Giá trị sâu sắc của tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về quản lý giáo dục
Theo GS-TS Phạm Quang Trung, tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý giáo dục là hệ thống quan điểm phong phú, sâu sắc và toàn diện, định hướng cho nền giáo dục Việt Nam phát triển và đạt nhiều thành tựu.
Ngày 26/8, tại Hà Nội, Học viện Quản lý Giáo dục phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học Tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý giáo dục.
Chủ trì Hội thảo khoa học có Giáo sư-Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; Quyền Giám đốc, Tổng Biên tập, Chủ tịch Hội đồng Biên tập-Xuất bản, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Phạm Chí Thành; Giáo sư-Tiến sỹ Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Quyền Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Phạm Chí Thành nhấn mạnh, Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm sâu sắc, toàn diện về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là sự kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, là sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta.
Trong hệ thống tư tưởng của Người, vấn đề giáo dục, quản lý giáo dục được đề cập sâu sắc và có giá trị thực tiễn lâu bền.
Người đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, với nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, là động lực của sự phát triển, đưa nước nhà tiến tới giàu mạnh, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo cho công tác giáo dục, xác định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu;” thực hiện “nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, hệ thống trường lớp và hệ thống quản lý giáo dục;” triển khai “giáo dục cho mọi người,” “cả nước thành một xã hội học tập…”
Theo ông Phạm Chí Thành, hiện nay, đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra nhiều thời cơ và cả những thách thức cho đất nước nói chung và cho ngành Giáo dục nói riêng.
Điều này đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc đẩy mạnh phát triển giáo dục-đào tạo là động lực lớn để thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu và vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý giáo dục vào thực tiễn tổ chức, xây dựng nền giáo dục Việt Nam là vấn đề có ý nghĩa vừa cấp thiết vừa lâu dài.
Phát biểu tại Hội thảo, Giáo sư-Tiến sỹ Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục cho biết, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 100 bài viết và lựa chọn hơn 70 tham luận có chất lượng để in trong Kỷ yếu.
Các tác giả là các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, nghiên cứu, cán bộ giảng dạy ở nhiều cơ quan, đơn vị học viện, nhà trường.
Mỗi bài viết nghiên cứu về một vấn đề khác nhau dưới các góc độ khác nhau, nhưng tựu trung lại là các vấn đề nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, quản lý giáo dục và việc vận dụng tư tưởng của Người vào thực tiễn công tác quản lý giáo dục ở nước ta hiện nay.
Theo Giáo sư-Tiến sỹ Phạm Quang Trung, tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý giáo dục là hệ thống quan điểm phong phú, sâu sắc và toàn diện; đã định hướng cho nền giáo dục Việt Nam phát triển suốt hơn nửa thế kỷ qua, đạt được những thành tựu rất quan trọng.
Trong thời kỳ đổi mới, với sự nỗ lực của toàn Đảng và toàn dân, quy mô giáo dục tiếp tục phát triển, hoàn thành mục tiêu mở mang dân trí, đào tạo ra thế hệ công dân tốt, cán bộ tốt thừa kế xứng đáng sự nghiệp cách mạng, làm cho đất nước giàu mạnh và văn minh.
Giáo sư-Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, một người thầy vĩ đại là người thầy có thể truyền cảm hứng cho học sinh của mình và Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người thầy vĩ đại nhất trong nền giáo dục của Việt Nam.
“Người là bậc thầy về về phương pháp giáo dục và là tấm gương mẫu mực trong văn hóa ứng xử. Điểm nổi bật trong di sản Hồ Chí Minh về giáo dục là đạo đức và thực hành đạo đức. Đây là nền tảng và hướng đích của giáo dục, đặc biệt là giáo dục trẻ em,” Giáo sư-Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo khẳng định.
Bởi thế, xét trên lĩnh vực phương pháp, Hồ Chí Minh là sự thống nhất biện chứng giữa tư tưởng với đạo đức, phương pháp và phong cách trong chỉnh thể hoạt động lý luận và thực tiễn của Người.
Các tham luận được trình bày tại Hội thảo đều khẳng định, đặc điểm nổi bật trong quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức và lãnh đạo sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam là Người luôn sáng tạo và đổi mới trên cơ sở nắm vững phương pháp luận duy vật biện chứng và tình hình thực tiễn thế giới.
Tư tưởng sáng tạo và đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện thông qua các hoạt động cụ thể của Người trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó giáo dục là một lĩnh vực tiêu biểu.
Tư tưởng sáng tạo và đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc; đặc biệt là đối với công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo…/.
Ý kiến ()