Giải bài toán lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp
Ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ra quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng điều chỉnh tăng 1% ở hầu hết mức lãi suất điều hành. Một mặt bằng lãi suất mới sẽ hình thành nhằm thích ứng với diễn biến của tình hình kinh tế thế giới. Tuy nhiên cùng với đó cũng cho thấy, công tác điều hành lãi suất trong bối cảnh tài chính, tiền tệ quốc tế biến động mạnh như vậy đang là một thách thức rất lớn.
Một điểm giao dịch của Ngân hàng SHB. |
Với quyết định tăng lãi suất lần này, đây là lần điều chỉnh lãi suất điều hành đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước kể từ tháng 9/2020 và là lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2016. Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước có mục đích chính để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng.
Áp lực tăng lãi suất toàn cầu
Trước những tác động của tình hình thế giới, chính sách tài chính tiền tệ của các nước đến nền kinh tế nước ta và tình hình nội tại của nền kinh tế trong nước, để thực hiện các mục tiêu đặt ra của chính sách tiền tệ, từ ngày 23/9, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh tăng 1% hầu hết mức lãi suất điều hành; đồng thời, nâng trần lãi suất tiền gửi áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng lên 0,5%/năm, tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng lên 5%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô lên 5,5%/năm. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung-cầu vốn thị trường.
Sau quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, ngay trong ngày 23/9, các ngân hàng đồng loạt tăng mạnh lãi suất huy động, nhiều kỳ hạn niêm yết ở mức tối đa cho phép. Cụ thể, ACB công bố biểu lãi suất huy động mới với lãi suất cao nhất dành cho kỳ hạn 1-3 tháng đã tăng lên mức tối đa cho phép là 5%/năm, áp dụng cho gói ‘’Tài Lộc’’, lĩnh lãi cuối kỳ. Trước đó, mức lãi suất cao nhất áp dụng cho các kỳ hạn này là 4%/năm. SHB cũng công bố biểu lãi suất mới áp dụng từ ngày 23/9 với các kỳ hạn dưới 1 tháng được điều chỉnh lên mức tối đa 0,5%/năm.
Lãi suất các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đều tăng 0,8-0,9 điểm % so với trước đó lên dao động trong khoảng 4,4-4,8%. Lãi suất áp dụng cho các kỳ hạn dài hơn cũng đồng loạt tăng thêm 0,4-0,5 điểm % so với trước đó. Tương tự, Ngân hàng Bắc Á đồng loạt tăng lãi suất các kỳ hạn dưới 1 tháng lên 0,5%/năm; trong khi các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng cũng tăng thêm 0,5-0,8 điểm %, lên dao động trong khoảng 4,5-4,8%/năm. Lãi suất áp dụng cho các kỳ hạn trên 6 tháng cũng đều được tăng thêm 0,2-0,3 điểm %, với lãi suất cao nhất đang được áp dụng là 7,2%/năm dành cho kỳ hạn 13, 15, 18, 24 và 36 tháng, lãi lĩnh cuối kỳ…
Liên quan đến quyết định tăng lãi suất, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Chí Quang cho biết: Việt Nam thời gian qua đã điều hành khá thành công, giữ được đồng tiền Việt Nam không quá mất giá. “Nhưng nếu chúng ta giữ mặt bằng lãi suất quá thấp, ổn định quá lâu trong bối cảnh thế giới biến động lớn như thế sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá, từ đó gây nên những bất ổn kinh tế vĩ mô khác.
Chúng ta định hướng giữ ổn định nhưng không có nghĩa là cố định đồng tiền. Do đó, Ngân hàng Nhà nước thấy rằng cần phải điều chỉnh lãi suất để làm sao một mặt hóa giải những cú sốc kinh tế vĩ mô, neo giữ được tâm lý kỳ vọng lạm phát của người dân và đạt được những mục tiêu về lạm phát mà Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ đặt ra từ đầu năm, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Quang lý giải.
Cũng theo ông Phạm Chí Quang, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng rất cao, áp lực với Việt Nam về nhập khẩu lạm phát là rất lớn vì nền kinh tế có độ mở cao, doanh nghiệp trong nước chủ yếu nhập siêu. Do đó, việc để đồng Việt Nam mất giá lớn sẽ tác động tiêu cực đến nhập khẩu, tác động đến mặt bằng giá trong nước, vì vậy, ưu tiên lớn nhất trong điều hành chính sách tiền tệ phải cố gắng giữ tỷ giá ổn định, từ đó hạ nhiệt lạm phát. “Nhưng về nguyên lý, không thể cùng lúc ổn định lãi suất và tỷ giá. Chính vì thế khi FED tăng nhanh, mạnh lãi suất với tốc độ tăng cao nhất trong vòng 40 năm đã dẫn đến mặt bằng chung tỷ giá toàn cầu xáo trộn, buộc một loạt ngân hàng trung ương thế giới tăng lãi suất để bảo đảm tỷ giá đồng tiền của họ không mất giá quá lớn”, ông Quang cho biết thêm.
Giữ ổn định mặt bằng lãi vay
Theo đánh giá của TS Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành với mức tăng 1 điểm phần trăm là mức có thể chấp nhận được và cũng là thời điểm tăng phù hợp. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo bên cạnh việc nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động thì Ngân hàng Nhà nước cũng phải nghiên cứu làm sao để giữ cho lãi suất cho vay không tăng lên.
“Người đi vay vẫn được vay với lãi suất không đổi trong khi người gửi tiền được hưởng lãi suất cao hơn. Như thế, biên lãi thuần của ngân hàng sẽ bị thu hẹp lại. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ chính trị mà hệ thống ngân hàng cần chung tay, chia sẻ với doanh nghiệp, người dân”, TS Trương Văn Phước nhận định.
TS Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) cũng cho biết, để vừa giữ được giá trị của đồng tiền Việt Nam thông qua giữ ổn định tỷ giá hối đoái và phá giá ở mức nhẹ, chúng ta phải đồng thời kết hợp với biện pháp điều hành chính sách lãi suất theo hướng tăng nhẹ và tìm ra điểm cân bằng để giải quyết được cả ba bài toán: vừa ổn định kinh tế vĩ mô thông qua giữ ổn định lãi suất và tỷ giá hối đoái, đồng thời không ảnh hưởng tiêu cực đến cán cân thanh toán.
Nhìn nhận thêm về động thái tăng lãi suất điều hành, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, các quyết định này bảo đảm theo hướng phù hợp diễn biến lạm phát thị trường trong nước và nước ngoài. “Đây là công cụ điều hành, khi cần tăng sẽ điều chỉnh tăng, khi cần giảm sẽ giảm để bảo đảm mục tiêu chung, thích ứng với tình hình mới,” ông Đào Minh Tú nêu rõ. Nhưng dù tăng lãi suất điều hành, song để thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẽ vận động các tổ chức tín dụng đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả quản trị, cắt giảm chi phí để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và nghiên cứu giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên.
“Về lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước kêu gọi các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp. Chúng ta đang làm tốt giải pháp này. Điều này được thể hiện qua con số 52.000 tỷ đồng từ miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”, Phó Thống đốc thông tin thêm.
Bối cảnh kinh tế, tiền tệ thế giới bất định và những thách thức khiến việc điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới của ngành Ngân hàng sẽ rất khó khăn vì vừa phải kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát, thích ứng với các diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Ý kiến ()