Giai đoạn mới trong quan hệ chiến lược Pháp-Ấn Độ
Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi thăm Pháp trong hai ngày 13 và 14/7, trong bối cảnh Ấn Ðộ và Pháp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Văn phòng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu rõ, sự hiện diện của Thủ tướng Modi và các lực lượng Ấn Ðộ tham gia cuộc duyệt binh nhân Ngày Quốc khánh Pháp (14/7) đánh dấu một giai đoạn mới trong mối quan hệ chiến lược Pháp-Ấn Ðộ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 ở thành phố Hiroshima, Nhật Bản ngày 20/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các nguồn tin chính thức của Ấn Ðộ cho biết, nhân chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Modi, hai nước ký một loạt thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, hành động bảo vệ khí hậu, giáo dục, thể thao, văn hóa… Ðại sứ Pháp tại Ấn Ðộ Emmanuel Lenain cũng cho biết hai nước sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, vũ trụ, hydro xanh, giao lưu nhân dân. Pháp là đối tác chiến lược lâu đời nhất của Ấn Ðộ ở phương Tây và chuyến thăm của Thủ tướng Modi được cả hai bên kỳ vọng sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa Paris và New Delhi.
Chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Nam Á có trụ sở tại Paris nhận định rằng, việc các binh sĩ Ấn Ðộ được mời tham gia một trong những cuộc duyệt binh lớn nhất tại châu Âu cho thấy hợp tác quốc phòng vẫn là một trụ cột quan trọng trong mối quan hệ Pháp-Ấn Ðộ. Việc tăng cường hợp tác hải quân với New Delhi giúp Paris củng cố vị thế ở khu vực Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương, nơi Pháp có chuỗi đảo và vùng đặc quyền kinh tế hàng hải rộng lớn.
Trong khi đó, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, trong giai đoạn 2018-2022, Pháp là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai của Ấn Ðộ. Cuộc xung đột tại Ukraine cũng “góp phần” thúc đẩy New Delhi nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung cấp thiết bị quân sự.
Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư cũng là những lĩnh vực trọng tâm trong quan hệ đối tác Pháp-Ấn Ðộ. Theo số liệu của Chính phủ Pháp, khối lượng trao đổi thương mại giữa Pháp và Ấn Ðộ đã tăng khoảng 19% trong năm 2022, đạt giá trị hơn 15 tỷ euro. Mức tăng này được cho là xuất phát từ việc Pháp đẩy mạnh nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế từ Ấn Ðộ sau khi cuộc xung đột nổ ra ở Ukraine. Ðầu tư trực tiếp của Pháp vào Ấn Ðộ lên tới 11 tỷ euro, tạo ra khoảng 450.000 việc làm. Paris cũng đang dành nhiều quan tâm để thúc đẩy các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do giữa Ấn Ðộ và Liên minh châu Âu (EU).
Một số nhà phân tích cho rằng, Pháp và Ấn Ðộ có quan điểm tương đồng về quyền tự chủ chiến lược, với việc cả hai nước đều cố gắng giữ mối quan hệ cân bằng với các phe đối đầu trong xung đột. Ấn Ðộ hiện giữ vai trò Chủ tịch G20, nhóm gồm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới. New Delhi được đánh giá là đã khéo léo cân bằng mối quan hệ với cả phương Tây và Nga trong vấn đề Ukraine. Với vị thế ngày càng tăng và quan điểm cân bằng trong chính sách đối ngoại, Ấn Ðộ được xem là đối tác hoàn hảo để Pháp khắc phục những bất lợi từ sự chia rẽ địa chính trị ngày càng gay gắt hiện nay trên thế giới.
Trong cuộc họp báo mới đây, giới chức Ðiện Elysee nhấn mạnh về “bản chất tất yếu” của mối quan hệ đối tác chiến lược Pháp-Ấn Ðộ. Hiện Ấn Ðộ là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới và là đối tác kinh tế lớn thứ 2 của Pháp ở châu Á.
Phát biểu trước khi khởi hành tới Paris, Thủ tướng Narendra Modi khẳng định sự coi trọng của Ấn Ðộ đối với mối quan hệ đối tác chiến lược lâu dài và được thử thách qua thời gian với Pháp. Việc ông Modi trong chuyến thăm Paris lần này trở thành Thủ tướng Ấn Ðộ đầu tiên được trao Huân chương Bắc Ðẩu Bội tinh, phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước Pháp, cũng phản ánh mối quan hệ đối tác chiến lược ngày càng phát triển mạnh mẽ giữa hai nước.
Nguồn:https://nhandan.vn/giai-doan-moi-trong-quan-he-chien-luoc-phap-an-do-post762460.html
Ý kiến ()