Gia tăng nguy cơ vấn đề sức khỏe tâm thần ở người từng mắc COVID-19
Trong vòng một năm, những người bình phục sau khi mắc COVID-19 có nguy cơ mắc mới chứng rối loạn lo âu cao hơn 35%, nguy cơ mắc mới chứng rối loạn trầm cảm cao hơn 39%.
Theo một nghiên cứu mới đăng tải trên tập san y khoa BMJ, căng thẳng tâm lý do đại dịch có thể lan rộng, nhưng những người từng mắc COVID-19 có nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần mới cao hơn nhiều so với những người cố gắng phòng tránh nhiễm bệnh.
Các nhà nghiên cứu đã so sánh gần 154.000 người bình phục ít nhất một tháng sau khi được chẩn đoán nhiễm virus SARS-CoV-2 với hơn 5,6 triệu người không mắc COVID-19 trước đó.
Trong vòng một năm, những người bình phục sau khi mắc COVID-19 có nguy cơ mắc mới chứng rối loạn lo âu cao hơn 35%, nguy cơ mắc mới chứng rối loạn trầm cảm cao hơn 39%, nguy cơ mới sử dụng thuốc chống trầm cảm cao hơn 55%, nguy cơ mắc mới chứng rối loạn sử dụng thuốc có chứa opioid mới cao hơn 34% và nguy cơ mắc mới chứng rối loạn không sử dụng thuốc có chứa opioid cao hơn 20%.
Nhiều bệnh nhân COVID-19 cũng bị chứng “sương mù não” hoặc suy giảm chức năng nhận thức. Nghiên cứu cho thấy họ có nguy cơ bị suy giảm chức năng nhận thức cao hơn 80%, với các triệu chứng như hay quên, lú lẫn và thiếu tập trung.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sỹ Ziyad Al-Aly tại Đại học Washington ở St. Louis nhấn mạnh các phát hiện cho thấy người mắc COVID-19 đang chịu sự gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần, vốn có thể dẫn đến những hậu quả sâu rộng.
Theo ông, “rối loạn sức khỏe tâm thần là một phần của hội chứng COVID-19 kéo dài, có thể ảnh hưởng gần như mọi cơ quan trong cơ thể.”
Tiến sỹ Ziyad Al-Aly cho rằng tất cả những người đang trải qua một hoặc nhiều vấn đề nói trên đều không đơn độc. Tìm kiếm sự trợ giúp là cách tốt hơn cả để sớm phát hiện và điều trị những vấn đề đó.
Theo ông, các nhà hoạch định chính sách và các chính phủ cần lưu tâm vấn đề này “trước khi chúng bùng nổ thành một cuộc khủng hoảng lớn hơn nhiều.”./.
Ý kiến ()