Giải bài toán nguyên liệu để tận dụng EVFTA
Nguyên phụ liệu là nút thắt để ngành dệt may tận dụng ưu đãi từ EVFTA.
Băn khoăn bài toán nguyên liệu
Nhập khẩu đến 70% nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc, ngành dệt may đang đứng trước nguy cơ không được hưởng nhiều ưu đãi thuế quan từ EVFTA. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, ngành dệt may vẫn nhập nguyên liệu chủ yếu của Trung Quốc, là vùng nguyên liệu từ quốc gia không thuộc danh sách được hưởng ưu đãi từ EVFTA. Nguyên tắc cộng gộp trong EVFTA cho phép doanh nghiệp Việt Nam sử dụng vải của Hàn Quốc hoặc một nước thứ ba mà hai bên cùng ký hiệp định thương mại tự do như Nhật Bản, ASEAN. Tuy vậy, nguyên liệu từ các quốc gia này có giá thành cao và chủng loại không phong phú.
Một số doanh nghiệp khác đã thay đổi chiến lược bằng cách tăng mua vải trong nước, song việc mua vải trong nước phải trả thuế VAT 10% đắt hơn so với vải nhập khẩu khiến lợi ích cắt giảm thuế quan chưa đủ bù đắp để giảm giá bán và cạnh tranh được với các quốc gia khác.
Ngoài khó khăn về nguyên liệu, khâu dệt nhuộm cũng là điểm yếu trong chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam, ông Nguyễn Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ, từng có dự án dệt nhuộm quy mô lớn không được địa phương cấp phép đầu tư do lo ngại các vấn đề về môi trường, đã tuyên bố rút khỏi Việt Nam. Nếu không chủ động được khâu này, doanh nghiệp dệt may không thể được hưởng lợi.
Trước thời điểm EVFTA chính thức có hiệu lực, ngành dệt may vẫn còn ngổn ngang những khó khăn chưa thể giải quyết để được hưởng những ưu đãi lớn từ hiệp định này. Cụ thể, với EVFTA, 100% các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ được giảm thuế nhập khẩu về 0% sau tối đa tám năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sau năm năm và 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau bảy năm. Lợi thế về thuế sẽ giúp hàng dệt may Việt Nam tăng sức cạnh tranh so với các quốc gia khác, như Bangladesh, Campuchia, Pakistan… EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp tăng khoảng 157 triệu USD kim ngạch xuất khẩu dệt may vào EU ngay năm đầu có hiệu lực và hơn một tỷ USD vào năm 2025.
Tuy nhiên, ngoài việc đáp ứng các quy tắc về nguyên phụ liệu trong Hiệp định EVFTA, việc chứng minh xuất xứ của sản phẩm dệt may cũng tương đối phức tạp. Hiện, Hiệp định cho phép áp dụng song song cơ chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) và cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Theo đó, đối với lô hàng có trị giá dưới 6.000 Euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ (tương tự quy định GSP hiện hành). Tại Việt Nam, thời điểm áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ do nội luật quy định. Trước khi áp dụng cơ chế này, Việt Nam sẽ thông báo tới EU và ban hành hướng dẫn trong nước. Phía EU sẽ tiến hành thanh tra với các lô hàng có nghi ngờ về C/O. Với lô hàng có trị giá hơn 6.000 Euro, áp dụng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công thương ủy quyền cấp. Song, việc tự chứng nhận xuất xứ cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gian lận, đội lốt nguyên phụ liệu, có thể gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp về lâu dài.
Hoàn thiện chuỗi cung ứng
Để được hưởng những ưu đãi từ EVFTA, nhiều năm nay, các doanh nghiệp đã nỗ lực xây dựng một chuỗi cung hoàn chỉnh. Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, Tập đoàn đã tập trung đàm phán với các nhà cung cấp để chuyển nguồn cung nguyên phụ liệu về Việt Nam như Uniqlo, H&M, Zara… đáp ứng được yêu cầu xuất xứ và hưởng lợi thuế quan từ EVFTA.
Trong ngắn hạn, Tổng Công ty May 10 cũng tập trung đặt các nguyên liệu từ các nhà sản xuất trong nước để đáp ứng yêu cầu về nguyên liệu nội khối của EVFTA. Về lâu dài, May 10 cũng tính toán đến chiến lược phát triển nguồn nguyên phụ liệu trong nước, giúp doanh nghiệp tối đa hóa lợi ích, không chỉ trong EVFTA mà còn trong nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác. Đồng thời, giảm thiểu rủi ro khi tập trung vào nguyên phụ liệu từ một vài thị trường.
Ngoài những nỗ lực từ doanh nghiệp, ông Trương Văn Cẩm cũng đề xuất, ngành dệt may cần sự hỗ trợ quyết liệt của Chính phủ, Bộ Công thương và sự mở lòng của chính quyền các địa phương trong tiếp nhận các dự án dệt nhuộm, đặc biệt là các dự án dệt nhuộm sử dụng công nghệ hiện đại, đã giảm thiểu được các mối lo về ô nhiễm môi trường.
Dưới góc độ là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đang triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về vấn đề chứng minh xuất xứ. Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, Cục Xuất nhập khẩu sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam cách xử lý, thực hiện và rà soát về mặt kỹ thuật khi có yêu cầu về kiểm tra, xác minh xuất xứ từ phía EU trong trường hợp cần thiết để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ, ngoài việc thực hiện các chương trình nâng cao năng lực của cơ quan, tổ chức cấp C/O, Cục sẽ thành lập các đoàn trực tiếp kiểm tra, xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất của doanh nghiệp để bảo đảm việc thực hiện quy tắc xuất xứ EVFTA.
Bộ Công thương cũng đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, từ đó đa dạng hóa nguồn nguyên liệu cho nhiều ngành sản xuất, bao gồm cả dệt may, giảm bớt mối lo về nguyên phụ liệu nhập khẩu.
Ý kiến ()