Giá xăng dầu tăng “phi mã”: Doanh nghiệp vận tải hành khách gặp khó
– Thời gian qua, các doanh nghiệp vận tải hành khách chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Không chỉ vậy, trong 2 tháng gần đây, giá xăng dầu tăng liên tục đã khiến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trở nên lao đao.
Từ ngày 10/9/2021 đến nay, giá xăng dầu trên cả nước đã điều chỉnh liên tiếp 6 lần, trong đó, có 5 lần tăng và 1 lần giảm. Trên địa bàn tỉnh, tính đến ngày 26/11/2021: giá xăng RON 95-IV ở ngưỡng trên 24.400 đồng/lít (tăng gần 2.600 đồng/lít); giá xăng E5 RON-92 ở mức 23.300 đồng/lít (tăng hơn 2.800 đồng/lít); giá dầu DO 0,05S-II ở ngưỡng trên 18.700 đồng/lít (tăng gần 2.800 đồng/lít).
Đối với các doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cùng với việc giá xăng dầu tăng cao đã khiến nhiều đơn vị lao đao.
Giá xăng dầu tăng cao, số lượng xe hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn giảm mạnh
Thành lập từ giữa năm 2016, đến nay, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Đồng Đội có trên 80 xe taxi hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách. Áp lực từ giá xăng dầu khiến công ty rơi vào cảnh hoạt động cầm chừng. Ông Lưu Minh Trường, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Do dịch COVID-19, lượng khách trên địa bàn sụt giảm mạnh. Trong số hơn 80 xe taxi của đơn vị, có đến 50% xe đã tạm dừng hoạt động do dịch bệnh. Từ tháng 9 đến nay, giá xăng tiếp tục tăng cao, điều này ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của công ty cũng như thu nhập của tài xế. Mặc dù nhiều xe ngừng hoạt động nhưng trung bình mỗi xe đang hoạt động của đơn vị chỉ có thể đem lại doanh thu từ 100 đến 150 nghìn đồng/ngày (giảm từ 500 đến 600 nghìn đồng so với đầu năm).
Không chỉ riêng đơn vị trên, nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Theo một số tài xế taxi, với giá xăng ở thời điểm trước ngày 10/9/2021 là hơn 21.000 đồng/lít (xăng RON 95 III), chi phí nhiên liệu của các xe khoảng 1.200 đồng/km. Tuy nhiên, với mức giá như hiện nay, chi phí tăng lên từ 1.700 đến 1.800 đồng/km.
Tìm hiểu từ một số doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30 đến 40% tổng chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Với việc giá xăng dầu tăng, mức chi phí này tăng lên đến 50%. Trước thực tế đó, một trong những cách gỡ khó mà các doanh nghiệp có thể thực hiện đó là xin tăng giá cước để cân đối doanh thu. Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp, đây được xem là hành động mạo hiểm.
Ông Nguyễn Thành Trung, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải và Xuất nhập khẩu HGB – Taxi Lạng Sơn 766 cho biết: Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lượng khách đã giảm đi đáng kể. Nếu thực hiện tăng giá cước, nguy cơ mất khách hàng là rất lớn do nhiều người khó chấp nhận giá cước cao và sẽ chuyển qua sử dụng dịch vụ của các hãng khác. Để có thể điều chỉnh giá cước hợp lý, bắt buộc tất cả các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải hành khách đều phải cùng đưa ra phương án thực hiện phù hợp, đảm bảo cân đối lợi ích chung. Tuy nhiên, điều này gần như bất khả thi.
Đối với các hãng vận tải hành khách liên tỉnh trên địa bàn như: Ninh Quỳnh CarVIP; Quỳnh Thanh VIP LIMO…, một trong những tuyến có lượng khách lớn nhất là Lạng Sơn – Hà Nội gần như không còn khách hàng. Trước áp lực bởi dịch bệnh cùng với việc chi phí nhiên liệu tăng, giá cước không đổi khiến các doanh nghiệp trên khó càng thêm khó. Không ít doanh nghiệp phải bù lỗ để đáp ứng các chi phí nhằm duy trì hoạt động. Thậm chí, một số hãng đã tạm dừng hoạt động, điển hình như hãng Ninh Quỳnh CarVIP. Anh Nguyễn Văn Chiến, lái xe của hãng Ninh Quỳnh cho biết: Do dịch bệnh và giá xăng dầu tăng cao, các xe của đơn vị đều dừng hoạt động. Vì vậy, thời điểm này, chúng tôi không có thu nhập.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh cho biết: Do tác động của dịch COVID-19 và giá nhiên liệu tăng cao, hiện các doanh nghiệp vận tải chỉ hoạt động ở mức 20% công suất. Trước thực tế đó, thời gian qua, đơn vị đã tổ chức lấy ý kiến các doanh nghiệp vận tải và làm đơn kiến nghị lên các bộ, ngành, cơ quan trung ương. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp như: hỗ trợ về thuế; giãn thời hạn đăng kiểm xe; giảm phí đường bộ… đối với các doanh nghiệp vận tải nói chung và vận tải hành khách nói riêng.
Tuy nhiên, việc xem xét, lập phương án hỗ trợ đòi hỏi sự vào cuộc của rất nhiều cơ quan, đơn vị từ các lĩnh vực khác nhau. Do đó, để có thể điều chỉnh các nội dung trên sẽ cần một lộ trình dài hơi, điều này đòi hỏi các cấp, ngành liên quan cần sớm đưa ra các giải pháp hỗ trợ, gỡ khó cho doanh nghiệp vận tải nói chung và doanh nghiệp vận tải hành khách nói riêng.
Theo thống kê từ Sở Giao thông Vận tải, trên địa bàn hiện có 1 doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe buýt nội tỉnh; 23 đơn vị và 3 hộ kinh doanh với 224 xe tuyến cố định và 120 xe hợp đồng; có 20 doanh nghiệp vận tải hành khách bằng taxi với tổng số 620 xe hoạt động. Trong đó, các doanh nghiệp vận tải hành khách có quy mô và vốn đầu tư rất lớn. Với việc giá xăng dầu tăng “phi mã”, các doanh nghiệp vận tải hành khách đã và đang gặp phải nhiều nguy cơ như: giảm doanh thu; mất nhân lực do tài xế nghỉ việc; áp lực chi trả các khoản nợ ngân hàng; kinh phí duy trì, bảo dưỡng các hệ thống quản lý xe; các chi phí đào tạo nhân lực mới trong giai đoạn tiếp theo… |
Ý kiến ()