Theo dự báo, đến năm 2015, các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có nhu cầu tuyển dụng hơn 100 nghìn lao động qua đào tạo, trong đó, Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng có nhu cầu tuyển dụng 35.000 lao động. Để có nguồn nhân lực đủ chất và lượng, cần sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa "ba nhà": Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp.Thực trạng công tác đào tạo nghềSau bốn năm đi vào hoạt động, KKT Vũng Áng đã cấp phép cho 93 doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư, với số vốn đăng ký gần 200.000 tỷ VNĐ. Trong đó, có nhiều dự án lớn của các tập đoàn, nhà đầu tư trong và ngoài nước, như: Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I và II, Nhà máy luyện thép Công ty cổ phần gang thép Hà Tĩnh, lọc hóa dầu 16 triệu tấn/năm, Dự án phát triển du lịch dịch vụ Hồ Tàu Voi... Theo báo cáo của các nhà đầu tư, dự kiến đến 2015, nhu cầu lao động của các doanh...
Theo dự báo, đến năm 2015, các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có nhu cầu tuyển dụng hơn 100 nghìn lao động qua đào tạo, trong đó, Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng có nhu cầu tuyển dụng 35.000 lao động. Để có nguồn nhân lực đủ chất và lượng, cần sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa “ba nhà”: Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp.
Thực trạng công tác đào tạo nghề
Sau bốn năm đi vào hoạt động, KKT Vũng Áng đã cấp phép cho 93 doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư, với số vốn đăng ký gần 200.000 tỷ VNĐ. Trong đó, có nhiều dự án lớn của các tập đoàn, nhà đầu tư trong và ngoài nước, như: Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I và II, Nhà máy luyện thép Công ty cổ phần gang thép Hà Tĩnh, lọc hóa dầu 16 triệu tấn/năm, Dự án phát triển du lịch dịch vụ Hồ Tàu Voi… Theo báo cáo của các nhà đầu tư, dự kiến đến 2015, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp tại KKT Vũng Áng là 35.000 lao động, trong đó, năm DN có nhu cầu tuyển hơn 1.000 lao động, 10 DN tuyển từ 200 đến 1.000 lao động, 78 DN tuyển dưới 200 lao động…
Trước nhu cầu cấp bách về nguồn nhân lực tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt đề án đào tạo nguồn nhân lực lao động kỹ thuật, giai đoạn 2009-2015 và có các chương trình, kế hoạch tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp của T.Ư, của tỉnh về quy hoạch phát triển mạng lưới dạy nghề, thành lập các trường, các trung tâm dạy nghề. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, còn một số bất cập giữa khả năng đào tạo và nhu cầu của các doanh nghiệp. Trường đại học Hà Tĩnh mới thành lập trên cơ sở Trường cao đẳng Sư phạm, do vậy cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên còn hạn chế. Việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp cho KKT Vũng Áng chủ yếu thực hiện qua liên kết và chỉ đáp ứng được một số ngành nghề với quy mô nhỏ. Trong đó, nhiều ngành nghề đào tạo ra, không có nhu cầu sử dụng, nhưng hằng năm vẫn tổ chức tuyển sinh. Hiện tại, các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp về cung ứng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học, sau đại học. Cụ thể, để phục vụ KKT Vũng Áng, cần ít nhất 5.000 cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật có trình độ từ đại học trở lên… Đối với việc đào tạo công nhân kỹ thuật, hiện nay cơ cấu ngành nghề đào tạo của các trường cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập. Ba cơ sở đào tạo, dạy nghề trong tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu các DN đối với các nghề đòi hỏi kỹ thuật cao, mức đầu tư lớn, như: luyện cán thép, cơ khí chế tạo, tiện, thủy lực… Theo báo cáo của Sở LĐ, TB và XH Hà Tĩnh, tổng số lao động kỹ thuật có thể đào tạo trong tỉnh để đáp ứng nhu cầu các DN tại KKT Vũng Áng đến năm 2015 là 11.143 người, chủ yếu tập trung vào các nghề, như điện công nghiệp và dân dụng, hàn, lái xe ô-tô, vận hành máy công trình… Số lao động kỹ thuật và nhân viên hành chính chưa có điều kiện đào tạo đến năm 2015 là hơn 18.000 người. 'Hiện chưa có sự phối hợp thật sự giữa nhà trường và doanh nghiệp. Trường đào tạo theo nghề mình có, doanh nghiệp không sử dụng được thì đào tạo lại. Điều này vừa mất thời gian vừa tốn kém' – GSTS Nguyễn Văn Đính, Hiệu trưởng Trường đại học Hà Tĩnh, cho biết. Thực tế, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh và công ty TNHH Phonesack Việt Nam sau khi tuyển dụng hơn 100 cán bộ kỹ thuật từ các trường đại học đã gửi đi làm việc và đào tạo lại ở nước ngoài.
Học viên học nghề điện dân dụng tại truờng trung cấp nghề Hà Tĩnh
Để giải quyết tình trạng bất cập giữa nhu cầu và khả năng đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật, chất lượng cao, tỉnh Hà Tĩnh đã có các chính sách vừa thu hút, vừa tăng cường cơ sở vật chất, mở rộng quy mô đào tạo, liên doanh, liên kết với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước. UBND tỉnh Hà Tĩnh có quy định tạm thời về chính sách khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân lực chất lượng cao của tỉnh, giai đoạn 2008-2012, bằng một số chính sách cụ thể. Đối với công nhân có bậc nghề tối đa, người có trình độ thạc sĩ trở lên đang công tác tại các tỉnh thành khác về công tác trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ ổn định cuộc sống ban đầu từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng; được mua đất ở theo khung giá nhà nước và trả dần trong 5 năm. Sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, thạc sĩ thuộc các ngành tỉnh có nhu cầu được tuyển thẳng và hưởng 100% lương khởi điểm; sinh viên đang học các ngành trọng điểm tỉnh có nhu cầu, nếu kết quả học tập hằng năm xếp loại khá, giỏi và cam kết phục vụ lâu dài tại tỉnh được hỗ trợ 5 triệu đồng/năm, kể từ năm thứ 3. Tuy vậy, các chính sách thu hút trên chỉ mới có tác dụng đối với hệ thống cán bộ, công chức, viên chức, chưa có tác dụng lớn trong việc thu hút vào các doanh nghiệp. Một số sinh viên là người Hà Tĩnh chưa thiết tha trở về quê hương lập nghiệp. Thời gian qua, một số DN lớn tìm đến các trường đại học để tuyển các sinh viên tốt nghiệp là con em Hà Tĩnh và đưa đi đào tạo nhưng bị từ chối không ít…
Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa 'ba nhà'
Bài toán nguồn nhân lực của Hà Tĩnh nói chung và của KKT Vũng Áng nói riêng đã nhận được sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư. Ngày 18-8, tại thành phố Hà Tĩnh (trước đó, ngày 11-8, tại thành phố Cần Thơ), Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì hội nghị với sự tham gia của 20 trường đại học, cao đẳng trong cả nước cùng nhiều bộ, ngành liên quan về công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các Dự án tại KKT Vũng Áng. Tại hội nghị trên, Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ LĐ, TB và XH và các đối tác đã thảo luận chi tiết về nhu cầu của doanh nghiệp cũng như đơn vị có đủ khả năng cung cấp nhân lực trước khi chính thức ký kết. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ: Kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phải được đồng xây dựng bởi 'ba nhà' gồm: nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp (người sử dụng lao động), trong đó, nhà nước nắm vai trò chủ đạo xây dựng kế hoạch lâu dài. Nhà trường đóng góp bằng kế hoạch ngắn hạn và cụ thể. Doanh nghiệp thỏa thuận hoặc cam kết sử dụng nhân lực trong tương lai. Đặc biệt, doanh nghiệp sử dụng lao động phải coi việc trực tiếp tham gia đào tạo lao động như một trách nhiệm xã hội… Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự, cần tạo sự chuyển biến nhận thức cho toàn xã hội về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội theo hướng bền vững. Đây là vấn đề vừa cấp bách, vừa cơ bản, đòi hỏi phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và tất cả các cấp, các ngành, các doanh nghiệp. Để xác định rõ quyền và nghĩa vụ của tỉnh, DN, người lao động và các cơ sở đào tạo, Chính phủ và các bộ, ngành cần có cơ chế chính sách đặc thù cho KKT góp phần bảo đảm đào tạo đủ, kịp thời và chất lượng cao nguồn nhân lực cho các DN tại KKT Vũng Áng. Các DN trong KKT Vũng Áng phải cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết về nhu cầu nhân lực, các chế độ, chính sách đối với người lao động; bảo đảm sinh viên người Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận đang học trong các cơ sở đào tạo được tiếp cận thông tin về nhu cầu nhân lực. Tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành nâng cấp các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn toàn tỉnh. Các trường đại học phối hợp và hỗ trợ Trường đại học Hà Tĩnh thực hiện việc đào tạo nhân lực trình độ cao, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong KKT Vũng Áng và tỉnh Hà Tĩnh. Tiến hành quy hoạch nhà ở cho cán bộ, công nhân viên tại KKT Vũng Áng đến năm 2030, trước mắt, đến năm 2012, bảo đảm ít nhất 6.000 chỗ ở cho cán bộ, công nhân. Ngoài ra, tỉnh Hà Tĩnh cần nhanh chóng xây dựng quy hoạch về trường học, y tế và các cơ sở hạ tầng xã hội khác; có trách nhiệm vận động xây dựng quỹ nhà ở, quỹ hỗ trợ đào tạo cho KKT Vũng Áng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()