Giải bài toán đỗ xe tại Thủ đô
Thời gian qua, cùng với sự gia tăng nhanh chóng về phương tiện giao thông tại TP Hà Nội, việc bổ sung các bãi đỗ xe nổi, đỗ xe ngầm luôn là vấn đề cấp thiết, được người dân rất quan tâm. Mặc dù là vấn đề rất cấp thiết nhưng khi triển khai, chính quyền các cấp ở Thủ đô gặp không ít vướng mắc, khó khăn.
Thiếu hụt bãi đỗ xe
Theo số liệu thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 8 triệu phương tiện các loại, trong đó gần 1,5 triệu ô tô. Trung bình mỗi ngày, Hà Nội có hơn 1.000 phương tiện các loại được đăng ký mới và đưa vào lưu thông.
Theo quy hoạch, TP Hà Nội cần có 1.620 bãi đỗ xe, trong đó 73 bãi đỗ xe ngầm. Thời điểm hiện tại, thành phố chỉ có 135 dự án đầu tư bãi đỗ xe, trong đó 72 dự án đã hoàn thành và đưa vào hoạt động, 63 dự án còn lại triển khai chậm; đặc biệt, dự án liên quan đến bãi đỗ xe ngầm vẫn chưa thể triển khai.
Bên cạnh đó, diện tích giao thông tĩnh của Thủ đô theo quy hoạch phải đáp ứng được 3-4% nhưng trên thực tế, thành phố mới đạt khoảng 0,5%. Sự gia tăng nhanh chóng về phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố cùng với việc thiếu trầm trọng các bãi đỗ xe khiến giao thông Thủ đô thường xuyên quá tải, nhất là vào giờ cao điểm, thậm chí gây mất an ninh trật tự xã hội.
Cùng với đó, việc phải bỏ ra một khoản đầu tư rất lớn để xây dựng các bãi đỗ xe, nhất là bãi đỗ xe ngầm trong khi lợi nhuận lại thấp khiến các doanh nghiệp, nhà đầu tư không mấy mặn mà với những dự án này.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Trước thực trạng trên, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hà Nội đã kiến nghị thành phố giao UBND các quận, huyện rà soát bãi đỗ xe trên địa bàn, hướng dẫn những đơn vị đủ điều kiện công bố bãi đỗ xe. Trước mắt, sở GTVT đề nghị các sở, ngành, địa phương liên quan đánh giá việc thực hiện các quy định về quản lý lòng đường, hè phố để tổng hợp, báo cáo, đề xuất thành phố sửa đổi, bổ sung những nội dung không còn phù hợp với thực tế hiện nay để cấp phép tạm thời một phần lòng đường, hè phố cho việc trông giữ phương tiện. Xem xét điều chỉnh lại mức phí và giá trông, giữ phương tiện theo quy định cho phù hợp với thực tiễn nhằm tăng sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư điểm trông, giữ xe.
Bên cạnh đó, sở GTVT cũng kiến nghị thành phố ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công để đầu tư các bãi đỗ xe, sau đó đấu thầu quyền khai thác, nhất là những khu vực có mật độ dân cư cao. Tăng cường quản lý, giám sát tiến độ, nếu cần thiết sẽ có biện pháp thu hồi, hủy bỏ các quyết định và dừng thực hiện dự án đối với những dự án chậm triển khai. Cùng với đó, đề nghị Sở Xây dựng TP Hà Nội chủ trì kiểm tra định kỳ việc thi công xây dựng, giám sát, kiểm tra việc quản lý khai thác sử dụng sau đầu tư, bảo đảm thực hiện theo đúng quy định.
Nhằm gỡ khó cho hoạt động đầu tư xây dựng bãi đỗ xe, nhất là các bãi đỗ xe có áp dụng công nghệ hiện đại, Luật Thủ đô 2024 đã có quy định về việc này. Theo đó, các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng những dự án bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe cao tầng được hưởng các ưu đãi như miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng không gian ngầm trong toàn bộ thời gian thực hiện dự án.
Hỗ trợ 100% tiền thuế nhập khẩu phải nộp đối với các thiết bị, dây chuyền phục vụ trực tiếp cho dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe cao tầng sử dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, được phép sử dụng tối đa 25% tổng diện tích sàn xây dựng của dự án theo quy hoạch để đầu tư, khai thác dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động trông, giữ xe. Các nhà đầu tư cũng sẽ được hỗ trợ lãi suất vay vốn trong 5 năm đầu theo quy định của HĐND TP Hà Nội.
Đối với việc áp dụng khoa học-công nghệ vào lĩnh vực giao thông, trong đó có hoạt động trông, giữ xe, theo Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường, HĐND thành phố đã thông qua đề án giao thông thông minh của Hà Nội. Đề án được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2025 đến 2027 là giai đoạn hình thành phát triển; từ năm 2027 đến 2029 là giai đoạn mở rộng phát triển; sau năm 2030 là giai đoạn phát triển bền vững.
Việc thực hiện đề án giao thông thông minh sẽ giúp giải quyết những bất cập về giao thông của thành phố một cách căn cơ, góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông. Đồng thời, TP Hà Nội đã triển khai thí điểm hệ thống đỗ xe thông minh tại 360 điểm trông, giữ xe với tiêu chí không tiền mặt, không dừng, có biên lai, hóa đơn điện tử, bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực, tiến tới áp dụng triển khai trên toàn thành phố.
Theo Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội, giai đoạn thí điểm đã triển khai ở 17/30 quận, huyện của thành phố, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đạt 97,7% đối với ô tô, 85% đối với xe máy, điều này tạo thói quen không sử dụng tiền mặt, hướng tới sự minh bạch và góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Giám đốc Sở Tài chính TP Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu cho biết, đơn vị cũng đã nghiên cứu một số mô hình thí điểm tại một số quận, huyện về trông, giữ phương tiện và thu tiền bằng hệ thống điện tử. Luật Giá 2023 có hiệu lực từ ngày 1-7-2024 giúp sở căn cứ vào đó tham mưu cho UBND thành phố bổ sung các cơ chế, chính sách vượt trội, đặc thù để thực hiện hiệu quả việc thanh toán không dùng tiền mặt, dự kiến hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2025.
Ý kiến ()