Gia tăng các cuộc gọi lừa đảo nộp phạt vi phạm giao thông
Lợi dụng tình hình dịch Covid-19, nhiều đối tượng tự xưng là cán bộ Cục Cảnh sát giao thông (CSGT, Bộ Công an), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Sở GTVT các tỉnh, thành phố gọi điện cho người dân “thông báo nộp phạt” vi phạm giao thông hòng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Cục CSGT đã cảnh báo về tình trạng này.
Anh Lê Tường Hiếu ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội phản ảnh: “Mấy ngày trước, tôi bất ngờ nhận được điện thoại từ số 84.843.820.620 tự nhận là tổng đài của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, thông báo tôi có một biên lai nộp phạt chưa nộp; để biết số biên lai, đề nghị bấm phím số 9. Tôi làm theo thì một giọng nam tiếp tục thông báo đây là số tổng đài của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cùng địa chỉ trụ sở chính rất rõ ràng. Sau đó, người này hỏi họ và tên của tôi, số chứng minh nhân dân để giúp tra số biên lai nộp phạt. Tôi biết đây là trò lừa đảo, hơn nữa, rất lâu rồi tôi không đến TP Hồ Chí Minh bằng phương tiện cá nhân nên tôi hỏi anh ta công tác ở bộ phận nào thì đối tượng này tắt máy. Tôi gọi lại vào số điện thoại trên thì tổng đài báo lại “số máy quý khách vừa gọi không có”.
Còn anh Nguyễn Thanh Giang, ở phường Bạch Sam, thị xã Mỹ Hào (Hưng Yên) cho biết: “Tôi nhận được điện thoại từ số 84.916.923.469 thông báo có một biên lai chưa nộp phạt, để biết thông tin chi tiết thì bấm phím số 9 kết nối với Cục CSGT. Thế nhưng, tôi bấm phím số 1 đầu máy bên kia cũng thông báo “đây là Cục CSGT…”, sau đó đề nghị tôi cung cấp thông tin cá nhân”. Ngoài hai trường hợp trên, theo phản ảnh của nhiều người dân, thời gian qua, họ thường xuyên nhận được điện thoại “thông báo nộp phạt” vi phạm giao thông từ các đầu số: 80.856.578.104, 84.843.881.533, 80.856.708.428, 80.856.708.755, 80.856.705.881, 80.856.957.972… với cùng thủ đoạn như trên.
Cảnh sát giao thông Công an TP Nha Trang (Khánh Hòa) kiểm tra giấy đi đường đối với các phương tiện ra vào thành phố. Ảnh: MẠNH HÙNG. |
Bên cạnh hình thức lừa đảo này, Cục CSGT cho biết, thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trên toàn quốc xuất hiện các đối tượng tự xưng là tổng đài viên của Cục CSGT gọi điện thông báo xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông qua hình ảnh (thường gọi là “phạt nguội”), rồi yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP của ngân hàng để chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, Cục CSGT liên tục nhận được nhiều cuộc gọi của người dân phản ánh việc bị những số điện thoại lạ: 84.906.077.811, 84.906.071.895… số điện thoại không xác định gọi đến tự xưng là số tổng đài Cục CSGT, Phòng CSGT các địa phương, thông báo về việc họ có biên lai “phạt nguội” do vi phạm trật tự an toàn giao thông. Các đối tượng này tự xưng là tổng đài viên của CSGT và thường đặt ra những câu hỏi: Anh/chị đã nhận được biên bản xử phạt chưa? Hoặc anh/chị gây tai nạn giao thông (có thời gian, địa điểm)… đến nay đã quá thời hạn xử lý; đề nghị anh/chị cung cấp số biên bản, nếu chưa nhận được biên bản, yêu cầu anh/chị cung cấp tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, số hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng… để Cục CSGT, Phòng CSGT cung cấp cho anh/chị số biên bản, hành vi vi phạm, hình thức xử lý, số tiền xử phạt…
Thực chất, thủ đoạn của các đối tượng là sử dụng phần mềm công nghệ cao (voice over IP-cách gọi sử dụng ứng dụng truyền tải giọng nói qua mạng máy tính), giả số điện thoại hiện trên màn hình, giả số điện thoại công khai của các cơ quan nhà nước để gọi điện đến thuê bao di động, điện thoại bàn của người dân gây hoang mang, lo sợ nhằm khai thác thông tin cá nhân, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Cục CSGT cho biết, quy trình “phạt nguội” đang thực hiện theo quy trình gồm 6 bước: Thu thập hình ảnh vi phạm (từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc từ tổ chức, cá nhân cung cấp…); trích xuất hình ảnh; lập hồ sơ vi phạm, in thông báo; phát hành thông báo cho chủ phương tiện; phối hợp với chủ phương tiện giải quyết vụ việc vi phạm; cập nhật kết quả xử lý và kết thúc hồ sơ.
Tại bước 5, người vi phạm/chủ phương tiện cần mang theo thông báo vi phạm, giấy tờ liên quan đến phương tiện và người điều khiển phương tiện vi phạm đến trụ sở CSGT. Sau đó, nộp các giấy tờ liên quan cho cán bộ tiếp dân và đợi gọi tên theo thứ tự. Cán bộ tiếp dân cho người vi phạm xem lại hình ảnh phương tiện vi phạm, người vi phạm xác nhận đúng lỗi và tiến hành lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt.
Khi nhận được quyết định xử phạt, người vi phạm sẽ nộp phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu tiền phạt được ghi trong quyết định xử phạt (hoặc nộp qua bưu điện thu hộ). Sau khi nộp phạt, người vi phạm nộp biên lai cho cán bộ tiếp dân và nhận lại giấy tờ bị tạm giữ. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 12 Điều 80 Nghị định số 100/2020/NĐ-CP, nếu chủ phương tiện không đến phối hợp giải quyết vụ việc vi phạm theo thông báo, phòng CSGT sẽ gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm để đưa vào cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên chương trình quản lý kiểm định.
Trước tình trạng này, Cục CSGT đưa ra khuyến cáo với người dân, trước hết, cần chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ; chấp hành thông báo của cơ quan chức năng khi có vi phạm. Tất cả trường hợp bị xử lý “phạt nguội” liên quan đến giao thông đều có thông báo vi phạm của cơ quan chức năng đến chủ phương tiện hoặc người điều khiển. Khi nhận được thông báo vi phạm của cơ quan chức năng, đến ngày hẹn, chủ phương tiện hoặc đại diện chủ phương tiện hoặc người có hành vi vi phạm và phương tiện vi phạm đến trụ sở cơ quan chức năng để giải quyết. Nếu sau 15 ngày mà người vi phạm vẫn chưa đến cơ quan chức năng để phối hợp giải quyết vụ việc vi phạm hành chính, phòng CSGT sẽ phối hợp với công an phường, xã, thị trấn để gửi lại thông báo vi phạm tới chủ phương tiện. Nếu nhận được cuộc gọi từ các số điện thoại trên, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân và nhanh chóng báo tin cho cơ quan công an địa phương nơi gần nhất.
Để tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh, người dân có thể truy cập vào địa chỉ: http://www.csgt.vn/tra-cuu-phuong-tien-vi-pham.html của Cục Cảnh sát giao thông và điền các thông tin cần thiết theo hướng dẫn. |
Ý kiến ()