Giá vàng hôm nay (8-7): Phục hồi nhẹ
Giá vàng thế giới rạng sáng hôm nay (8-7) phục hồi nhẹ sau 2 ngày liên tiếp “lao dốc không phanh”. Trong nước, giá vàng ổn định ở mức gần 68 triệu đồng/ lượng bán ra.
Giá vàng thế giới hôm nay
Giá vàng thế giới rạng sáng nay (8-7) đảo chiều tăng nhẹ sau 2 ngày liên tiếp “lao dốc không phanh” chạm mức thấp nhất trong vòng gần 9 tháng qua. Giá vàng kỳ hạn tháng 8 tăng 0,6 USD USD lên mức 1.739,3 USD/ ounce, vàng giao ngay giao dịch lần cuối ở mức 1.740,7 USD/ ounce, giảm gần 0,8 USD so với rạng sáng ngày trước đó.
Thị trường kim loại quý tăng nhẹ nhờ sự phục hồi của giá dầu thô, đà tăng của đồng USD chững lại và một số nhà đầu tư bắt đáy sau những phiên giảm mạnh. Tuy nhiên, đà phục hồi của kim loại màu vàng bị kìm hãm bởi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng nhẹ.
Giá vàng thế giới rạng sáng hôm nay (8-7) phục hồi nhẹ. Ảnh: Kitco |
Cụ thể, sau chuỗi ngày giảm, giá dầu thô rạng sáng hôm nay tăng trở lại mức 100 USD/ thùng. Trong khi đó, đà tăng của chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đã chững lại quanh mức 107, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã quay trở lại mức trên 3%.
Giá kim loại màu vàng đã mất hơn 300 USD kể từ tháng 3 sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát tăng cao, làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, một loại tài sản không sinh lời.
Trong tuần này, những đồn đoán liên quan đến lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed đã khiến vàng mất đi gần 50 USD chỉ trong 2 ngày. Biên bản cuộc họp tháng 6 của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) đã tiết lộ mối lo ngại của các nhà hoạch định chính sách về việc lạm phát tồi tệ hơn sẽ làm mất đi niềm tin vào khả năng kiểm soát của Fed. Biên bản đã tái khẳng định quyết tâm kiểm soát lạm phát bất chấp những lo ngại về suy tháo và nhấn mạnh khả năng tăng lãi suất 75 điểm cơ bản khác vào cuối tháng này. Điều này gây áp lực mạnh mẽ lên thị trường kim loại quý.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Jeffrey Halley tại OANDA nhận định, dường như các thành viên trong Ủy ban Thị trường mở vẫn tập trung cao độ vào việc kiểm soát lạm phát, ngay cả khi cái giá phải trả là sự suy giảm kinh tế nghiêm trọng.
Dữ liệu được giới đầu tư quan tâm trong tuần này là báo cáo tình hình việc làm của Mỹ trong tháng 6, dự kiến được công bố vào thứ 6. Hiện tại, giới chuyên gia dự báo, số lượng việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp dự kiến sẽ tăng 250.000 việc làm so với mức tăng 390.000 trong báo cáo tháng 5. Báo cáo này được được cho là sẽ quyết định bước đi tiếp theo của Fed trong thắt chặt chính sách tiền tệ.
Giá vàng trong nước hôm nay
Giá vàng trong nước rạng sáng hôm nay (8-7) ít biến động khi hầu hết các cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý trong nước giữ nguyên mức giao dịch của ngày trước đó. Hiện giá vàng trong nước được niêm yết cụ thể như sau:
Vàng thương hiệu DOJI tại khu vực Hà Nội đang mua vào ở mức 67,8 triệu đồng/ lượng và bán ra mức 68,4 triệu đồng/ lượng. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu này đang là 67,9 triệu đồng/ lượng mua vào và 68,4 triệu đồng/ lượng bán ra.
Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 67,85 triệu đồng/lượng mua vào và 68,47 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng.
Giá vàng trong nước rạng sáng hôm nay (8-7) ít biến động. Ảnh: thanhnien.vn |
Vàng Phú Quý SJC đang thu mua mức 67,85 triệu đồng/lượng và bán ra mức 68,4 triệu đồng/lượng. Giá vàng Vietinbank Gold đang là 67,85 triệu đồng/lượng mua vào và 68,47 triệu đồng/ lượng bán ra.
Với giá vàng trong nước ít biến động và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 1.739,1 USD/ounce (tương đương gần 49,3 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới không thay đổi nhiều so với rạng sáng ngày trước đó.
Giá vàng trong nước cập nhật 5 giờ 30 sáng 8-7 như sau:
Vàng | Giá mua vào | Giá bán ra |
DOJI Hà Nội | 67.800.000 VND/ lượng | 68.400.000 VND/ lượng |
DOJI TP Hồ Chí Minh | 67.900.000 VND/ lượng | 68.400.000 VND/ lượng |
SJC TP Hồ Chí Minh | 67.850.000 VND/ lượng | 68.450.000 VND/ lượng |
SJC Hà Nội | 67.850.000 VND/ lượng | 68.470.000 VND/ lượng |
SJC Đà Nẵng | 67.850.000 VND/ lượng | 68.470.000 VND/ lượng |
Phú Quý SJC | 67.850.000 VND/ lượng | 68.400.000 VND/ lượng |
Vietinbank Gold | 67.850.000 VND/ lượng | 68.470.000 VND/ lượng |
Dự báo tiềm năng
Mặc dù thị trường vàng khởi động nửa cuối năm nay với mức giảm xuống dưới mức 1.800 USD / ounce, nhưng Bloomberg Intelligence nhận thấy kim loại quý này vẫn đang tăng cao hơn so với các hàng hóa khác và có khả năng bứt phá.
Theo chiến lược gia hàng hóa cấp cao Mike McGlone của Bloomberg Intelligence, dầu thô là mặt hàng phải đối mặt với nguy cơ đảo chiều lớn nhất trong nửa cuối năm 2022, trong khi vàng nằm trong số ít mặt hàng có thể được hưởng lợi và có khả năng sẽ quay trở lại mức 2.000 USD / ounce.
Sau khi xem xét tất cả các dữ liệu, McGlone lưu ý rằng, vàng đã sẵn sàng để bứt phá, trong khi đó các loại hàng hóa khác có nguy cơ đảo chiều trượt khỏi mốc cao nhất đạt được trong thời gian gần đây. Chuyên gia này cho rằng, kim loại màu vàng sẽ tỏa sáng hơn so với kim loại công nghiệp trong thời gian còn lại của năm 2022 khi tăng trưởng toàn cầu giảm.
Ở góc độ vĩ mô, Bloomberg Intelligence nhận định lạm phát sẽ chậm lại vào cuối năm nay do thị trường chứng khoán tiếp tục giảm và hàng hóa, bao gồm dầu và kim loại công nghiệp giảm.
McGlone lưu ý, kỳ vọng thắt chặt của Fed gia tăng bất chấp sự suy thoái trên thị trường chứng khoán và đồng (vốn được coi là một chỉ số lạm phát/kinh tế) cho thấy rủi ro lớn hơn về sự đảo ngược giá cả hàng hóa rộng rãi.
Chuyên gia này giải thích, sự đảo ngược giá cả đối với các loại hàng hóa là điển hình sau khi giá neo ở mức cao trong một thời gian dài. Vào cuối tháng 6, giá cả các kim loại công nghiệp, bông, lúa mì và gỗ xẻ đã bắt đầu hạ nhiệt. Ông cho rằng, việc các ngân hàng trung ương cảnh giác với chống lại lạm phát trong bối cảnh giá cổ phiếu giảm sẽ giúp tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu và tâm lý người tiêu dùng.
Ý kiến ()