Giá xăng dầu tăng cao thách thức mục tiêu kiềm chế lạm phát
Trước sự leo thang của giá dầu thế giới và sự thiếu ổn định tạm thời của nguồn cung xăng dầu trong nước, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng thiết yếu này.
Vấn đề xem xét lùi thuế để kiềm chế giá bán lẻ xăng dầu, giữ ổn định kinh tế vĩ mô đã được giới chuyên gia đặt ra từ đầu quý IV/2021, khi giá dầu thế giới nóng lên cùng quá trình phục hồi mạnh mẽ của các nền kinh tế lớn. Kể từ đó đến nay, nguồn cung và giá dầu thế giới liên tục bị tác động bởi các yếu tố bất lợi, điển hình là tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine.
Cũng như nhiều nền kinh tế hội nhập khác, Việt Nam không thể tránh được ảnh hưởng của cú sốc giá dầu thế giới, thậm chí phải chịu “tác động kép” vì đúng thời điểm này, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm mạnh công suất do khó khăn về tài chính. Thị trường xăng dầu không chỉ phải đối mặt với tình trạng tăng giá mà có thời điểm còn diễn ra tình trạng khan hàng cục bộ. Giá bán lẻ xăng dầu kể từ đầu năm đến nay đã năm lần tăng giá, thiết lập đỉnh cao nhất trong vòng tám năm qua.
Theo tính toán của chuyên gia, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của nền kinh tế cho nên giá xăng tăng sẽ tác động nhiều vòng đến toàn bộ đời sống kinh tế-xã hội, làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế và có thể làm vô hiệu hóa một số công cụ, chính sách phục hồi tổng thể nền kinh tế sau đại dịch.
Mặt hàng xăng dầu hiện nay đang chịu bốn loại thuế khác nhau và chiếm tỷ trọng rất cao trong giá bán, gồm: thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng. Trong bối cảnh công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu có hạn, sử dụng công cụ thuế, phí để ổn định giá xăng dầu là việc phải tính đến, còn sử dụng ở mức độ nào thì cần tính toán kỹ, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên, gồm: Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế và dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, do đó phải được quản lý, điều hành một cách khoa học, chặt chẽ, theo đúng quy định. Những bất ổn về nguồn cung và giá xăng dầu đang thách thức mục tiêu kiềm chế lạm phát, ảnh hưởng mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi, phát triển kinh tế.
Vì vậy, bên cạnh việc sử dụng công cụ thuế để điều tiết thị trường, các cơ quan chức năng cần phối hợp tốt trong công tác điều hành giá, quản lý thị trường, đồng thời nâng cao năng lực khai thác, lọc hóa dầu trong nước nhằm giảm đến mức thấp nhất những tác động xấu đến nền kinh tế.
Ý kiến ()