Giải bài toán thiếu lao động
Trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, lao động nhập cư ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong các thị trường việc làm trên thế giới. Một loạt kế hoạch thu hút người nước ngoài có tay nghề cao đang được các nước thúc đẩy nhằm giải bài toán thiếu lao động nghiêm trọng sau đại dịch.
2021 cũng là năm thứ tư liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận tổng suất sinh dưới 1. (Ảnh: Reuters) |
Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), có tới 33% số người trong độ tuổi 70 đến 74 tại Hàn Quốc, một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, vẫn tham gia lao động. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so mức trung bình 15,2% tại các nước OECD. 58% số người từ 60 tuổi trở lên ở Hàn Quốc vẫn đứng trong lực lượng lao động, song cũng chưa đủ để giảm bớt tình trạng thiếu nhân công trong các lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp ở nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng người nhập cư vào Australia trong ba năm gần đây liên tục giảm, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng trên diện rộng. Dữ liệu việc làm trong tháng 7/2022 do Cơ quan Thống kê Australia (ABS) công bố cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp tại “xứ sở chuột túi” ở mức thấp kỷ lục 3,5%. Con số này phản ánh nguồn lao động ngày càng thắt chặt, trong khi nhu cầu tuyển dụng và giữ chân người lao động cao.
Năm 2020, Đức thông qua một đạo luật, được cho là sẽ khuyến khích khoảng 400.000 lao động nước ngoài mà Đức cần mỗi năm. Tuy nhiên, trong năm đầu tiên triển khai, nền kinh tế lớn nhất châu Âu chỉ thu hút được vỏn vẹn 30.000 lao động. Kết quả cuộc khảo sát do Hiệp hội các Phòng công nghiệp và thương mại Đức tiến hành cuối tháng 7 vừa qua cho thấy, khoảng 56% số công ty ở Đức thiếu nhân sự. Cơ quan Việc làm liên bang Đức cũng ghi nhận gần 150 ngành trong tình trạng tắc nghẽn do thiếu nhân lực. Tại các nhà hàng, quán ăn ở Đức, có thể còn nhiều bàn trống, song thực khách vẫn phải chờ lâu do tình trạng không đủ nhân viên phục vụ và đầu bếp. Tại các nhà ga và sân bay, số chuyến tàu và máy bay bị muộn hoặc hủy chuyến do thiếu nhân công xảy ra thường xuyên hơn.
Bộ Lao động Hàn Quốc cho biết sẽ đẩy nhanh quá trình nhập cảnh cho lao động nhập cư, thông suốt các thủ tục hành chính cho người tuyển dụng lao động nước ngoài và tăng cường hỗ trợ từng ngành công nghiệp. Bộ Tư pháp Hàn Quốc thông báo về loại thị thực mới với tên gọi “Thị thực dành riêng cho khu vực”, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 10 tới, dành cho người nước ngoài muốn sinh sống và làm việc tại các vùng nông thôn Hàn Quốc. Lao động nước ngoài có tay nghề cao, đáp ứng các tiêu chí nhất định, sẽ được cấp thị thực cư trú, nếu làm việc ít nhất 5 năm trong các ngành do chính quyền địa phương của Hàn Quốc chỉ định.
Bộ trưởng Nhập cư Australia Andrew Giles cảnh báo, Australia có nguy cơ mất nguồn lao động nhập cư tay nghề cao sang các quốc gia khác, nếu không quyết liệt trong cuộc đua toàn cầu về nhân tài. Chính phủ Australia đang xem xét nâng số lượng người nhập cư hằng năm và kế hoạch cụ thể sẽ được Canberra công bố trong báo cáo ngân sách liên bang, phát hành vào tháng 10/2022. Dự kiến, có thêm hàng chục nghìn lao động nước ngoài tay nghề cao được phép nhập cư Australia mỗi năm, sau khi mức trần nhập cư được nâng lên gần 200.000 người/năm.
Chính phủ Đức cũng đang xem xét một loạt biện pháp, trong đó có cải cách chính sách nhập cư, để thu hút nhiều hơn lao động nước ngoài. Những thay đổi được đề xuất bao gồm mở cửa thị trường lao động cho cả những người có hợp đồng, nhưng thiếu chứng chỉ được công nhận; nới lỏng quy định đối với các sinh viên mới tốt nghiệp đại học; nâng cao hiệu quả thực thi Đạo luật nhập cư cho người có chuyên môn cao có hiệu lực từ cách đây hai năm…
Việc các nước thúc đẩy chính sách hấp dẫn hơn nhằm thu hút lao động nhập cư nhận được sự hoan nghênh từ cộng đồng doanh nghiệp, trong bối cảnh hầu hết các ngành nghề kinh tế đều thiếu hụt nhân công, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm thời gian hoạt động, thậm chí đóng cửa. Chính sách nhập cư cởi mở hơn sẽ giúp tạo cơ hội việc làm và thu nhập tốt hơn cho người lao động trên thế giới.
Ý kiến ()