Giá trị nổi bật mang tính toàn cầu của nền văn hóa Óc Eo - Ba Thê
Kể từ năm 1944 đến nay, bất cứ ai quan tâm nghiên cứu lịch sử-văn hóa Việt Nam đều biết tới văn hóa Óc Eo thế kỷ 1 đến thế kỷ 7 sau Công nguyên ở khu vực Nam Bộ (cụ thể là hai tỉnh An Giang, Kiên Giang) và công trình “Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Công” của Louis Mallerer, công bố năm 1959-1963.
Vậy nhưng, để hiểu diện mạo đích thực của nền văn hóa này thật là khó khăn, bởi chúng ta có rất ít công bố khoa học với các mô tả chuẩn và các phụ lục chuẩn. Ở vào thời điểm năm 2002 mới có công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Lê Thị Liên (Viện Khảo cổ học) đạt được yêu cầu này, còn đa số chỉ là các công trình nhiều chữ mô tả với những minh họa chất lượng không bảo đảm cho việc hiểu được một cách tương đối về một di tích khảo cổ học.
Nói như vậy để thấy rằng, giới khảo cổ học Việt Nam đánh giá cao công trình “Văn hóa Óc Eo-Những phát hiện mới về khảo cổ học tại di tích Óc Eo-Ba Thê và Nền Chùa năm 2017-2020” của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Qua ấn phẩm đã cho người dân Việt Nam cũng như học giả quốc tế một cái nhìn tổng quát về nền văn hóa Óc Eo. Từ đó phát hiện một địa tầng văn hóa dày dặn, niên đại trải dài liên tục. Đây là điều quan trọng hàng đầu của bất cứ một công trình khoa học nào; đồng thời là một địa tầng trong mơ của khảo cổ học Việt Nam và nước ngoài đối với văn hóa Óc Eo.
Du khách tham quan không gian trưng bày hiện vật trong Nhà trưng bày Văn hóa Óc Eo tại An Giang (ảnh chụp trước tháng 4-2021). |
Tại một hội nghị đánh giá giá trị của các cuộc khai quật năm 2017-2020, tôi cũng đã sơ bộ hệ thống, đánh giá giá trị của việc nghiên cứu địa tầng lần này trong bối cảnh khu vực. Đã phát hiện một hệ thống di tích phong phú trải dài theo các thời kỳ lịch sử văn hóa, bao gồm các dấu tích: Tường bao, nhiều móng nền kiến trúc đền miếu, dấu tích kiến trúc nhà sàn bị đổ sập, dấu tích các cột nhà sàn còn nguyên vị trí từ ngày khởi dựng, dấu tích đường đi lối lại, giếng nước vuông, giếng nước tròn, hồ nước, đường nước, dấu tích các lung lớn, lung nhỏ… Phát hiện một hệ thống di vật khá phong phú với nhiều loại hình chất liệu và kiểu dáng khác nhau như: Vật liệu kiến trúc gạch, ngói, gỗ, đá, đồ gốm Óc Eo, đồ gốm quốc tế, đồ đồng, đồ vàng, đồ trang sức thủy tinh, đồ thờ… Những di vật này nếu được khai thác thật tốt, thật kỹ sẽ thổi hồn làm lung linh thêm hệ thống di tích văn hóa Óc Eo.
Dù mới chỉ bước đầu nhưng các nhà nghiên cứu của 3 đơn vị (Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Khảo cổ học và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) đã tiếp cận các giải pháp công nghệ hiện đại và tăng cường nghiên cứu so sánh, giúp người xem nhận ra được nhiều vấn đề về di tích, di vật mà trước đây nhìn chung còn rất lờ mờ.
Tôi đặc biệt hứng thú với các bức ảnh giới thiệu vết tích nhà sàn và việc các nhà nghiên cứu cố gắng bước đầu tái hiện hình thái kiến trúc nhà sàn của văn hóa Óc Eo. Điều đó cho phép hình dung đời sống xưa của cư dân Óc Eo cùng môi trường sống cụ thể của họ. Đây chính là minh chứng sinh động cho tiêu chí 5-tiêu chí giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản nếu như trong thời gian tới Việt Nam xây dựng hồ sơ Di sản thế giới về văn hóa Óc Eo tại Ba Thê-Óc Eo. Các phân tích vi mô bằng phương pháp khoa học tự nhiên hiện đại về đồ thủy tinh đang đem lại nhận thức rất sâu về giá trị của loại di vật này, với việc định rõ đâu là các loại hạt sản xuất tại chỗ, đâu là các loại hạt nhập khẩu từ La Mã, đâu là hạt nhập từ Ấn Độ. Cũng vậy, việc nghiên cứu so sánh rộng đã cho phép nhận diện tại khu di sản có một bộ phận đồ gốm được du nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Á.
Đặc biệt hơn cả, kết quả khai quật đã đem lại cho đất nước thêm hai Bảo vật quốc gia đã được Chính phủ công nhận năm 2021, gồm: Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc bằng đá granite có niên đại thế kỷ 3-4, được phát hiện trong cuộc khai quật khảo cổ ở di tích Linh Sơn Bắc năm 2019, thuộc Quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê và nhẫn Nandin Giồng Cát bằng vàng có niên đại thế kỷ 5, được phát hiện trong cuộc khai quật tại di tích Gò Giồng Cát năm 2018. Đây là những di vật vừa có giá trị nghệ thuật, kỹ thuật cao, vừa phản ánh đời sống văn hóa tôn giáo của cư dân Óc Eo. Những kết quả này có thể cho phép biện luận tiêu chí nổi bật toàn cầu thứ hai: Tiêu chí giao thoa văn hóa khi chúng ta được phép của Việt Nam và quốc tế xây dựng hồ sơ Di sản thế giới về văn hóa Óc Eo.
Tổng quan các kết quả của đợt nghiên cứu, tuy chỉ trong thời gian rất ngắn (từ năm 2017-2020), nhưng do có sự phối hợp chỉ đạo ở tầm quốc gia đã làm cho chúng ta có thể hình dung rõ hơn rất nhiều quá trình phát triển, hưng thịnh và suy tàn của văn hóa Óc Eo. Đó là diện mạo của một thành thị cổ, là bóng dáng của một trong 12 cảng thị cổ quốc tế, một khu vực kinh tế-văn hóa lớn vào bậc nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á vào khoảng thế kỷ từ 1 đến 7 sau Công nguyên.
Di tích Nền Chùa (Kiên Giang) trong quần thể khảo cổ học Văn hóa Óc Eo Nam Bộ. Ảnh: Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo. |
Từ đề án, chúng ta bước đầu hình dung được cụ thể hơn diện mạo của khu di sản với một trung tâm lớn (trung tâm Ba Thê-Óc Eo) kết nối với nhiều trung tâm vệ tinh (kiểu trung tâm Nền Chùa), một thành thị có nơi ở chủ yếu là nhà sàn ven kênh rạch khá đông đúc của nhiều thị dân, có các trung tâm Phật giáo, Ấn Độ giáo rất lớn; một thành thị có giao thương kết nối sôi động ngay trong cùng khu vực với Trung Bộ, Bắc Bộ Việt Nam nhưng cũng hết sức rộng rãi đến các vùng xa của thế giới như Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc, Trung Cận Đông, La Mã.
Bên cạnh đó, việc thực hiện đề tài và công trình cũng khơi gợi cho các nhà hoạch định chính sách khoa học, chính sách quản lý văn hóa, các nhà khảo cổ học suy nghĩ thêm nhiều về việc làm thế nào để có các quy định cụ thể cho việc nghiên cứu, phát huy tốt giá trị của các công trình nghiên cứu khảo cổ học, từ việc đầu tư nghiên cứu cho đến việc đầu tư phát huy giá trị. Điều đó càng có ý nghĩa trong bối cảnh chúng ta vừa chứng kiến Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, với những chỉ đạo cực kỳ đúng đắn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Không nghiên cứu bảo vệ tốt di sản là có tội với tổ tiên và dân tộc!”.
Ngày 23-1-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 115/QĐ-TTg về việc Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê. Theo đó, tổng diện tích quy hoạch là 433,2ha. Ngày 4-1-2022, UNESCO chính thức đưa hồ sơ Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê vào danh sách dự kiến lập hồ sơ Di sản văn hóa thế giới. Hồ sơ di sản khẳng định những giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học tiêu biểu cho một trong những nền văn minh cổ đại đã biến mất. |
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()