Giá trị thực tiễn của đề tài nghiên cứu bệnh COPD tại Lạng Sơn
Cán bộ y tế Bệnh viện Lao Lạng Sơn tuyên truyền về tác hại của bệnh COPD và cách phòng, điều trị cho bệnh nhân
COPD hành hạ người bệnh
Ông Lường Văn Bẹo, 73 tuổi, trú tại thôn Bản Chu, xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình đang điều trị tại Khoa Bệnh phổi, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Lạng Sơn (gọi tắt là Bệnh viện Lao Lạng Sơn). Mắc căn bệnh COPD, ông luôn trong tình trạng ho, khạc đờm kéo dài kèm theo khó thở. Ông Bẹo kể: “Đây là lần thứ 2 tôi vào điều trị tại viện này. Theo bác sỹ, bệnh này có nguyên nhân từ hút nhiều thuốc lá. Trước đây tôi từng nghiện nặng thuốc lá. Trung bình mỗi ngày hút 60 điếu (thuốc lá tự cuốn). Thật khổ sở vì khi ho đau rát họng, đau phổi, thở khó. Lúc nguy kịch không có người phát hiện sẽ có thể dẫn đến tắt thở, tử vong”.
Đây chỉ là 1 trong 186 bệnh nhân mắc COPD được theo dõi lũy tích từ năm 2014 đến nay tại Bệnh viện Lao Lạng Sơn. Trong số này có những bệnh nhân điều trị dài ngày thậm chí điều trị quanh năm trong viện, thường xuyên phải thở ô xi. Bác sỹ Ma Thị Thơm, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao cho biết: đa số bệnh nhân vào đây là những trường hợp bệnh nặng (giai đoạn III, IV). Ho, khạc đờm nhiều kèm theo khó thở. Bệnh nhân phải gắng sức để thở, thở nặng, thở hổn hển và phải được hỗ trợ bằng thở ô xi và các phương pháp điều trị tích cực khác. Hiện nay, tại Bệnh viện đang có hơn 20 bệnh nhân COPD cấp cứu, 5 bệnh nhân điều trị quanh năm và hơn 20 bệnh nhân mới điều trị.
Nghiên cứu và khả năng áp dụng
Từ thực trạng bệnh COPD trong tỉnh, năm 2011, Bệnh viện Lao thực hiện đề tài “Đánh giá tình hình COPD và giải pháp phòng chống tại Lạng Sơn”. Đề tài được nghiên cứu thực hiện với 1.440 người dân từ 40 tuổi trở lên tại 20 xã trong toàn tỉnh. Qua điều tra phát hiện 66 người mắc COPD (chiếm tỷ lệ 4,6%). Trong đó, tỷ lệ mắc là nam giới chiếm ¾, nữ giới chiếm ¼. Qua nghiên cứu cho thấy việc hút thuốc lá, thuốc lào và hít khói thuốc một cách thụ động là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới mắc bệnh COPD.
Bác sỹ Phan Thanh Huy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung tâm (ĐKTT) tỉnh, chủ nhiệm đề tài cho biết: trong tổng số 66 người phát hiện mắc COPD thì có gần 70% mắc ở giai đoạn I và II (giai đoạn chưa ảnh hưởng đến toàn trạng). Ở giai đoạn này có thể điều trị được giúp cho bệnh nhân không phát triển bệnh lên giai đoạn III và IV. Do đó, đây sẽ là cơ sở quan trọng cho việc can thiệp triển khai phòng và tăng cường quản lý điều trị người mắc COPD.
Tại buổi thẩm định đề tài vào ngày 10/11/2015, các thành viên hội đồng khoa học công nghệ đều đánh giá cao tính thực tiễn của đề tài. Đề tài đưa ra được nguyên nhân và những khuyến nghị trong phòng, chống căn bệnh COPD đối với người dân, người bệnh, ngành y tế và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh.
Qua tìm hiểu được biết, song song với thời gian thực hiện đề tài và cho đến nay, nhiều hoạt động giảm tác hại bệnh COPD đã được diễn ra. Cụ thể từ năm 2011, Bệnh viện Lao Lạng Sơn đã thành lập 1 câu lạc bộ (CLB) “Nhịp thở cuộc sống” với gần 200 hội viên. Đến nay, CLB vẫn duy trì sinh hoạt từ 4-6 lần/năm. Đồng thời dự án phòng chống hen/COPD đang được triển khai thực hiện tại Bệnh viện Lao và Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh. Dự án cũng đang được mở rộng đến huyện Bắc Sơn, Hữu Lũng. Qua đó, bệnh nhân mắc COPD được theo dõi bệnh; cấp thuốc; hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh khi biến chứng nặng, phương pháp phục hồi chức năng… Thời gian tới, Bệnh viện Lao sẽ triển khai chương trình cai nghiện thuốc lá; Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh sẽ thành lập CLB dành cho bệnh nhân COPD và một số chương trình giảm tác hại khác.
Ý kiến ()