Giai đoạn quyết định tái cơ cấu các tổ chức tín dụng
Suốt hơn ba năm qua, tiến trình cơ cấu lại hệ thống tài chính, trong đó trọng tâm là cơ cấu lại các ngân hàng thương mại (NHTM) đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể mặc dù có lúc nhanh, lúc chậm. Số lượng các NHTM cổ phần đã giảm xuống còn 37 ngân hàng (nếu không kể NHTM nhà nước đã cổ phần hóa thì còn 34 NHTM cổ phần) thông qua sáp nhập và hợp nhất hàng loạt NHTM cổ phần yếu kém.
Hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) nói chung, các NHTM nói riêng đã được lành mạnh hoá cơ bản với việc tập trung xử lý nợ xấu, tăng cường tính thanh khoản, kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng và nâng cao khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, mỗi NHTM, mỗi TCTD đều tích cực cơ cấu lại từ nguồn vốn chủ sở hữu, định hướng kinh doanh, phát triển hệ thống đến bộ máy quản lý, đội ngũ nhân viên và quản trị ngân hàng, trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng lợi nhuận,…
Rõ ràng, đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 ban hành kèm theo Quyết định số 254/2012/QÐ-TTg ngày 1-3-2012 của Thủ tướng Chính phủ đã đi đến giai đoạn thực hiện cuối cùng, song cũng là giai đoạn quyết định, quan trọng nhất đồng thời cũng khó khăn nhất. Ngay trong năm 2015 này, hệ thống các TCTD Việt Nam cần được hình thành trên cơ sở bảo đảm đầy đủ năng lực cạnh tranh của toàn bộ hệ thống cũng như của từng TCTD, từng NHTM không chỉ trên thị trường tài chính tín dụng trong nước mà còn cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế, với hàng loạt các cam kết song phương và đa phương được thực thi sau năm 2015.
Ðể hoàn thành thắng lợi Ðề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015, cần rất nhiều nỗ lực và quyết tâm thực hiện, trong đó cần tập trung kiểm tra đánh giá hiệu quả tất cả những đề án tái cơ cấu đã thực hiện từ cuối năm 2011 đến nay để có những bổ sung, điều chỉnh kịp thời, tránh tình trạng cứ có đề án là coi như đã hoàn thành tái cơ cấu. Xử lý dứt điểm vấn đề sở hữu chéo, khắc phục sự thiếu công khai minh bạch trong sở hữu các NHTM, trên cơ sở đó kiểm soát việc tuân thủ thật sự các quy định của pháp luật về tỷ lệ sở hữu của cá nhân và tổ chức trong các NHTM, đồng thời gắn kết với tiến trình thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và yêu cầu về quy mô vốn đối với mỗi NHTM. Bên cạnh đó, gắn kết yêu cầu cơ cấu lại TCTD với yêu cầu về xử lý nợ xấu, bảo đảm đưa tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn theo thông lệ quốc tế không quá 3% đồng thời kiểm soát chặt chẽ phân loại nợ và trích lập rủi ro của các NHTM; Kết hợp cơ cấu lại TCTD theo nguyên tắc tự nguyện với bắt buộc, sáp nhập, hợp nhất TCTD yếu kém với nhau và mở rộng mô hình TCTD mạnh hợp nhất với TCTD yếu hơn, tăng cường vai trò can thiệp của Ngân hàng nhà nước Việt Nam để bảo đảm tiến trình tái cơ cấu kịp thời và hiệu quả.
Cơ cấu lại TCTD không chỉ nhằm lành mạnh hóa từng TCTD mà còn tạo tiền đề xây dựng một số TCTD mạnh tầm cỡ khu vực và quốc tế theo mô hình tập đoàn tài chính ngân hàng. Chính vì vậy, năm 2015, cơ cấu lại các TCTD cần quán triệt nguyên tắc dứt điểm, kiên quyết, đồng bộ và có tầm nhìn xa.
Theo Nhandan

Ý kiến ()