Giá trị Cách mạng Tháng Mười Nga và bài học về “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ
LSO-Một trăm năm đã trôi qua, nhưng cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại vẫn luôn là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử nhân loại, khẳng định vai trò to lớn, quyết định của Đảng Cộng sản Nga dưới sự lãnh đạo thiên tài của V.I.Lênin, đã biến chủ nghĩa xã hội thành hiện thực, mở ra thời đại mới – thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tổ chức hội thảo khoa học “Cách mạng Tháng Mười Nga – Giá trị và bài học lịch sử” – Ảnh: PHÙNG KHIÊM |
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã ảnh hưởng đến việc hình thành tư tưởng về con đường cứu nước giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã giành được nhiều thắng lợi rực rỡ, vẻ vang, mang ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã giành được nhiều thành tựu, nâng cao vị thế của mình trong khu vực và trên thế giới. Đánh giá những thành công đó, Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”.
Cách mạng Tháng Mười Nga đã có ảnh hưởng sâu rộng đối với toàn bộ tiến trình lịch sử thế giới cũng như sự nghiệp cách mạng của Việt Nam trong suốt thế kỷ XX và cho đến ngày nay. Vì vậy, khi Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ đã làm cho chủ nghĩa xã hội lâm vào thoái trào. Nguyên nhân chính của sự sụp đổ về cơ bản xuất phát từ trong công tác xây dựng Đảng. Ở nhiều nước đã xa rời nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới của V.I.Lênin, biến Đảng Cộng sản thành tổ chức độc quyền, một số cán bộ lãnh đạo cao cấp trở thành kẻ độc tài, từng bước xa rời, phản bội lại chủ nghĩa Mác-Lênin, từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ. Đảng ngày càng mất dần bản chất giai cấp công nhân, đưa những người có lập trường chính trị khác vào Đảng. Trong số đó, không ít những người chống cộng sản nắm được các chức vụ cao trong Đảng Cộng sản. Chiếm số đông là những phần tử tiểu tư sản không có lý tưởng.
Sự sụp đổ và tan rã của Liên Xô chủ yếu là do những sai lầm nghiêm trọng về chiến lược của Đảng Cộng sản Liên Xô, trước hết là trong công tác cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt cấp chiến lược. Ngay từ những năm 80 của thế kỷ XX, ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô đã không tỉnh táo và kiên quyết đấu tranh loại bỏ những phần tử cơ hội, thực dụng trong đội ngũ cán bộ chủ chốt. Ngoài ra, những sai lầm, khuyết điểm về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên đóng vai trò không nhỏ cho sự sụp đổ, tan rã của Liên Xô.
Sự sụp đổ của Liên Xô là bài học sâu sắc, quý giá cho các Đảng Cộng sản cầm quyền như Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Nếu chúng ta không chủ động phòng ngừa, không ngăn chặn kịp thời thì cán bộ, đảng viên và quần chúng sẽ dễ bị tác động, phân hoá, tạo ra những hiệu ứng tiêu cực về mặt tư tưởng chính trị.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng ta đã nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn”. Chính vì vậy, Đảng ta đã xác định: Việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ là nhiệm vụ vừa cơ bản lâu dài, vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt. Một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội XII đã chỉ ra, đó là: “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, gần gũi, gắn bó với nhân dân ngang tầm nhiệm vụ. Tiếp đến Hội nghị Trung ương 4 (Khoá XII) đã ra Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; trong đó đã chỉ ra 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Một trong những nguy cơ, thách thức lớn nhất đối với Đảng và chế độ ta là “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Trước bài học sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, Đảng ta cần rút kinh nghiệm sâu sắc, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi một cách có hiệu quả, triệt để sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên để củng cố niềm tin trong nhân dân, cùng nhau giành chiến thắng vẻ vang trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phát huy những giá trị vĩ đại mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã đem đến cho nhân loại.
NÔNG ĐỨC VINH
Ý kiến ()