“Giải bài toán” xây dựng thương hiệu thực phẩm Việt
Chúng ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng và có độ mở nền kinh tế lớn, tuy nhiên Việt Nam vẫn đang thiếu các thương hiệu thực phẩm mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Nhiều doanh nghiệp chưa thực sự coi trọng việc xây dựng thương hiệu…
Làm sao để Việt Nam có được những thương hiệu thực phẩm mang tầm vóc quốc tế, là “bài toán” được đặt ra tại tọa đàm “Xây dựng thương hiệu thực phẩm Việt: Cái nhìn từ chính sách và thực tiễn” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 18/12.
Hình ảnh buổi tọa đàm “Xây dựng thương hiệu thực phẩm Việt: Cái nhìn từ chính sách và thực tiễn”.
Nhận định về ngành thực phẩm Việt Nam, tại buổi tọa đàm “Xây dựng thương hiệu thực phẩm Việt: Cái nhìn từ chính sách và thực tiễn” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 18/12. Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá, ngành thực phẩm Việt Nam là ngành có tiềm năng lớn đóng vai trò thúc đẩy phát triển kim ngạch xuất khẩu nông sản thực phẩm chiếm tỷ lệ cao trong kim ngạch xuất khẩu và liên tục tăng trong nhiều năm. Tuy nhiên, người tiêu dùng nước ngoài chưa có nhiều khái niệm về các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Bởi chúng ta xuất khẩu hiện qua trung gian là một thương hiệu nước ngoài hoặc chỉ xuất khẩu sản phẩm dưới dạng thô, khiến giá trị và tầm vóc của sản phẩm Việt Nam chưa cao.
Ngoài ra, theo ông Chiến hầu như các doanh nghiệp thực phẩm nông sản chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa với điều kiện còn hạn chế nên khó khăn trong phát triển thương hiệu. Trong đó, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề như chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng chưa cao, thị trường của các nước phát triển như châu Âu, châu Mỹ lại có yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm.
Ông Lê Tất Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn (Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng cho biết việc đăng ký thương hiệu đã được các doanh nghiệp chú trọng và đẩy mạnh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chỉ tập trung đăng ký nhiều hơn mà chưa quan tâm đến việc khai thác thế mạnh từ việc đăng ký thương hiệu. Sau khi đăng ký, nhiều doanh nghiệp vẫn còn loay hoay trong việc sử dụng thương hiệu, công tác quản lý chưa tốt, chất lượng sản phẩm không đồng đều. “Đặc sản địa phương hiện đang bị mai một dần do quản lý chưa tốt. Việc phối hợp đồng thuận giữa người dân và doanh nghiệp tại địa phương tạo ra thương hiệu mạnh vẫn ở mức độ yếu. Vì vậy, cần doanh nghiệp đầu tàu, chủ lực cho 1 lĩnh vực ngành hàng để đẩy mạnh các doanh nghiệp nhỏ chú trọng hơn trong câu chuyện tận dụng thế mạnh từ việc đăng ký thương hiệu”, ông cho hay.
Để xây dựng tốt thương hiệu thực phẩm Việt Nam cần đi từ các doanh nghiệp nhỏ nhất.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Vũ Hoài Thu, Giám đốc Ideal Foods Việt Nam cũng cho rằng để xây dựng tốt thương hiệu thực phẩm Việt Nam cần đi từ các doanh nghiệp nhỏ nhất. Muốn xây dựng một thương hiệu Việt mang tầm vóc quốc gia hay lớn hơn là trong khu vực cần có sự tập hợp sức mạnh, xây dựng tốt từ gốc là các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi việc xây dựng thương hiệu là quá trình lâu dài và cần nhiều nỗ lực. “Hạn chế của cá nhân doanh nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc xây dựng thương hiệu là các chủ doanh nghiệp chưa có sự hiểu biết xác đáng về việc xây dựng thương hiệu. Vẫn còn tình trạng mơ hồ, chưa triển khai được từ mong muốn thành hành động cụ thể”, bà Thu nói.
Ngoài ra, bà Thu cho rằng các chi phí cho xây dựng thương hiệu chưa được các doanh nghiệp nhỏ và vừa coi là các khoản đầu tư mà khi chỉ là những chi phí đơn thuần thì các doanh nghiệp hoàn toàn có thể cắt giảm và dẫn đến việc thương hiệu chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Ông Hoàng Minh Chiến cũng chia sẻ, trong thời gian tới, Cục sẽ tập trung vào các mục tiêu quan trọng như: hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, đăng ký bằng sáng chế, bảo hộ cho thương hiệu; tập trung bảo hộ sản phẩm Quốc gia, có thế mạnh xuất khẩu; kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm được bảo hộ, tem nhãn, chống giả, tem truy xuất nguồn gốc…Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng công cụ quản lý sở hữu trí tuệ; nâng cao năng lực, thực thi đảm bảo hiệu quả công tác sử dụng thương hiệu nói chung, nhãn hiệu nói riêng./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()