Gia tăng người cao tuổi đột quỵ trong đợt nắng nóng đỉnh điểm
Nắng nóng làm gia tăng thêm nguy cơ mắc các bệnh lý về viêm phổi, rối loạn điện giải, đột quỵ não… Ghi nhận tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, số ca nhập viện tăng cao trong những ngày qua.
Số bệnh nhân tăng gấp ba lần vì nắng nóng
Từ đầu tuần, khu khám bệnh và khu cấp cứu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương đón nhận rất đông bệnh nhân. Theo bác sĩ Trần Đình Thắng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, nắng nóng đỉnh điểm kéo dài tuần qua là nguyên nhân làm tăng nặng thêm bệnh lý cho người cao tuổi.
“Đợt nắng nóng này khiến số bệnh nhân tăng gấp đôi, thậm chí có ngày tăng gấp 3 so với ngày thường. Đột quỵ chiếm 30-40% số bệnh nhân nhập viện, tỷ lệ nặng nhiều hơn trước, do người bệnh chần chừ, đến viện muộn”, bác sĩ Thắng nói.
Theo bác sĩ Thắng, tình trạng bệnh lý của bệnh nhân nhập viện trong thời gian nắng nóng này nặng hơn so với thông thường. Cao điểm có ngày khoa Hồi sức cấp cứu tiếp nhận gần 30 ca, trong đó, khoảng một nửa vào cần có can thiệp cấp cứu hồi sức.
Ngoài các ca đột quỵ, các bác sĩ cũng phải cấp cứu khá nhiều các ca rối loạn điện giải, do trời nắng người già uống nước kém, cộng với mồ hôi ra nhiều làm mất nước. Bên cạnh đó, cũng có không ít ca viêm phổi do thay đổi môi trường đột ngột từ phòng điều hòa lạnh ra ngoài nắng nóng…
Đang nằm điều trị tại Khoa Cấp cứu, người nhà cụ ông N.V.A (75 tuổi, Hà Nội) cho biết, ông có tiền sử mắc các bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường và đang phải uống thuốc điều trị. Buổi sáng trước ngày nhập viện, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng yếu tay chân, cầm nắm đồ vật không chắc như trước, nói khó…
Tuy nhiên, do người trong gia đình đều đi làm nên đến chiều bệnh nhân mới được đưa vào viện cấp cứu. Khi nhập viện, do đã quá thời gian vàng của tai biến, bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê, phải đặt ống nội khí quản và điều trị hồi sức.
Khoảng 2-3 ngày gần đây, bà N.T.H. (72 tuổi, Hà Nội) có dấu hiệu ăn uống kém dần do thời tiết nắng nóng. Vốn mắc đái tháo đường và đang điều trị thuốc nên gia đình chủ quan chỉ để cụ nằm nghỉ ngơi tại nhà.
Tuy nhiên, sau vài ngày nghỉ ngơi vẫn không đỡ mệt, bệnh nhân có biểu hiện lơ mơ, người thân vội đưa đi cấp cứu. Đến lúc này, bệnh nhân đã trong tình trạng gọi hỏi đáp ứng chậm, tăng áp lực thẩm thấu (thiếu dịch), không đo được huyết áp, và rơi vào hôn mê…
Tại bệnh viện, cụ bà được điều trị hồi sức theo phác đồ, truyền dịch, truyền insulin… Sau 2 ngày điều trị tích cực, các chỉ số gần về bình thường, tỉnh táo hơn.
Bảo vệ người cao tuổi trong mùa nắng nóng
Theo bác sĩ Thắng, việc theo dõi các triệu chứng bệnh của người cao tuổi rất quan trọng, đặc biệt là người có bệnh nền.
Do đó, khi phát hiện thấy người cao tuổi trong gia đình xuất hiện các dấu hiệu: nói khó, cầm nắm không vững…. ho, sốt hay tình trạng thay đổi ý thức, huyết áp tăng, buồn nôn, chóng mặt, hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cũng cần đến bệnh viện khám, không tự điều trị tại nhà hoặc tối thiểu cần tham vấn nhân viên y tế trong điều trị.
Làm thế nào để bảo vệ người cao tuổi mùa nắng nóng sẽ còn diễn biến kéo dài, bác sĩ Đỗ Mai Huyền, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, gia đình cần đặc biệt quan tâm đến chế độ chăm sóc, nên ăn, uống lỏng, mềm dễ tiêu, nhiều rau xanh, hoa quả.
Đặc biệt, cần kiểm soát uống thuốc đều với người cao tuổi. Lý do vì thời tiết nắng nóng, người già thường mệt, khó chịu nên thường bỏ thuốc điều trị… Điều này rất nguy hiểm với các bệnh nhân mắc bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch.
Bên cạnh đó, người trong gia đình động viên các cụ luyện tập, tránh nằm nhiều ứ đờm, dễ dẫn tới viêm phổi, viêm mũi đờm hoặc gây suy tĩnh mạch chân, cơ xương khớp càng làm gia tăng bệnh nền”.
Về sử dụng điều hòa đúng cách, bác sĩ Huyền lưu ý, chỉ nên để nhiệt độ từ 27-29 độ C, thêm quạt thông gió. Vào những khoảng thời gian có thời tiết dịu mát nên tắt điều hòa, mở cửa để phòng thông thoáng… vì môi trường kín dễ phát triển vi khuẩn gây bệnh.
Vị chuyên gia gợi ý người dân có thể mở cửa vào buổi sáng để tạo không gian thông thoáng, sử dụng quạt để đưa gió vào nhà. Buổi chiều, khi nắng nóng đỉnh điểm, chúng ta sử dụng điều hòa ở nhiệt độ vừa phải và quay lại dùng quạt vào buổi tối.
Người già cần tránh ra ngoài từ 10-16 giờ hằng ngày. Nếu tham gia thể dục ngoài trời nên vào buổi sáng, tập nhẹ nhàng với các môn thể thao dưỡng sinh, yoga, đạp xe…. tránh dẫn đến các bệnh lý mạch máu.
Theo Nhandan
Ý kiến ()