Giá thức ăn tăng, ngành chăn nuôi khốn đốn
Những tháng đầu năm 2013, ngành chăn nuôi gặp khó khăn do sức mua yếu, khiến sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) trong nước đã khó lại càng thêm khó.
Những tháng đầu năm 2013, ngành chăn nuôi gặp khó khăn do sức mua yếu, khiến sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) trong nước đã khó lại càng thêm khó.
Ðối mặt nhiều thách thức
Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi (VFA) Lê Bá Lịch cho biết, hiện tại mặc dù đang là thời kỳ tái đàn, khôi phục chăn nuôi sau Tết, nhưng mức tiêu thụ TĂCN của các doanh nghiệp tính bình quân giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Riêng năm 2012, 40 trong số 234 doanh nghiệp TĂCN buộc phải giải thể; Trong số 194 doanh nghiệp còn lại, có rất nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, hoạt động một cách cầm chừng. Ðáng chú ý, 95 nhà máy đạt sản lượng thấp (dưới 10 nghìn tấn và 10-20 nghìn tấn/năm) đều thuộc doanh nghiệp trong nước (chiếm 48%), còn loại hình nhà máy đạt sản lượng hơn 50 nghìn tấn/ năm trở lên phần lớn thuộc chủ sở hữu của doanh nghiệp FDI và các liên doanh. Nhìn ềbề nổiể, đó là do giá sản phẩm chăn nuôi đang sụt giảm, nhiều hộ chăn nuôi bỏ trống chuồng, “cầu” ít khiến “cung” cũng giảm theo, song nguyên nhân sâu xa vẫn là do ngành chăn nuôi hiện đang phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Theo thống kê, năm 2012, để sản xuất được khoảng 12,7 triệu tấn thức ăn cho gia súc, gia cầm và 2,8 triệu tấn thức ăn nuôi trồng thủy sản thì các doanh nghiệp phải nhập khẩu khoảng tám triệu tấn nguyên liệu, trị giá hơn ba tỷ USD. Những loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm như đậu tương, khô dầu đậu tương phải nhập khẩu 70-80%. Các loại phụ gia, primex, axít amin phải nhập 100% do trong nước chưa sản xuất được. Vì vậy, khi thị trường TĂCN thế giới biến động về cung và cầu, ngay lập tức ảnh hưởng tới thị trường trong nước. Mặt khác, so với các nước trong khu vực, giá bán các loại TĂCN ở nước ta luôn cao hơn khoảng 20%. Ðây là một trong những nguyên nhân khiến người chăn nuôi bị thua lỗ trong thời gian qua bởi TĂCN hiện chiếm tới 65-70% giá thành chăn nuôi.
Bên cạnh việc phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp còn cho rằng những bất cập trong quản lý (liên quan kiểm dịch, thủ tục kiểm tra chất lượng nguyên liệu nhập khẩu) càng làm tăng giá thành TĂCN, mà cuối cùng người chăn nuôi lại phải gánh chịu. Như việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có quy định sai số cho phép trong giám định kết quả phân tích (nên thiếu hay thừa dù chỉ 0,05% theo tiêu chuẩn là bị phạt). Ngoài ra, việc thay đổi thuế suất nhập khẩu từ 0% (dành cho các chế phẩm trong chăn nuôi động vật, chất bổ sung thức ăn) sang 5% (dành cho hỗn hợp chất thơm dùng sản xuất đồ uống) khiến nhiều doanh nghiệp càng thêm khó khăn vì bị truy thu thuế… Theo ông Lê Bá Lịch, giá nguyên liệu trước khi nhập về các cảng của Việt Nam và Trung Quốc không hề chênh nhau, nhưng sau khi qua cảng là hành trình dài gánh hàng loạt phí. Do các thủ tục rườm rà làm đội giá thành TĂCN. Ông Lê Quang Thành, Giám đốc Công ty cổ phần TĂCN Thái Dương, than thở: “Thật sự, bất đắc dĩ lắm chúng tôi mới phải nhập lúa mì từ Ấn Ðộ, nhưng mỗi lần hàng về là lo lắm. Ðể làm các thủ tục kiểm tra chất lượng và “đánh” mọt, cũng phải mất cả tháng trời. Theo đó, các phí tổn lưu kho, lưu bãi… cũng làm mỗi kg thức ăn tăng lên hàng nghìn đồng. Chưa kể nếu phát hiện thấy một xác ấu trùng là có thể bắt tái xuất hàng, trong khi tiền thì đã trả”. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất “khát” vốn để nhập nguyên liệu, mở rộng thị trường, nhưng lãi suất vốn vay cao, song các doanh nghiệp cũng rất khó khăn khi tiếp cận với nguồn tín dụng này.
Hạ giá thành để thúc đẩy sản xuất
Ðể giải quyết khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nhiều doanh nghiệp phải tìm mọi cách để giảm giá thành, chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi. Như thực hiện hàng loạt chương trình khuyến mại trực tiếp đến hộ chăn nuôi và thay vì bán hàng qua nhiều cấp đại lý (ở tỉnh, huyện) như trước đây, chỉ tổ chức các đại lý ở cấp xã để bán hàng trực tiếp cho các trang trại. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một trong những giải pháp tình thế. Trên bình diện chung, ngành chế biến TĂCN công nghiệp vẫn rất cần những chính sách đột phá dựa trên một chiến lược phát triển bền vững. Theo kiến nghị của Giám đốc Công ty CP chăn nuôi, chế biến và xuất nhập khẩu Aprocimex Ðoàn Trọng Lý: Nhà nước nên coi TĂCN là mặt hàng thiết yếu cần phải ưu tiên gói hỗ trợ lãi suất và nên bỏ thuế giá trị gia tăng để giảm giá thành đầu vào. Hiệp hội thức ăn chăn nuôi cho rằng, kiểm tra chất lượng sản phẩm TĂCN là cần thiết, là “hàng rào” kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước, song các cơ quan chức năng cũng cần rà soát lại, điều chỉnh các quy định một cách chặt chẽ, đúng nguyên tắc theo hướng đơn giản hóa quy trình kiểm tra, không gây phiền hà cho các doanh nghiệp. Ðơn cử, như thẩm định kết quả phải có sai số cho phép để xử lý một cách hợp lý.
Trước thực trạng thiếu nghiêm trọng nguyên liệu TĂCN như hiện nay, VFA đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch tự sản xuất nguyên liệu bằng cách: chuyển một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô phục vụ chăn nuôi; khuyến khích chế biến bột cá và các ngành hóa nghiên cứu tạo nguyên liệu mới như thức ăn bổ sung, thức ăn phụ gia, mùi, mầu, vị. Ðược biết, theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Chăn nuôi sẽ phối hợp Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khảo sát cơ cấu giá thành, những yếu tố chi phối đến giá của một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh TĂCN. Nói về vấn đề này, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương thẳng thắn: “Nếu chúng tôi phát hiện thấy doanh nghiệp nào có vấn đề về giá, chúng tôi sẽ công khai kịp thời, còn nếu phát hiện thấy doanh nghiệp nào khó khăn thật sự: chi phí đầu vào cao, tỷ suất lợi nhuận quá thấp, chúng tôi sẽ kiến nghị hỗ trợ để giảm giá thành sản phẩm, bằng cách như điều chỉnh các chính sách về thuế, lãi suất vốn vay, giãn nợ… với mục tiêu chung là giảm giá thành sản xuất TĂCN xuống và như vậy doanh nghiệp phải giảm giá bán”.
VỀ lâu dài, cần nhanh chóng quy hoạch tổng thể vùng nguyên liệu TĂCN một cách đồng bộ với quy hoạch phát triển chăn nuôi bền vững và quy hoạch sản xuất TĂCN ổn định. Theo đó, Nhà nước và các tổ chức tín dụng cần có chính sách ưu đãi thích hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư tạo vùng nguyên liệu. Cùng với đó, cũng nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kho tạm trữ nguyên liệu; khuyến khích sử dụng tiến bộ giống, kỹ thuật trong trồng, thu hoạch, sau thu hoạch đối với nguyên liệu sản xuất TĂCN. Tuy nhiên, nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Cần đẩy mạnh việc đầu tư hơn nữa trang thiết bị, nhà xưởng và cần phải liên kết với nhau tạo ra sức mạnh. Cần có sự thay đổi nhận thức về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TĂCN trong việc chung tay phát triển ngành chăn nuôi, bảo vệ lợi ích và chia sẻ rủi ro với người chăn nuôi.
Nhandan
Ý kiến ()