Giai đoạn phát triển mới cho Thổ Nhĩ Kỳ
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ vui mừng trước chiến thắng của AKP trong cuộc bầu cử QH. Đúng như dự đoán, đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử QH Thổ Nhĩ Kỳ hôm 12-6. Thắng lợi này giúp Thủ tướng R.Éc-đô-gan chắc chắn nắm quyền nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp, nhưng việc AKP không hội đủ đa số ghế trong QH sẽ khiến chính phủ mới ở Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt nhiều thách thức trong quá trình lãnh đạo đất nước.Theo kết quả kiểm phiếu với 99% số phiếu bầu được kiểm, AKP giành được 50% số phiếu ủng hộ, chiếm 327 ghế trong QH gồm 550 ghế (AKP giữ 331 ghế trong cuộc bầu cử QH trước). Theo đó, AKP chắc chắn nắm quyền điều hành đất nước nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp và người giữ chức Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ không ai khác ngoài cái tên quen thuộc R.Éc-đô-gan, người giữ cương vị này từ năm 2002 đến nay và là nhiệm kỳ cuối cùng của ông trên cương vị Thủ tướng. Đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) đối lập giành được 25,9% số...
|
Theo kết quả kiểm phiếu với 99% số phiếu bầu được kiểm, AKP giành được 50% số phiếu ủng hộ, chiếm 327 ghế trong QH gồm 550 ghế (AKP giữ 331 ghế trong cuộc bầu cử QH trước). Theo đó, AKP chắc chắn nắm quyền điều hành đất nước nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp và người giữ chức Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ không ai khác ngoài cái tên quen thuộc R.Éc-đô-gan, người giữ cương vị này từ năm 2002 đến nay và là nhiệm kỳ cuối cùng của ông trên cương vị Thủ tướng. Đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) đối lập giành được 25,9% số phiếu bầu, đảng Hành động Dân tộc (MHP) đứng thứ ba với 13% số phiếu ủng hộ. Theo đó, việc AKP không giành được 330 ghế cần thiết trong QH sẽ khiến Chính phủ mới của Thủ tướng Éc-đô-gan gặp khó khăn khi thông qua các quyết sách điều hành đất nước, trong bối cảnh chính phủ mới có nhiều chính sách quan trọng cần được thông qua.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, Thủ tướng Éc-đô-gan đã cam kết sửa đổi Hiến pháp do quân đội áp đặt sau cuộc đảo chính quân sự năm 1980. Bản Hiến pháp này bị coi là hạn chế quyền cá nhân của cử tri Thổ Nhĩ Kỳ. Theo quy định của Thổ Nhĩ Kỳ, những sửa đổi sẽ được thông qua ngay lập tức nếu được hai phần ba nghị sĩ (tương đương 367 ghế) trong QH ủng hộ. Nếu 'liều lĩnh' tiến hành bỏ phiếu tại QH, nguy cơ thất bại của Chính phủ trong việc thông qua sửa đổi Hiến pháp là rất lớn. Vì vậy, biện pháp khả thi nhất đối với Thủ tướng Éc-đô-gan là tiến hành trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp. Ngoài ra, Thủ tướng Éc-đô-gan có kế hoạch chuyển đổi Thổ Nhĩ Kỳ từ hệ thống nghị viện sang chế độ tổng thống (giống mô hình của Pháp), nhằm giúp ông ra tranh cử chức tổng thống trong tương lai.
Trong đối nội, vấn đề người Cuốc giữ vai trò quan trọng của chính phủ mới ở Thổ Nhĩ Kỳ. Từ năm 2002, Thủ tướng Éc-đô-gan đã có những chính sách hòa giải dân tộc nhằm chấm dứt xung đột sắc tộc và đấu tranh đòi ly khai của cộng đồng người Cuốc kéo dài 27 năm qua, khiến hơn 40 nghìn người chết. Trong vấn đề đối ngoại, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục xúc tiến kế hoạch đàm phán gia nhập Liên hiệp châu Âu được khởi động từ năm 2005, nhưng bị đình trệ trong thời gian qua do vấn đề đảo Síp. Thủ tướng Éc-đô-gan tuyên bố sẽ thành lập một bộ phụ trách vấn đề châu Âu, để thể hiện quyết tâm sớm gia nhập ngôi nhà chung EU.
Vậy, bí quyết nào đã làm nên thắng lợi của AKP và ông Éc-đô-gan trong cuộc bầu cử QH vừa qua. Cử tri Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ AKP tiếp tục lãnh đạo đất nước bởi sự bùng nổ kinh tế và những cam kết về một thể chế mới theo đường lối tự do. Quan trọng hơn, đó là sự hài lòng của người dân trước chính sách đối ngoại cân bằng giữa thế giới Hồi giáo và phương Tây mà chính quyền ông Éc-đô-gan đã thực hiện thành công trong những năm qua. Là chính đảng có nguồn gốc Hồi giáo theo đường lối ôn hòa, AKP đã thành công với các chính sách cương quyết, giữ vững ổn định kinh tế và cải cách nền dân chủ. Năm 2010, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đạt tốc độ tăng trưởng 8,9% và vượt qua cơn bão tài chính một cách ngoạn mục. Thu nhập bình quân đầu người tăng gấp hai lần, đạt hơn 10.000 USD, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 14,4% năm 2009 xuống còn 11,5% năm 2010. AKP đặt mục tiêu tới năm 2023 sẽ đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trong mười nền kinh tế lớn nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người 25.000 USD. Trong mười năm cầm quyền, Thủ tướng Éc-đô-gan đã thực thi các chính sách đối ngoại cân bằng và hợp lý, giúp nâng cao vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực. Nằm ở ngã tư thế giới, giao cắt giữa châu Âu, châu Á, châu Phi và Địa Trung Hải, Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực đóng vai trò chiến lược trong việc giải quyết các cuộc xung đột tại khu vực Ban-căng, Trung Đông, Trung Á, Cáp-ca-dơ và Vịnh Péc-xích. Quyết định cải thiện quan hệ với Xy-ri, I-ran, I-rắc và thế giới Hồi giáo đã đặt Thổ Nhĩ Kỳ vào 'trung tâm chính trị' của Trung Đông, là đối tác quan trọng của I-rắc trong khu vực. Những thỏa thuận mới ký kết giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Xy-ri, I-rắc và I-ran được định hướng chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế và là sự thể hiện 'quyền lực mềm' của An-ca-ra. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục thúc đẩy quan hệ với phương Tây, bằng chứng là An-ca-ra không ngừng nỗ lực đàm phán gia nhập EU.
Cuộc bầu cử QH ở Thổ Nhĩ Kỳ đã kết thúc, hứa hẹn mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới của quốc gia nằm trải dài trên cả hai châu lục Á-Âu. Cùng với việc lựa chọn nhân sự cho bộ máy chính quyền, Thủ tướng Éc-đô-gan cần kiên định theo đường lối phát triển đất nước đã lựa chọn, vốn đang gặt hái nhiều thành công, giúp Thổ Nhĩ Kỳ ổn định chính trị, phát triển kinh tế và nâng cao vị thế quốc tế.
Theo Nhandan
Ý kiến ()