Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao: Người chăn nuôi gặp khó
– Chỉ trong hơn 5 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi đã 4 lần điều chỉnh tăng giá bán. Nếu tính cả năm 2021 đến thời điểm này thì thức ăn chăn nuôi đã 15 lần tăng giá. Chi phí thức ăn chiếm đến 65 – 70% tổng chi đầu tư trong chăn nuôi. Giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục khiến chi phí sản xuất tăng cao, trong khi đó, giá bán gia súc, gia cầm lại giảm khiến người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang đối diện với nhiều khó khăn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, giá thức ăn chăn nuôi tại một số đại lý trên địa bàn tỉnh, vào thời điểm này, giá thức ăn dành cho lợn thịt là 400.000 – 450.000 đồng/bao 25 kg (tùy loại), thức ăn dành cho gà thịt từ 350.000 – 370.000 đồng/bao 25 kg. Bà Đỗ Thị Tình, chủ đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, đại lý đã 4 lần điều chỉnh tăng giá thức ăn chăn nuôi theo giá của công ty phân phối. Theo đó, đối với một số loại cám dành cho lợn tăng từ 1.000 – 1.500 đồng/kg so với thời điểm trước đó, còn cám dành cho gà thì tăng khoảng 4.000 đồng/kg.
Đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn thành phố Lạng Sơn nhập kho dự trữ nguồn hàng
Theo bà Tình, thời gian qua, hàng loạt công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi gửi thông báo đến đại lý phân phối về tăng giá bán. Theo lý giải của các công ty, tăng giá là do giá nguyên liệu đầu vào trong thời gian qua liên tục tăng.
Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng khiến người chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đối diện với nhiều khó khăn. Ông Dương Thế Anh, chủ trang trại nuôi gà (hơn 20.000 con) tại xã Long Đống, huyện Bắc Sơn chia sẻ: Một con gà nuôi từ nhỏ đến khi xuất chuồng tiêu tốn từ 8 – 10 kg cám, đó là chưa tính các loại thức ăn bổ sung. Vào thời điểm cuối tháng 3/2022, giá cám cho gà là 9.800 đồng/kg, thì vừa rồi lại tăng lên 14.000 đồng/kg. Như vậy, riêng chi phí thức ăn cho 1 con gà đã vào 140.000 đồng, trong khi đó, giá gà bán ra trong thời gian này lại giảm từ 3 .000 – 5.000/kg, theo đó, hiện giá bán gà chỉ còn 65.000 đồng/kg (gà khi xuất chuồng nặng khoảng 2,5kg). Như vậy, trừ các chi phí khác thuê nhân công, điện, thuốc thú y… mỗi con gà xuất bán, người chăn nuôi chỉ còn lãi khoảng 10.000 đồng.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Lưu Quang Vũ, quản lý kỹ thuật của Hợp tác xã Chăn nuôi Lùng Khoang (huyện Văn Quan) cho biết: Đợt tăng giá thức ăn chăn nuôi thời điểm đầu tháng 5/2022 đã khiến chi phí đầu tư một đợt nuôi (hiện HTX đang có 1.200 con lợn nái) tăng khoảng 400 triệu đồng. Khi xuất bán, trừ các chi phí, HTX chỉ lãi khoảng 200.000 đồng/con.
Giá thức ăn tăng cao không chỉ khiến người chăn nuôi quy mô lớn, mô hình trang trại gặp nhiều khó khăn mà còn ảnh hưởng rất lớn đến những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ. Bởi đối với những hộ chăn nuôi theo mô hình HTX, trang trại với quy mô lớn thì cơ bản đầu ra ổn định hơn so với những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Chi phí thức ăn chiếm từ 65 – 70% trong tổng chi phí đầu tư chăn nuôi. Việc giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong thời gian qua đã và đang gây khó khăn cho việc phát triển lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Theo nhận định với giá nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn tiếp tục tăng thì giá các loại thức ăn chăn nuôi có thể tăng nữa.
Theo khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, người chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh cần chủ động thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng, chống dịch bệnh có thể xảy ra cho đàn vật nuôi. Cùng đó, người chăn nuôi cần thực hiện các chuỗi liên kết trong chăn nuôi nhằm đảm bảo đầu ra và giá bán sản phẩm ổn định. Đồng thời, để tiết giảm chi phí đầu tư cho chăn nuôi, các hộ chăn nuôi chủ động tận dụng những phụ phẩm nông nghiệp, rau có sẵn để làm thức ăn chăn nuôi. |
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()