Giá xăng dầu 'leo thang,' thị trường xe máy điện nhộn nhịp
Phương tiện xe máy điện với nhiều lợi ích như tiết kiệm nhiên liệu, giá thành hợp lý, mẫu mã hấp dẫn… đang là sự lựa chọn thay thế của nhiều gia đình trong bối cảnh xăng tăng giá.
Trước tình hình giá xăng dầu trong nước đang “leo thang,” nhiều người dân đã tìm đến những sản phẩm tiết kiệm năng lượng như xe máy điện, giúp thị trường này vốn ảm đạm nay lại trở nên sôi động hơn.
Ghi nhận tại một số cửa hàng xe máy điện tại Thủ đô, lượng tiêu thụ loại xe “xanh” thời điểm này khá cao với đủ mức giá, từ trên dưới 10 triệu đồng đến gần 100 triệu đồng/chiếc, phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân từ đi làm, đi chợ đến chạy xe công nghệ…
Lượng khách tăng vọt
Thường xuyên sử dụng xe máy để đi lại, nay nghe tin giá xăng liên tục “lập đỉnh,” chị Thùy Linh (quận Ba Đình, Hà Nội) cất gọn chiếc xe đang dùng vào góc nhà và mua trả góp một chiếc xe máy điện làm phương tiện đi lại.
“Quãng đường từ nhà đến công ty khoảng 15km, tính ra đi lại gần 40km mỗi ngày. Trước đây, mỗi tháng tôi mất khoảng 400.000-500.000 đồng tiền xăng xe. Từ đợt xăng tăng ‘phi mã’ tôi chuyển sang đi xe điện thì chi phí chỉ còn khoảng hơn 100.000 đồng,” chị Linh cho hay.
Trường hợp khác, Minh Tiến, sinh viên một trường đại học tại Hà Nội cũng chọn mua cho mình một chiếc xe máy điện của hãng Yadea (Trung Quốc) có giá hơn 18 triệu đồng, sạc đầy có thể đi được quãng đường lên đến 100km, phù hợp với nhu cầu vừa đi làm, đi học của em.
“Chiếc xe máy trước của em chạy có mức tiêu thụ khoảng 2 lít xăng/100km, với giá xăng hiện tại gần 28.000 VND/lít thì chi phí cho 100km vào khoảng 56.000 đồng. Còn chạy bằng xe điện thì tiêu thụ 2.6Kw/h cho 100km có giá xấp xỉ 5.500 đồng (tính theo giá điện sinh hoạt), rẻ hơn 5 lần so với xe chạy xăng,” Tiến vừa nhẩm tính vừa nói.
Rõ ràng, các loại xe máy điện hiện đang chiếm được lòng tin của nhiều người vì tính tiện lợi, dễ dàng sử dụng và chi phí chăm sóc ít tốn kém hơn các loại xe máy thông thường. Vì thế mà lượng tiêu thụ các loại xe này đã tăng lên nhanh chóng trong những ngày qua.
Anh Hoàng Cường, chủ một cửa hàng kinh doanh xe máy điện tại phố Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ kể từ khi xăng rục rịch tăng giá, lượng khách đến cửa hàng tìm mua xe đã tăng 50%. Các mẫu xe bán chạy tại cửa hàng anh đến từ thương hiệu như Yadea, Dibao (Trung Quốc), Pega (Việt Nam)… với mức giá dao động từ 15-25 triệu đồng/chiếc.
“Trước đây, mặt hàng xe điện chỉ được quan tâm vào mùa tựu trường, còn ngày thường có rất ít khách đến hỏi. Tuy nhiên mấy tháng gần đây, do giá xăng dầu tăng mạnh nên lượng khách mua xe máy điện cũng rục rịch tăng theo,” anh Cường cho biết.
Còn về phía hãng xe Việt VinFast, đơn vị này thông tin rằng doanh số xe máy điện của hãng đã tăng rõ rệt kể từ đầu năm 2022, với con số đạt trung bình khoảng 15.000 xe/tháng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
“Hiện tại, các sản phẩm xe máy điện thuộc phân khúc trung cấp và cận cao cấp như Ludo, Impes, Felix hay Klara… được khách hàng quan tâm và mua nhiều nhất. Sản phẩm xe tại hai phân khúc này đáp ứng các nhu cầu về vận hành và thiết kế tương đương xe xăng nên được nhiều người dân tin dùng,” đại diện VinFast cho biết.
Tăng đầu tư, mở rộng thị trường
Trước sự gia tăng nhu cầu mạnh mẽ, nhiều hãng xe lớn đã không ngần ngại tăng đầu tư, hay thậm chí là cắt giảm lợi nhuận để triển khai chiến lược mở rộng xe máy điện ra thị trường, tạo thêm sự lựa chọn cho khách hàng.
Đơn cử, từ giữa tháng 3/2022, ông lớn trong ngành xe máy chạy xăng Yamaha Việt Nam đã chính thức sản xuất, lắp ráp xe máy điện Yamaha Neo’S tại nhà máy ở Hà Nội với công suất 50 xe/ngày. Mẫu xe máy điện này có vận tốc 50 km/giờ, vận hành được 70 km sau mỗi lần sạc đầy. Theo kế hoạch, năm đầu tiên, hãng xuất xưởng khoảng 10.000 xe và xuất bán sang nhiều nước trước khi có kế hoạch bán tại thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, hãng xe máy khác là Honda Việt Nam cũng đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động phát triển xe điện trong nước khi cung cấp 180 xe máy điện PCX cho Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia và trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải để phục vụ nghiên cứu, giao 70 chiếc Honda Benly cho Bưu điện Việt Nam để thí điểm dự án sử dụng xe điện giao hàng, cung cấp mô hình đổi pin…
Ngoài ra, câu chuyện về việc khủng hoảng chip và linh kiện toàn cầu cũng đang là “cơn ác mộng” đối với tới tất cả các hãng sản xuất xe trên thế giới nói chung và hãng xe VinFast không nằm ngoài ảnh hưởng này. Tuy nhiên, hãng xe Việt cũng đã đưa ra những giải pháp kịp thời để không bị đứt nguồn cung.
“Để khắc phục tình trạng thiếu linh kiện, VinFast chấp nhận trả phí linh kiện cao hơn so với thỏa thuận ban đầu hoặc chuyển sang hình thức vận chuyển linh kiện theo đường hàng không; chấp nhận tăng chi phí để duy trì tiến độ sản xuất nhưng giá bán xe ra thị trường không đổi,” ông Lê Hoàng Long, Quyền Giám đốc kinh doanh, Khối kinh doanh xe máy điện VinFast cho biết.
Các chuyên gia nhận định thị trường xe máy điện đã có những tín hiệu khởi sắc nhưng vẫn cần thêm thời gian để những điểm hạn chế được khắc phục như: Vấn đề thiếu trạm sạc hay độ bền, độ an toàn cũng như chính sách về sử dụng pin đang còn nhiều “nhức nhối.” Mặc dù vậy, xe điện nói chung vẫn đang được hưởng các ưu đãi về thuế và lệ phí trước bạ… Đây cũng là lợi thế để thị trường xe máy điện có thể vươn lên và trở thành một xu hướng mới./.
Theo thống kê của tờ Motorcycles Data, trong năm 2021, thị trường xe máy Việt Nam sụt giảm mạnh bởi tác động của COVID-19, xuống mức thấp nhất trong 15 năm qua. Ngược lại, các thương hiệu xe điện lại có sự tăng trưởng đáng kể: Thị phần xe máy điện tăng mạnh từ 2,9% trong năm 2018 lên tới 10% trong năm 2021. Tờ này cũng cho rằng Việt Nam được dự báo sẽ là thị trường xe máy điện lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. |
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()