Giá trị nhân văn của văn hoá Hồ Chí Minh
LSO-Sự nghiệp văn hoá của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng phong phú và cao đẹp, bao gồm văn hoá chính trị, văn hoá đạo đức, văn hoá giao tiếp ứng xử, văn hoá khoan dung, văn hoá giáo dục.... Giáo sư Song Thành nhận xét: “Văn hoá Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn những giá trị văn hoá cổ truyền của dân tộc với những yếu tố tích cực trong văn hoá phương Đông, văn hoá các tôn giáo, văn hoá dân chủ - cách mạng phương Tây, văn hoá mác xít,... để toả thành văn hoá tiên tiến, mang những giá trị nhân văn sâu sắc, vốn là nội dung cốt lõi của văn hoá nhân loại”.
Đồng chí Vy Văn Thành, Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW |
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một di sản văn hoá phong phú và cao đẹp, trong đó có: Văn hoá chính trị Hồ Chí Minh là văn hoá yêu nước, thương dân, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc của nhân dân. Văn hoá đó ngời sáng tư tưởng lớn “lấy dân làm gốc”, kết tinh những giá trị của các học thuyết trị nước tiến bộ mà các bậc anh hùng dân tộc, các minh quân, các lương tướng đã theo đuổi trong lịch sử dân tộc và nhân loại. Chính vì vậy, văn hoá chính trị Hồ Chí Minh mang nhiều giá trị nhân văn cao quý của vị lãnh tụ cách mạng, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn như UNESCO – Tổ chức giáo dục, khoa học, văn hoá của Liên hiệp quốc đã vinh danh.
Văn hoá đạo đức Hồ Chí Minh là văn hoá hướng con người đến chân, thiện, mỹ, khuyến khích, cổ vũ, thúc đẩy con người làm việc thiện, điều thiện, giáo dục con người sống yêu thương nhau, có nghĩa có tình với nhau, sống trong sạch, đứng đắn, cần cù, giản dị, khiêm tốn, biết kết hợp hài hoà lợi ích chung với lợi ích riêng, đừng vì lòng tham muốn vật chất danh lợi mà tranh giành nhỏ nhen, ám hại nhau, đừng tham nhũng đục khoét nhân dân, đừng kéo bè kéo cánh làm việc xấu, việc ác. Văn hoá đạo đức Hồ Chí Minh như vậy, tướng Van – luy, một người từng đối đầu với Hồ Chí Minh cũng đã thừa nhận: “ hoàn toàn xả thân vì nhiệm vụ, không một chút lợi riêng tư, dưới con mắt những người chung quanh và những người đối thoại, Hồ Chí Minh là một con người đức độ”. Văn hoá ứng xử Hồ Chí Minh cực kỳ lịch thiệp, nhã nhặn, tinh tế, có lý có tình, có sức thuyết phục, cảm hoá, tranh thủ được trái tim, khối óc của con người, làm cho những người đối đầu và làm cho kẻ thù cũng phải khâm phục, kính nể. Nói về văn hoá ứng xử Hồ Chí Minh, trong quyển sách “Hồ Chí Minh chân dung đời thường” tác giả Bá Ngọc đã kể mẩu chuyện: năm 1946, trên đường từ Pháp về Việt Nam đến vùng biển Cam Ranh, Bác Hồ nhận được bức điện của Đô đốc Đác -giăng- ly- ơ, xin gặp Bác trong cảng, mục đích của chúng là giễu võ dương oai để uy hiếp tinh thần Bác. Trong bộ quần áo giản dị, Bác Hồ ngồi giữa một bên là Đô đốc hải quân Pháp, bên kia là Thống soái lục quân Pháp với những bộ quân phục sáng loáng, các thứ bội tinh, quân hàm, quân hiệu. Đác-giăng-ly-ơ, giọng mỉa mai bóng gió: “Thưa ông Chủ tịch, ông đã được đóng bộ khung rất đẹp, của hải quân và lục quân đó”. Với văn hoá ứng xử của mình, Bác Hồ mỉm cười và nói: “Đô đốc biết đó, giá trị là ở bức hoạ chứ không phải bộ khung. Chính bức hoạ đem lại giá trị cho bộ khung”. Trước ứng xử mẫn tiệp như thế của Bác Hồ, bọn chúng kính phục Bác Hồ không dám xách mé nữa.
Văn hoá khoan dung Hồ Chí Minh là sự kết tinh truyền thống nhân ái, độ lượng Việt Nam. Kế thừa và phát triển những giá trị khoan dung của dân tộc và nhân loại, Hồ Chí Minh nâng văn hoá khoan dung lên một tầm cao mới, được xây dựng trên cơ sở lòng nhân ái, trân trọng mọi giá trị văn hoá nhân loại, chấp thuận giao lưu và đối thoại bình đẳng về giá trị để đạt tới cái chung, cái tiến bộ cùng tồn tại và phát triển. Với văn hoá khoan dung, Hồ Chí Minh trong khi chống thực dân Pháp xâm lược, vẫn đề cao những giá trị của văn hoá Pháp, trong khi chống đế quốc Mỹ vẫn ca ngợi truyền thống văn hoá dân chủ và cách mạng Mỹ. Văn hoá giáo dục Hồ Chí Minh lấy mục tiêu dạy và học để mở mang dân trí, để bồi dưỡng lý tưởng đúng đắn, tình cảm cao đẹp, phong cách tốt đẹp cho con người. Hồ Chí Minh chỉ rõ: Giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, học là quyền và nhiệm vụ của mọi người, học để làm việc, làm người, làm cán bộ có đức có tài, để kế tục sự nghiệp cách mạng, làm cho nước ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Khẳng định những giá trị nhân văn cao đẹp và tác dụng giáo dục to lớn của văn hoá Hồ Chí Minh, ngày nay, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, chúng ta càng ra sức học tập, quán triệt, vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá để xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà Nghị quyết Trung ương 5, khoá VIII đã đề ra.
VĂN HOA
Ý kiến ()