Giá vàng ngày 28/3 tăng mạnh trở lại, vàng SJC vượt 81 triệu đồng/lượng
Giá vàng hôm nay (28/3) tiếp đà tăng ở cả thị trường trong nước và thế giới. Giá vàng giao ngay thế giới tăng lên mức 2.189 USD/ounce. Trong nước, mở cửa phiên giao dịch sáng nay, giá vàng miếng SJC tăng 200.000 đồng, giao dịch ở mức 81,12 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn tăng lên 69,6 triệu đồng/lượng.
Tính đến 8 giờ 30 phút sáng 28/3, giá vàng DOJI tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh niêm yết ở mức 79 triệu đồng/lượng mua vào và 81 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 200.000 đồng so kết phiên hôm qua.
Giá vàng SJC niêm yết mua vào-bán ra ở mức 79,1-81,12 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng so kết phiên trước đó.
Hiện các thương hiệu vàng trong nước đang duy trì mức chênh lệch mua vào-bán ra vàng miếng ở mức cao, quanh 2 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng trong nước đang cao hơn giá thế giới khoảng gần 15 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí).
Giá vàng nhẫn SJC 9999 cũng tăng 200.000 đồng, giao dịch mua vào 68,35 triệu đồng/lượng, bán ra 69,6 triệu đồng/lượng.
Vàng PNJ mua vào ở mức 68,3 triệu đồng/lượng và bán ra mức 69,6 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng so kết phiên hôm trước.
Tính đến 8 giờ 30 phút sáng 28/3 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới tăng nhẹ 10,9 USD so kết phiên trước đó, hiện ở mức 2.189,4 USD/ounce.
Giá vàng thế giới tiếp đà tăng khi thị trường chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ. Báo cáo Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi tháng 2 của Mỹ được kỳ vọng sẽ cho thị trường thêm thông tin về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chính thức tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ. PCE cốt lõi của Mỹ đã tăng 0,3 trong tháng 1.
Hầu hết các chuyên gia đều tỏ ra lạc quan về giá vàng trong thời gian tới khi cho rằng, kim loại quý này được hỗ trợ mạnh bởi kỳ vọng FED sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay (bất chấp lạm phát có thể chưa thể về mức mục tiêu 2%), nhu cầu tích trữ mạnh mẽ từ các ngân hàng Trung ương và lo ngại căng thẳng địa chính trị.
Theo các nhà phân tích hàng hóa tại ngân hàng BMO Capital Markets, giá vàng và bạc có thể tiếp tục củng cố trong thời gian tới và sự phục hồi của lĩnh vực kim loại quý chỉ mới bắt đầu.
Trong một báo cáo được công bố hôm thứ tư, ngân hàng Canada này đã cập nhật dự báo về giá vàng và bạc trong 3 năm tới, với mức cao nhất vào quý cuối cùng của năm 2024. Các nhà phân tích hàng hóa của BMO nhận thấy giá vàng trung bình trong năm nay sẽ dao động trong khoảng 2.169 USD/ounce, tăng 11% so dự báo trước đó.
Đặc biệt, trong quý 4, BMO dự báo giá vàng trung bình sẽ đạt khoảng 2.250 USD/ounce, tăng 13% so ước tính trước đó.
Các chuyên gia của ngân hàng này bày tỏ lạc quan về kim loại quý như một hàng rào chống lại rủi ro tiền tệ gia tăng trên toàn thế giới, họ cũng lưu ý rằng, tuần trước giá vàng chinh phục mức đỉnh mới cũng trùng hợp với động thái của Bitcoin khi đạt mức cao kỷ lục trên 73.000 USD/token.
Sáng nay, Chỉ số USD-Index dao động ở mức 104,37 điểm; lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng nhẹ lên mức 4,239%; chứng khoán Mỹ tăng mạnh sau vài ngày điều chỉnh; giá dầu giảm nhẹ, giao dịch quanh mức 84,94 USD/thùng đối với dầu Brent và 80,82 USD/thùng đối với dầu WTI.
Ý kiến ()