Giá vàng thế giới giảm dù có lúc vượt ngưỡng 1.700 USD mỗi ounce
Tính chung cả tuần qua, giá vàng vẫn giảm dù có lúc đã vượt ngưỡng 1.700 USD/ounce, khi có những lo ngại về tác động của đại dịch COVID-19 đối với kinh tế toàn cầu.
Giá vàng kỳ hạn chốt phiên 1/5 đã vượt ngưỡng 1.700 USD/ounce, khi lại có những lo ngại về tác động của đại dịch COVID-19 đối với kinh tế toàn cầu, khiến nhu cầu đối với kim loại này tăng. Tuy nhiên, giá vàng tính chung cả tuần vẫn giảm.
Giá vàng giao tháng Sáu tăng 6,7 USD, hay 0,4%, lên 1.700,9 USD/ounce. Theo số liệu của FactSet, hợp đồng này tăng 6,1% trong tháng Tư, nhưng giảm 2% trong tuần qua.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 30/4, giá vàng thế giới giảm 1,6% xuống 1.683,72 USD/ounce và là mức thấp nhất kể từ ngày 22/4, do các nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra, nhưng khép lại tháng Tư với mức tăng cao nhất kể từ tháng 8/2019 do những lo lắng dai dẳng về sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong phiên 29/4, giá vàng giao tháng Sáu giảm 0,51%, xuống 1.713,4 USD/ounce, khi một loại thuốc thử nghiệm điều trị COVID-19 cho kết quả khả quan.
Giá vàng đã giảm xuống mức thấp nhất trong một tuần trong phiên 28/4 do hoạt động chốt lời của giới đầu tư, trong bối cảnh nhiều nước lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế do đại dịch COVID-19. Giá vàng giao ngay giảm 0,7% xuống 1.702,40 USD/ounce, sau khi có thời điểm giảm tới 1,4%.
Trong phiên giao dịch 27/4, giá vàng thế giới đi xuống giữa lúc một số bang của Mỹ và các nước châu Âu bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội và đưa ra các biện pháp kích thích chưa từng có để hồi phục nền kinh tế. Giá vàng giao ngay phiên này giảm 1% xuống còn 1.710,71 USD/ounce, sau khi đã ghi nhận mức giảm 1,3% xuống 1.704,45 USD/ounce trước đó trong cùng phiên.
Tuy nhiên, việc các nhà đầu tư tránh các tài sản rủi ro trước số liệu tiêu cực về kinh tế Mỹ và khi thị trường chứng khoán đi xuống đã thúc đẩy giá vàng đi lên.
Viện quản lý nguồn cung Mỹ cho biết Chỉ số Nhà quản trị mua hàng lĩnh vực chế tạo của nước này giảm xuống 41,5 (điểm) trong tháng Tư, so với 49,1 (điểm) trong tháng Ba. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 4/2009.
Trong khi đó, sau khi khép lại tháng Tư với mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1987, thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên 1/5, khi các nhà đầu tư muốn thấy rõ mức độ tác động của đại dịch COVID-19, với hơn 3 triệu người mắc và hơn 200.000 người tử vong trên toàn cầu.
Theo người phụ trách chiến lược tiền tệ và nghiên cứu thị trường toàn cầu của FXTM, Jameel Ahmad, có những tiến triển trong việc nghiên cứu vắcxin chống COVID-19 cùng với việc các nền kinh tế được mở cửa từng bước, nhưng việc Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và chính sách thuộc Đại học Minnesota cảnh báo dịch COVID-19 có thể sẽ kéo dài tới hai năm đã làm tăng nhu cầu vàng.
Trong phiên cuối tuần, các nhà đầu tư cho thấy sự thất vọng về các báo cáo lợi nhuận yếu kém của các tập đoàn như Amazon.com Inc. và Apple Inc.
Bên cạnh đó, thị trường cũng chịu ảnh hưởng trước những đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thuế trả đũa lên hàng hóa của Trung Quốc do cách nước này đối phó với dịch bệnh bùng phát từ Vũ Hán.
Trong khi đó, giá bạc giao tháng Bảy trong phiên cuối tuần giảm 3,5 xu, hay 0,2%, xuống 14,938 USD/ounce, sau khi tăng 5,8% trong tháng, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2019. Trong cả tuần qua, giá bạc giảm trên 2%.
Với các kim loại khác, giá bạch kim giao tháng Bảy giảm 4,8%, xuống 773,9 USD/ounce, nhưng cả tuần tăng nhẹ và giá palađi giao tháng Sáu giảm 3,5%, xuống 1.887,8 USD/ounce và giảm 4,9% cả tuần./.
Ý kiến ()