Giải cứu chim trời Cát Bà giành giải báo chí tài nguyên và môi trường
Báo Điện tử VietnamPlus vừa được Bộ trưởng Trần Hồng Hà quyết định trao giải C (loại hình báo điện tử) với loạt tác phẩm “Giải cứu chim trời Cát Bà: Bảo vệ Khu dự trữ sinh quyền thế giới.”
Với nhiều thông tin phát hiện kịp thời, góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn vấn nạn tàn sát chim hoang dã di cư tại quần đảo Cát Bà (thành phố Hải Phòng), loạt bài “Giải cứu chim trời Cát Bà: Bảo vệ Khu dự trữ sinh quyền thế giới” của nhà báo Võ Mạnh Hùng, Báo Điện tử VietnamPlus (TTXVN) đã giành giải C, giải Báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ VI.
Tại lễ trao giải Báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ VI diễn ra tối 31/7, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết giải thưởng được tổ chức định kỳ 2 năm/lần nhằm vinh danh những phóng viên báo chí có thành tích xuất sắc đã đồng hành trong các hoạt động thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ môi trường.
Trải qua 6 lần tổ chức, Giải thưởng Báo chí về Tài nguyên và môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động tổ chức đã trở thành giải thưởng uy tín, thu hút được sự quan tâm các nhà báo, phóng viên, biên tập viên và các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình trên cả nước.
Giải thưởng Báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ VI tiếp nhận các tác phẩm trong 2 năm 2020-2022, là thời điểm có nhiều biến động, thử thách đối với giới báo chí cả nước. Các đợt bùng phát dịch COVID-19 lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng, nhiều địa phương thực hiện giãn cách, mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nguồn chất liệu cho báo chí khan hiếm, điều kiện tác nghiệp của nhà báo gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm.
Dù vậy, chỉ hơn 2 tháng phát động (từ ngày 19/4-25/6/2022), Giải thưởng Báo chí môi trường lần thứ VI đã nhận được gần 400 tác phẩm của 361 tác giả, nhóm tác giả. Trên cơ sở đó, hội đồng sơ khảo đã chọn ra được 73 tác phẩm vào vòng chung khảo; qua đó lựa chọn 34 tác phẩm và 1 tập thể để trao giải.
Trong số đó, Báo Điện tử VietnamPlus đã được Bộ trưởng Trần Hồng Hà quyết định trao giải C (loại hình báo điện tử) với loạt tác phẩm “Giải cứu chim trời Cát Bà: Bảo vệ Khu dự trữ sinh quyền thế giới” của tác giả Võ Mạnh Hùng.
Hoạt động bẫy bắt chim hoang dã di cư tại Cát Bà, tại thời điểm cuối năm 2020. (Ảnh: PV/Vietnam )
Đây là loạt bài đã thể hiện được dấu ấn nhập vai trong quá trình điều tra, tác nghiệp của tác giả; qua đó tạo ra được hiệu ứng xã hội rất tích cực, với những đóng góp quan trọng trong việc “rung hồi chuông cảnh báo,” thúc giục các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách cùng vào cuộc để kịp thời ngăn chặn triệt để hoạt động “tận diệt” chim trời ở quần đảo Cát Bà – nơi mà vấn nạn tận diệt chim hoang dã di cư từng diễn ra như “cơm bữa” trong suốt gần 20 năm qua, song dường như lại “che mắt” được lực lượng kiểm lâm trên địa bàn.
Loạt bài trên càng ý nghĩa hơn khi được rất nhiều tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế lên tiếng ủng hộ – bởi vấn nạn “tận diệt,” tàn sát chim hoang dã di cư không chỉ làm xấu hình ảnh quần đảo, mà còn khiến nhiều loài chim di cư, chim hoang dã quý, hiếm đã và đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng; tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học, cũng như tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các bệnh dịch từ động vật sang người.
Với tính cấp thiết trên, ngay sau khi loạt bài được đăng tải, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu lập Đoàn kiểm tra; lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã yêu cầu Cục Kiểm lâm ra văn bản gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, đề nghị tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm vấn nạn.
Trong diễn biến liên quan, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng chỉ đạo kiểm tra thông tin báo nêu; có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng săn bắt, vi phạm trong bảo vệ động vật hoang dã, nhất là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà.
Trên tinh thần đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan vào cuộc điều tra; tập trung xác định trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan; xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi bẫy bắt, buôn bán chim hoang dã di cư ở trên toàn thành phố, nhất là đảo Cát Bà.
Không lâu sau loạt bài, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác quản lý các loài chim hoang dã di cư tại Việt Nam” và lấy ý kiến của các bộ, ngành…
Thật vui mừng, mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Chỉ thị số 4/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam./.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phùng Khánh Tài trao Giải thưởng Môi trường Việt Nam cho các đơn vị đạt giải. (Ảnh: PV/Vietnam ) |
Ý kiến ()