Giải ngân hơn 98% tiền hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 116
Trên cơ sở nền tảng công nghệ thông tin sẵn có của ngành, bảo hiểm xã hội đã giải ngân với tiến độ tương đối nhanh với trên 22.000 tỷ đồng so với tổng số tiền là hơn 30.000 tỷ đồng.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021, chiều 6/11, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan đã thông tin làm rõ về các giải pháp đưa lao động trở lại làm việc cũng như tiến độ giải ngân hỗ trợ cho người lao động theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Ba nhóm giải pháp đưa lao động trở lại làm việc
Liên quan đến giải pháp đưa lao động trở lại làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết đại dịch COVID-19 đã tác động đến 9,1 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 1/2021 và tăng dần lên 12,8 triệu người trong quý 2 và 28,2 triệu người trong quý 3.
Trong quý 3 có 4,7 triệu người bị mất việc làm; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; 18,9 triệu lao động giảm thu nhập.
Số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Số lao động có việc làm trong quý 3 là 47,2 triệu người, giảm gần 2,6 triệu so với quý trước và giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2020.
Tiền lương, thu nhập giảm, đời sống công nhân lao động gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân tháng của lao động trong quý 3 chỉ còn 5,2 triệu đồng, giảm 877.000 đồng so với quý trước và giảm 603.000 đồng so với cùng kỳ năm 2020.
Tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp làm thất nghiệp tăng cao, tỷ lệ thiếu việc làm quý 3/2021 là 4,46%, (hơn 1,8 triệu người), tăng 1,86% so với quý trước; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,98%, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 5,54%.
Có sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị và nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn vê các tỉnh; lao động có việc làm giảm. Dịch chuyển lao động giữa các địa phương, các vùng bị hạn chế đã làm cho thị trường lao động chia cắt cục bộ, nguy cơ thiếu hụt lao động ở một số vùng, ngành, lĩnh vực khi phục hồi sản xuất.
Trước mắt, để chuẩn bị nguồn lao động phục vụ cho phục hồi sản xuất kinh doanh, Chính phủ tập trung triển khai các giải pháp sau:
Thứ nhất, giải pháp đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; tuyên truyền cho người lao động những lợi ích gắn bó lâu dài, các doanh nghiệp, chia sẻ cùng với doanh nghiệp trong lúc khó khăn; khuyến khích doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ người lao động về tiền lương, các chế độ bảo hiểm, tiền ăn ca, phúc lợi xã hội, bảo hiểm nghỉ, ngày lễ… để giữ chân người lao động.
Tập trung hỗ trợ, tư vấn và hướng dẫn người lao động, người sử dụng lao động hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ để nhận các gói hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP.
Tiếp tục có các chính sách hỗ trợ nhà ở, phòng trọ, lương thực, thực phẩm cho người lao động yên tâm làm việc. Đẩy mạnh công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động.
Giải pháp thứ hai, giải pháp hỗ trợ cho người lao động quay trở lại làm việc, tổ chức đã dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến thông tin từ truyền hình, các trang báo giấy, báo điện tử, cổng thông tin điện tử, các hình thức quảng cáo nơi công cộng, qua kênh phát thanh thôn, xóm để người lao động biết thông tin chính xác, làm cơ sở quyết định quay trở lại thị trường lao động.
Ưu tiên tiêm phòng vaccine cho người lao động, hỗ trợ chi phí y tế, khám sức khỏe, test COVID-19, cách ly… Hỗ trợ tạo thuận lợi cho người lao động đi lại khi tham gia thị trường lao động.
Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho người lao động.
Tổ chức phối hợp thông tin giữa các địa phương trong công tác hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc; tạo điều kiện để người lao động di chuyển trở lại các địa phương đã từng làm việc bằng phương tiện vận tải công cộng hoặc phương tiện cá nhân, ưu tiên được tầm soát, xét nghiệm miễn phí, tiêm vaccine phòng COVID-19.
Hỗ trợ người lao động ngoại tỉnh các chi phí sinh hoạt phí tối thiểu, chi phí đi lại, y tế như test virus, cách ly. Hỗ trợ sắp xếp nhà ở tạm cho lao động hoặc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho lao động ngoại tỉnh thuê nhà ở để ổn định cuộc sống, tạo điều kiện cho lao động tham gia phục hồi sản xuất kinh doanh.
Khuyến khích doanh nghiệp quan tâm, động viên, giữ mối liên hệ với người lao động ngoại tỉnh đã trở về quê, sẵn sàng có chính sách hỗ trợ đi lại, tiêm vaccine phòng COVID-19…. để người lao động quay trở lại làm việc khi doanh nghiệp mở dần quy mô hoạt động.
Giải pháp thứ ba là giải pháp kết nối, điều tiết cung cầu lao động. Theo đó, nắm bắt diễn biến cung cầu lao động trên thị trường, địa bàn.
Có kế hoạch, giải pháp kết nối cung cầu lao động, giải quyết khó khăn về thiếu hụt lao động tại các vùng, khu vực sản xuất trọng điểm, nắm kỹ sát nhu cầu sử dụng lao động cả về số lượng, ngành nghề, trình độ rà soát, tập hợp đầy đủ thông tin thực trạng lao động, việc làm, trình độ nguồn cung lao động để làm cơ sở điều tiết, kết nối cung cầu lao động.
Tổ chức kết nối cung cầu lao động thuận tiện, kịp thời, khả thi thông qua các hoạt động tổ chức các phiên giao dịch việc làm.
Đa dạng hóa các hình thức nói chuyện chuyên đề của các chuyên gia trong lĩnh vực việc làm để đem lại hiệu quả tốt nhất cho người lao động, người sử dụng lao động khi tham gia và đáp ứng yêu cầu của phòng, chống dịch.
Phối hợp với các tổ chức dịch vụ việc làm trên địa bàn, các địa phương khác để tổ chức các phiên giao dịch việc làm, kết nối trực tuyến với các địa phương trong vùng, liên vùng, trên toàn quốc.
Có chính sách hỗ trợ trực tiếp đi lại, truyền thông… cho người lao động, người sử dụng lao động khi tham gia tư vấn, định hướng tham gia các phiên giao dịch việc làm.
Tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cơ bản cho người lao động để kịp thời cung ứng cho doanh nghiệp, hạn chế sự thiếu hụt lao động, kỹ năng làm việc cho phục hồi kinh doanh.
Trước mắt, tập trung đào tạo, bồi dưỡng cho lao động các vùng kinh tế trọng điểm; lựa chọn một số ngành nghề có nguy cơ thiếu hụt nhiều nhất để đào tạo, bồi dưỡng.
Nghiên cứu chuẩn bị sẵn phương án huy động bổ sung, phát triển nguồn lao động từ các nguồn dự trữ như học viên các trường nghề, bộ đội xuất ngũ, công an hoàn thành nghĩa vụ….
Đã giải ngân hơn 22.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động
Về việc thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến nay, cơ bản hoàn thành xong việc xác định hoãn, giảm đóng bảo hiểm cho 363.600 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng với 9,68 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm mức đóng từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022), khoảng 7.595 tỷ đồng.
Về triển khai hỗ trợ, tính đến ngày 5/11/2021 đã giải quyết, hướng dẫn, hỗ trợ cho gần 9,4 triệu lao động, trong đó có hơn 8,8 triệu lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 613.308 người đã dừng tham gia, tương đương với 86% số người lao động đã đề nghị hỗ trợ), với số tiền là hơn 22.289 tỷ đồng và tổng số tiền đã chi trả là 21.851 tỷ đồng, tương đương với 98% tổng số kinh phí được giải quyết cho hơn 9,1 triệu người lao động, trong đó đại đa số là chi trả qua tài khoản cá nhân.
Làm rõ thêm về quá trình giải ngân, ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cho biết trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là cải cách thủ tục hành chính đến mức tối đa đối với người lao động thì hầu như không phát sinh thủ tục nào, mà chỉ cung cấp số tài khoản ngân hàng cá nhân cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp chuyển cho cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện chi trả.
Trên cơ sở nền tảng công nghệ thông tin sẵn có của ngành, bảo hiểm xã hội đã giải ngân với tiến độ tương đối nhanh với trên 22.000 tỷ đồng so với tổng số tiền là hơn 30.000 tỷ đồng.
Hiện nay, chỉ có một số vướng mắc nhỏ như theo Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc chi trả cho những đơn vị là đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính, không thuộc đối tượng chi trả.
Có nghĩa là người lao động ở các đơn vị sự nghiệp công lập mà phải tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, thuộc đối tượng được chi trả. Vì điều này liên quan đến việc xác định của cơ quan tài chính các cấp về cơ chế tài chính tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên ở các đơn vị sự nghiệp công lập.
Về vấn đề này, Bảo hiểm xã Việt Nam đã báo cáo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và đang tích cực giải quyết. Đến giờ này, con số mà các đơn vị vướng mắc không lớn, cho nên mới có kết quả như vậy.
Vướng mắc thứ hai là hiện có 2,7 triệu người bảo lưu, về các địa phương do đợt dịch bùng phát lần thứ tư thì mới có hơn 1 triệu người nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội, mặc dù cơ quan bảo hiểm không quy định về địa giới hành chính, có thể nộp ở bất kỳ bảo hiểm xã hội quận, huyện nào nhưng người lao động đến nay vẫn chưa nộp.
Hướng sắp tới là đối với lao động bảo lưu về địa phương, cơ quan bảo hiểm xã hội tiếp tục tăng cường tuyên truyền và đến từng các tổ dân phố, xã, phường, thị trấn để mời người lao động liên lạc với cơ quan bảo hiểm xã hội để nhận hỗ trợ./.
Ý kiến ()