải ngân vốn đầu tư. Mục tiêu hướng tới đến hết năm 2020 hoàn thành giải ngân toàn bộ các nguồn vốn kế hoạch đã phân bổ, bảo đảm không bị cắt vốn phải chuyển nguồn.
Hiện nay, các đơn vị được giao quản lý vốn đầu tư công đã và đang chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây lắp và hoàn thiện các thủ tục làm căn cứ giải ngân vốn đầu tư. Mục tiêu hướng tới đến hết năm 2020 hoàn thành giải ngân toàn bộ các nguồn vốn kế hoạch đã phân bổ, bảo đảm không bị cắt vốn phải chuyển nguồn |
Chủ động vượt khó
(LSO) – Bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, hiện nay, UBND các huyện, chủ đầu tư, nhà thầu đang nỗ lực để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch đề ra.
Ông Lăng Văn Thạu, Phó Giám đốc Phụ trách Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn: “Trực tiếp chỉ đạo các tổ công tác hỗ trợ các huyện tháo gỡ “điểm nghẽn” về mặt bằng”.
Giữa tháng 8/2020, ban được UBND tỉnh giao quản lý thực hiện dự án vốn vay ADB “hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc (Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn)” chuyển về từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn. Đến nay, hợp phần 1 dự án với tổng chiều dài đầu tư hơn 62,5 km đường tại các huyện: Bình Gia, Văn Quan, Đình Lập đã và đang thực hiện thủ tục lựa chọn nhà thầu nhưng chưa triển khai thi công và công tác giải phóng mặt bằng rất chậm. Để tháo gỡ “điểm nghẽn” này, lãnh đạo ban sẽ trực tiếp chỉ đạo 3 tổ kỹ sư hỗ trợ các huyện, nhất là huyện Bình Gia (được hưởng 2 tiểu dự án) đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng công trình. Từ đó dự án đủ điều kiện khởi công xây dựng, góp phần thúc đẩy hoàn thành chỉ tiêu giải ngân vốn ODA của dự án trong năm 2020.
Ông Hoàng Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc: “Tăng cường đôn đốc, kiểm tra thực hiện các công trình, dự án”.
Tính đến giữa tháng 8/2020, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn huyện Cao Lộc đạt 56% kế hoạch. Để đảm bảo tiến độ giải ngân các nguồn vốn, UBND huyện đã có nhiều văn bản đôn đốc các đơn vị được giao chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND huyện trực tiếp kiểm tra hiện trường công trình, có thời điểm 1 tuần, lãnh đạo UBND huyện xuống công trình đến 3 lần để kiểm tra, nắm bắt và tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng dự án. Thông qua đó, 100% công trình được triển khai thi công, nhiều công trình đã được đẩy nhanh tiến độ. Huyện phấn đấu hoàn thành giải ngân các nguồn vốn trong tháng 12/2020.
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng phát triển nông thôn Song Quang, thành phố Lạng Sơn: “Huy động toàn bộ nhân lực, vật lực thi công các công trình”.
Hiện nay, công ty thi công đồng thời 8 công trình trên các lĩnh vực: giao thông, điện, công trình dân dụng, thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo tiến độ xây dựng theo kế hoạch, công ty huy động 100% nhân lực, trang thiết bị, máy móc tại các công trình. Đặc biệt, ban lãnh đạo công ty còn trực tiếp ăn, ở cùng công nhân để điều hành thi công cho phù hợp. Bên cạnh triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, công ty còn chú trọng đến hoàn thiện các thủ tục về nghiệm thu công trình để các chủ đầu tư làm căn cứ giải ngân kịp thời.
Ý kiến ()