Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp trong quý 1 tăng 6,5%
Ngành công nghiệp quý 1 đạt mức tăng khá 6,5%, đóng góp lớn nhất từ khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất tăng trưởng ổn định, tuy nhiên ngành khai khoáng vẫn giảm sâu.
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý 1/2020 tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,45%, đóng góp 2,37 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Tiếp đến, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,5%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm.
Ngoài ra, ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,78%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm. Tuy nhiên, ngành khai khoáng tiếp tục giảm sâu 8,24%, do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm mạnh, làm giảm 0,36 điểm phần trăm mức tăng chung.
Thông tin trên được Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố ngày 29/3.
Báo cáo cho biết về công dụng sản phẩm công nghiệp, chỉ số sản xuất sản phẩm trung gian (phục vụ cho quá trình sản xuất) trong quý đã tăng 8% so với năm trước. Bên cạnh đó, sản phẩm phục vụ cho sử dụng cuối cùng tăng 3,8% (trong đó sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng của dân cư tăng 0,9%).
Nổi bật, chỉ số sản xuất quý 1 một số ngành trọng điểm thuộc các ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ, trong đó sản xuất kim loại tăng 30,9%, sản xuất đồ uống tăng 16,9%, hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu tăng 15,5%… Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực có mức tăng cao trong quý, như thép cán tăng 54%, linh kiện điện thoại tăng 47,9%, ti vi các loại tăng 30,9%…
Đáng chú ý, về hoạt động tiêu thụ của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, riêng trong tháng Ba, chỉ số này đã tăng 24,1% so với tháng Hai và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Kéo theo tính chung trong quý 1, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,8% so với cùng kỳ (quý 1/2020 tăng 2,8%). Song bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm, như in, sao chép bản ghi các loại sụt 16,6%, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học xuống 13,5%…
Song, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2021 tăng 22,5% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2020 tăng 24,9. Như vậy, tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý 1 đạt 75,1% (cùng kỳ năm trước là 78,4%). Trong đó, một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao như chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa là 127,5%, dệt 121,9%, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) 113,7%, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 109,8%./.
Ý kiến ()