Gia tăng tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp
Tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023, sản xuất công nghiệp trong quý I/2024 tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành ước tính tăng 6,18% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm trước giảm 0,73%), đóng góp 2,02 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,98%, đóng góp 1,73 điểm phần trăm.
Mặc dù kết quả sản xuất công nghiệp trong quý I/2024 rất khả quan, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, thách thức tiềm ẩn cần tập trung theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó, như: Lãi suất cho vay còn cao, chưa giảm tương ứng với lãi suất huy động; các thị trường xuất khẩu phục hồi nhưng chưa bền vững; tình trạng nắng nóng gay gắt trên diện rộng do hiện tượng El Nino có thể gây sức ép về bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất;…
Tăng cao trên diện rộng
Vụ trưởng Kế hoạch-Tài chính (Bộ Công thương) Bùi Huy Sơn cho biết, sản xuất công nghiệp tháng 3 tiếp tục cho thấy sự phục hồi tích cực khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng tới 20% so với tháng 2 và tăng 4,1% so với cùng kỳ.
Tính chung quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,7% so với cùng kỳ; trong đó, chế biến, chế tạo đã quay lại trở thành động lực tăng trưởng chính, đóng góp 5,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung toàn ngành công nghiệp.
Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp cũng cho thấy sự phục hồi trên diện rộng khi 54/63 địa phương có chỉ số IIP tăng, trong đó nhiều địa phương thậm chí tăng cao ở mức hai đến ba con số như IIP của Trà Vinh tăng 102%, Khánh Hòa tăng 37%, Bắc Giang tăng 23,9%, Thanh Hóa tăng 20%, Hà Nam tăng 17,2%, Quảng Ninh tăng 14%,…
Sản xuất công nghiệp tháng 3 tiếp tục cho thấy sự phục hồi tích cực khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng tới 20% so với tháng 2 và tăng 4,1% so với cùng kỳ.
Vụ trưởng Kế hoạch-Tài chính (Bộ Công thương) Bùi Huy Sơn
Bên cạnh đó, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I đã tăng 8,2% (cao hơn 2,3 điểm phần trăm so với chỉ số sản xuất), kéo theo chỉ số tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo thời điểm 31/3/2024 ước tính tăng 14,1% so với cùng thời điểm năm trước (thấp hơn nhiều so với mức tồn kho 19,8% cùng thời điểm năm 2023).
Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý I năm 2024 là 68,7%, cũng thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tồn kho cùng kỳ năm 2023 là 81,1%.
Theo Vụ trưởng Bùi Huy Sơn, đạt được những kết quả nêu trên là nhờ sự hiệu quả từ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm; kết quả thu hút, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giúp tăng năng lực sản xuất trong nước; sự phục hồi của thị trường thế giới, dần chuyển sang trạng thái mới, thích ứng với những biến động lớn các năm 2022, 2023; số lượng các đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng;…
Kết quả điều tra xu hướng sản xuất, kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Tổng cục Thống kê cho thấy, các doanh nghiệp dự báo hoạt động sản xuất, kinh doanh quý II khả quan hơn quý I với 82% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh quý II tốt hơn và giữ ổn định so với quý I, chỉ có 18% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh quý II khó khăn hơn quý I năm 2024.
Duy trì đà tăng trưởng
Đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp trong các quý tiếp theo của năm 2024, Vụ trưởng Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) Phí Hương Nga phân tích:
Sản xuất công nghiệp quý I tiếp tục tăng khá nhưng đó là trên nền sản xuất quý I/2023 giảm sâu; tốc độ tăng của quý I năm nay chỉ tương đương với tốc độ tăng của quý I các năm 2020, 2021 (hai năm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19) và thấp hơn tốc độ tăng của các năm trước dịch Covid-19.
Ngoài ra, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2024 tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây (chỉ cao hơn quý I/2023, là năm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng âm), cho thấy sản xuất công nghiệp tuy có tăng nhưng mức độ phục hồi vẫn còn chậm và chưa thực sự khởi sắc. Nhiều ngành công nghiệp đang gặp phải khó khăn chồng chất như ngành sản xuất phương tiện vận tải khác hay sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại vẫn tiếp tục đà giảm trong hai năm liên tiếp.
Mặt khác, hầu hết các địa phương có quy mô công nghiệp lớn đều có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở mức thấp hoặc giảm.
Cụ thể, chỉ số IIP quý I của TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai cùng tăng 5,1%; Bình Dương tăng 3,9%; Hà Nội tăng 3,6%; Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 0,2%; Quảng Ngãi giảm 0,5%; Quảng Nam giảm 2,4%; Bắc Ninh giảm 8,7%.
Để đẩy nhanh tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, Bộ Công thương cho biết sẽ tập trung triển khai Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhất là Quy hoạch điện VIII để khuyến khích đầu tư, phát triển các dự án năng lượng trọng điểm, tạo đà tăng trưởng công nghiệp thời gian tới.
Bộ Công thương cũng đang xây dựng trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội 4 dự thảo Luật, bao gồm: Luật Hóa chất, Luật Điện lực (sửa đổi) đã đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2024; Luật Phát triển công nghiệp trọng điểm và Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả đang đề xuất bổ sung; đồng thời, hoàn thiện, trình Chính phủ xem xét, ban hành hàng loạt cơ chế nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), cơ chế phát triển điện mặt trời áp mái.
Cùng với đó, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, rà soát các tồn đọng để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản...; tập trung cao độ cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các địa phương triển khai các dự án đường dây 500 kV mạch 3 bảo đảm tiến độ, chất lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Phó Cục trưởng Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) Nguyễn Thế Hữu, trước tình hình phụ tải điện tính đến hết tháng 3 tăng trưởng khoảng mức 11,5%, Bộ Công thương đã chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư xây dựng và quán triệt tuyệt đối trong công tác vận hành nhằm bảo đảm cao nhất việc cấp điện cho hoạt động sản xuất. Bộ Công thương khẳng định, năm 2024 sẽ không có tình trạng thiếu điện gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như sinh hoạt của người dân như đã xảy ra vào năm 2023.
Ý kiến ()