Gia tăng ca trẻ đuối nước và lời cảnh tỉnh từ việc sơ ý của người lớn
Chỉ trong tháng 8, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận cho tám trẻ em đến cấp cứu vì bị đuối nước. Đáng tiếc, nhiều ca được đưa đi cấp cứu trong tình trạng quá nặng và đã không qua khỏi.
Liên tiếp trẻ nhập viện vì đuối nước, nhiều ca tử vong thương tâm
ThS, BS Nguyễn Trọng Dũng, Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu cho nhiều ca bị đuối nước. Chỉ trong tháng 8 này, có tới tám ca đến cấp cứu, nhiều ca dù được tích cực cứu chữa vẫn không qua khỏi.
Vì sự bất cẩn của người lớn, một ca đuối nước khá thương tâm mới xảy ra ở Lào Cai khi người lớn để trẻ xuống hồ bơi trước để đi tìm chỗ đỗ xe. Khi quay lại thì trẻ đã bị đuối nước, không thể cứu chữa.
Mới đây, ngày 7-9, có một cháu gái 13 tuổi đuối nước rất nặng đến Bệnh viện Nhi Trung ương nhưng dù nỗ lực hết sức, các bác sĩ cũng không cứu được và gia đình đã xin cho cháu về.
Tuy nhiên, chùm ca tử vong do đuối nước thương tâm nhất xảy ra với một gia đình tại Bắc Giang.
Dịp nghỉ lễ 2-9, gia đình anh P.V.T. (32 tuổi), ở thôn Nhân Định, xã Yên Định tổ chức cho con, cháu đi tắm sông Lục Nam tại bãi Khẩn. Vì không để ý các cháu, nên chỉ trong tích tắc, cả ba cháu nhỏ bị nước cuốn trôi.
Cháu P.V.TS. (7 tuổi, là cháu ruột anh T) được đưa ngay đến Trạm y tế xã cấp cứu nhưng đã tử vong. Trong khi đó, hai cháu gái là con anh T. gồm P.H.NQ. (9 tuổi) và P.H.T T. (7 tuổi) được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện, sau đó chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang.
Sau một ngày cấp cứu, cháu lớn là P.H.NQ. tử vong. Cháu bé P.H.T T. được đưa lên cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch và đã không qua khỏi, tử vong vào ngày 6-9.
BS Dũng tiếc nuối cho biết, cả ba cháu bé bi chìm xuống nước thời gian dài, 20-30 phút sau mới được phát hiện, nên thiếu quá nhiều ô-xy. Dù các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng đều không qua khỏi.
Hiện tại, Khoa Điều trị tích cực cũng đang điều trị cho một số ca đuối nước và may mắn được đưa cấp cứu kịp thời. Bệnh nhi N.T.A. (13 tuổi, ở Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội) là một trong số những ca may mắn ấy khi em đã tỉnh táo sau cơn thập tử nhất sinh do ngạt nước.
Sáu ngày trước, A. cùng các bạn đã xuống ao sen tắm. Tuy nhiên, vì không biết bơi nên cháu là trường hợp duy nhất bị đuối nước. Khi được các bạn cứu lên thì A. đã bất tỉnh và được đưa đi cấp cứu.
Ngày 3-9, bệnh nhân được đưa vào BV Nhi Trung ương hồi sức sức cấp cứu. Sau một ngày bệnh nhân bệnh đánh giá là tỉnh táo, tổn thương phổi không quá nặng, cháu đã cai được máy thở và rút ống nội khí quản. Đến giờ cháu đã tỉnh táo hoàn toàn. Đây là trường hợp khá may mắn vì được phát hiện sớm.
Lời cảnh tỉnh từ việc sơ ý của người lớn
Trong số các ca tử vong ở trên, có phần lớn trẻ bị đuối nước và tử vong do thiếu sự giám sát của người lớn khi đi bơi cùng. Chỉ sơ sểnh trong thời gian ngắn, trẻ đã bị đuối nước.
Theo BS Dũng, khi xảy ra rủi ro, rất ít người có đủ kinh nghiệm và tỉnh táo để cứu đuối kịp thời. Đặc biệt, hiện nay kỹ năng sơ cứu của nhiều người cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng đuối nước nặng thêm.
“Các ca đuối nước vào nhập viện biết cách sơ cứu và ép tim chiếm khoảng 40-50%. Những ca đuối nước được sơ cứu bằng ép tim trước khi đưa đến viện cấp cứu rất ít”, BS Dũng nói.
Thông thường trẻ bị ngừng tim, thiếu oxy từ 3-5 phút thì có nguy cơ bị di chứng tổn thương não. Do đó, người sơ cứu cần phải có kiến thức sơ cứu chính xác, phải có kỹ năng hà hơi, thổi ngạt, ép tim. “Ép tim là “chìa khóa vàng” để chúng ta xử trí cấp cứu sau khi tiếp nhận nạn nhân. Tuy nhiên, nhiều người lại bỏ qua cơ hội này, mà sau khi vớt bệnh nhân lên bờ, lại vác ngược trẻ chạy”, BS Dũng cho hay.
Việc ép tim, hà hơi, thổi ngạt cần phải kiên trì. Nhiều người thấy chưa có kết quả thì đã dừng việc sơ cứu này, sau đó vác ngược bệnh nhân lên. Đây là sai về kỹ thuật và kiến thức sơ cứu người đuối nước.
BS Dũng cũng cho biết thêm, di chứng đối với trẻ em khi trẻ bị đuối nước có liên quan đến việc trẻ bị chìm được vớt ngay hay không và có được sơ cứu hay không? Đây là điều tiên quyết có để lại di chứng cho trẻ hay không.
Do đó, trong các chuyến đi chơi, nhất là những nơi có sông nước, địa hình nguy hiểm, người lớn cần giám sát trẻ con thật tốt và dự tính tới khả năng rơi vào tình huống xấu nhất để có biện pháp đề phòng.
Khi gặp trẻ đuối nước, người sơ cứu cần phải loại bỏ yếu tố nguy cơ, an toàn cho người bệnh trước. Đó là, khi cứu bệnh nhân lên bờ, để người bệnh trên nền cứng, nhìn thấy vật ở mũi, họng người bệnh chúng ta loại bỏ ngay, sau đó hà hơi, thổi ngạt và ép tim.
Nếu có hai người sơ cứu cùng càng tốt, một người hà hơi, thổi ngạt; một người ép tim. Nếu chỉ có một người thì hà hơi 2 – 5 lần, ép tim 15 nhịp (vị trí ½ dưới xương ức). Sau đó, đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
Ý kiến ()