Giá xăng dầu hôm nay (26-1): Từ từ hạ nhiệt sau khi tăng tốc bất ngờ
Giá xăng dầu hạ nhiệt sau khi bất ngờ bứt tốc bởi tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Mỹ và căng thẳng leo thang tại Biển Đỏ.
Giá dầu thế giới
Theo Dailyfx, lúc 5 giờ 30 phút ngày 26-1 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent và WTI chìm trong sắc đỏ.
Trước đó, kết thúc phiên giao dịch ngày 25-1, giá dầu bất ngờ tăng vọt khoảng 3% lên mức cao nhất kể từ tháng 12-2023 sau khi dữ liệu kinh tế Mỹ cho thấy mức tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý vừa qua và do căng thẳng ở Biển Đỏ tiếp tục làm gián đoạn thương mại toàn cầu.
Giá dầu bất ngờ tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 25-1. Ảnh minh họa: Oilprice |
Giá dầu Brent kỳ hạn tăng 2,39 USD, tương đương 2,99%, lên mức 82,43 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 2,27 USD, tương đương 3,02%, lên mức 77,36 USD/thùng.
Theo Reuters, căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và sự gián đoạn vận chuyển trên hành lang Biển Đỏ vẫn là tâm điểm.
Maersk cho biết các vụ nổ đã buộc 2 tàu do công ty con của Mỹ điều hành đang chở quân nhu của Mỹ phải quay đầu khi đang đi qua eo biển Bab al-Mandab ngoài khơi Yemen.
Nhận xét về biến động của giá dầu trong phiên, Joshua Mahony, giám đốc phân tích thị trường tại Scope Markets, cho biết: “Cuối cùng chúng ta cũng thấy thị trường năng lượng thức tỉnh trước khả năng rõ ràng rằng sự gián đoạn chuỗi cung ứng này sẽ kéo dài trong nhiều tháng”. Theo vị giám đốc này, “triển vọng về một giải pháp quân sự để đảm bảo việc đi lại an toàn dường như khó xảy ra”.
Lãnh đạo của lực lượng Houthi ở Yemen ngày 25-1 cho biết nhóm này sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào các tàu có liên kết với Israel cho đến khi viện trợ đến tay người dân Palestine ở Gaza.
Bob Yawger, giám đốc phụ trách hợp đồng năng lượng tương lai tại Ngân hàng Mizuho, cho biết cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào một nhà máy lọc dầu ở miền nam nước Nga trong đêm cũng làm dấy lên lo ngại về nguồn cung.
Tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần trước giảm sốc tới 9,2 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự kiến, chủ yếu do thời tiết băng giá, cũng hỗ trợ giá. Ông Yawger cho biết dữ liệu đưa ra trong ngày cho thấy trong quý IV-2023, GDP của Mỹ đã tăng 3,3%, cao hơn nhiều so với dự kiến chỉ tăng 2%. Đây là một chỉ số tích cực đối với nền kinh tế Mỹ và điều đó hỗ trợ giá dầu.
Giá dầu cũng nhận được sự hỗ trợ từ kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi sau khi ngân hàng trung ương nước này ngày 24-1 tuyên bố hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc mà các ngân hàng thương mại phải nắm giữ, một động thái để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Giá dầu từ từ hạ nhiệt sau cú bật tăng ở phiên giao dịch ngày 25-1. Ảnh minh họa: Reuters |
John Kilduff, đối tác tại Again Capital LLC, cho biết thị trường đã chờ đợi sự kích thích kinh tế từ Trung Quốc trong vài tháng qua. Theo Kilduff, việc cắt giảm dự trữ ngân hàng có thể thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ. Tuy nhiên, triển vọng duy trì lãi suất cao vẫn còn ở nhiều nơi trên thế giới.
Ngày 25-1, Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn giữ tỉ lệ lãi suất chuẩn cao kỷ lục là 4%, không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang dự tính nới lỏng chính sách.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 26-1 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 22.171 đồng/lít. Xăng RON 95-III không quá 23.407 đồng/lít. Dầu diesel không quá 20.376 đồng/lít. Dầu hỏa không quá 20.544 đồng/lít. Dầu mazut không quá 15.494 đồng/kg. |
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính – Công Thương chiều 25-1. Giá xăng tăng mạnh nhất, trong đó xăng RON 95-III tăng 925 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 753 đồng/lít. Giá dầu tăng nhẹ, trong đó dầu diesel tăng nhiều nhất, 182 đồng/lít. Đáng chú ý là dầu mazut được điều chỉnh giảm 14 đồng/kg.
Như vậy mặt hàng xăng đã lập “hat-trick” tăng giá kể từ đầu năm đến nay.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ trích lập Quỹ bình ổn giá đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg; không trích lập Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng, dầu diesel và dầu hỏa; không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()