Giải ngân vốn đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia: Cách làm hiệu quả ở Bình Gia
– Năm 2023, mặc dù gặp phải những khó khăn nhất định song việc triển khai giải ngân các nguồn vốn đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) trên địa bàn huyện Bình Gia vẫn đạt được những kết quả ấn tượng.
Thi công công trình trường học trên địa bàn thị trấn Bình Gia
Năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư thực hiện các CTMTQG trên địa bàn huyện Bình Gia gần 136 tỷ đồng. Trong đó, vốn kế hoạch năm 2023 là 133 tỷ đồng, vốn kế hoạch năm 2022 kéo dài gần 3 tỷ đồng. Đối với vốn kế hoạch năm 2023, vốn trung ương phân bổ thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gần 65,5 tỷ đồng; CTMTQG giảm nghèo bền vững 44,5 tỷ đồng và CTMTQG xây dựng nông thôn mới gần 6 tỷ đồng; ngân sách tỉnh đối ứng để thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới trên 17 tỷ đồng. Đối với vốn năm 2022 kéo dài sang chủ yếu để thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Để phấn đấu hoàn thành giải ngân nguồn vốn đầu tư của 3 CTMTQG, ngay từ đầu năm, UBND huyện Bình Gia đã triển khai các giải pháp cụ thể. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: Trên cơ sở quy định, hướng dẫn của cấp trên và căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch vốn CTMTQG giai đoạn 2021 – 2025 và năm 2023 được tỉnh giao, UBND huyện đã triển khai công tác lập, giao kế hoạch vốn thực hiện 3 CTMTQG. Cụ thể, quá trình triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện các CTMTQG, UBND huyện đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị liên quan theo mục tiêu, nhiệm vụ và kế hoạch vốn của từng chương trình; xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ và kế hoạch vốn chi tiết đến dự án, tiểu dự án, mô hình. Bên cạnh đó, UBND huyện thực hiện lồng ghép gần 10 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương đối ứng để thực hiện các chương trình. Từ các nguồn vốn được phân bổ, lồng ghép, các cơ quan liên quan đã triển khai 67 dự án chuyển tiếp hoàn thành năm 2023 và khởi công mới 34 dự án.
Cùng với xây dựng kế hoạch, phân bổ vốn, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan liên quan, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân các nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách trong lĩnh vực đầu tư xây dựng để tạo được sự đồng thuận và chung sức của người dân; thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng; triển khai đồng bộ giải pháp để thu đạt và vượt chỉ tiêu thu tiền sử dụng đất năm 2023 để tạo nguồn vốn bố trí cho các dự án trên địa bàn huyện (tính đến ngày 15/10/2023, thu tiền sử dụng đất trên địa bàn huyện được trên 2,7 tỷ đồng, vượt 174% dự toán tỉnh giao).
Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo cơ quan liên quan tăng cường quản lý vốn đầu tư, bám sát từng dự án cụ thể; yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư để khởi công các công trình; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu nhà thầu triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng.
Ông Đỗ Văn Sáu, phụ trách thi công (Công ty TNHH MTV Khôi Đức, thành phố Lạng Sơn) công trình Trường Tiểu học Tô Hiệu cho biết: Tháng 12/2022, công trình được khởi công xây dựng với 2 hạng mục. Khối lượng công việc lớn, chính vì vậy, ngay khi bước sang năm 2023, đơn vị đã huy động tối đa trang thiết bị, nhân lực (cao điểm lên tới 54 lao động) tại các công trình; tổ chức tăng ca; thực hiện song song các hạng mục; linh hoạt các biện pháp thi công khi thời tiết nắng, mưa thất thường… Đến nay, công trình đã hoàn thành gần 100% khối lượng, qua đó đảm bảo tiến độ đề ra.
Cùng với công trình trường học kể trên, chủ đầu tư cũng như nhà thầu thi công các công trình khác cũng triển khai đồng bộ giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình. Ông Vũ Như Trung, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng huyện Bình Gia cho biết: Ngay từ cuối năm 2022, đơn vị chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư. Khi các công trình khởi công xây dựng, với vai trò là chủ đầu tư, đơn vị thường xuyên tổ chức kiểm tra, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của đơn vị thi công, từ đó vừa thực hiện việc đôn đốc, vừa đưa ra các giải pháp tháo gỡ kịp thời để đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình. Đến nay, 67 công trình chuyển tiếp đã cơ bản hoàn thành; 34 công trình khởi công mới có tiến độ trung bình đạt khoảng 80%.
Không chỉ tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình, các đơn vị liên quan còn lập kế hoạch giải ngân các nguồn vốn chi tiết đến từng dự án, tiểu dự án để đảm bảo tính chủ động trong quá trình triển khai thực hiện; đẩy nhanh quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành… Qua đó, đến hết ngày 15/10/2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư các CTMTQG trên địa bàn huyện Bình Gia được 103,2 tỷ đồng, bằng 76% kế hoạch vốn và là một trong những huyện có tiến độ giải ngân vốn đầu tư cao nhất trên địa bàn tỉnh. Trong đó, giải ngân vốn CTMTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được 48 tỷ đồng, bằng 73,5% kế hoạch vốn; CTMTQG giảm nghèo bền vững giải ngân được 43,3 tỷ đồng, bằng 97% kế hoạch vốn; CTMTQG xây dựng nông thôn mới được 5,2 tỷ đồng, bằng 90,5% kế hoạch vốn; vốn đối ứng ngân sách của tỉnh được 5,7 tỷ đồng, bằng 33,6% kế hoạch vốn.
Dự kiến năm 2023, huyện Bình Gia sẽ giải ngân vốn đầu tư thuộc 3 CTMTQG đạt 100% kế hoạch vốn được giao. Qua đó, không chỉ góp phần quan trọng vào việc hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ giải ngân nguồn vốn mà còn góp phần củng cố cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo cũng như hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2023 và những năm tiếp theo
Ý kiến ()