Gia tăng bệnh nhân nhiễm ấu trùng giun chó mèo và giun rồng
Khi bị nhiễm ấu trùng giun chó mèo hoặc giun rồng, bệnh nhân có thể bị tổn thương gan, thận, mắt, thậm chí có nguy cơ bị thoái hoá cột sống, thoái hoá khớp và cơ. Những bệnh nhân mắc giun rồng chủ yếu ở Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hoá, Lào Cai.
Giun rồng gây các bệnh về cơ, khớp
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Đỗ Trung Dũng, Trưởng Khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng Trung ương cho biết, tổ chức Y tế thế giới (WHO) và CDC Hoa Kỳ đang tiến hành chương trình thanh toán bệnh giun rồng, dự kiến đến năm 2030 sẽ thanh toán bệnh này, tức là sẽ không còn mầm bệnh này trên thế giới.
Hiện nay, mỗi năm thế giới chỉ ghi nhận 30-40 trường hợp nhiễm giun rồng, chủ yếu bệnh nhân ghi nhận ở châu Phi. Tất cả trường hợp nghi mắc giun rồng đều phải gửi mẫu tới tổ chức WHO để được xác định thống nhất là nhiễm giun rồng.
Theo PGS Đỗ Trung Dũng, từ năm 2020 đến nay, Việt Nam phát hiện hơn 20 ca bệnh tương tự.
Việt Nam đã gửi các mẫu bệnh này tới tổ chức WHO. Theo đó, các trường hợp nhiễm ở nước ta cùng giống với giun đầu rồng gây bệnh ở châu Phi nhưng không cùng loài.
Bệnh này hiện chưa có phương pháp chẩn đoán sớm bệnh và cũng chưa có thuốc điều trị. Bệnh nhân thường bị viêm dị ứng rất mạnh, tổn thương nóng, đỏ, đau tại nhiều vị trí.
Giun đầu rồng thường khu trú dưới các cơ vân trên cơ thể người, nếu giun chui vào cột sống hoặc khớp và chết tại đó, sẽ gây cứng khớp, thoái hoá khớp, thoái hoá cột sống, vôi hoá cơ. Đây là một trong những gánh nặng bệnh tật do giun đầu rồng gây ra mà tổ chức WHO đã cảnh báo.
Cách điều trị duy nhất hiện nay đối với bệnh giun rồng, đó là lôi giun ra hoặc giun sẽ có xu hướng chui ra từ những tổn thương như mụn vỡ và chảy nước vàng trên da.
Nếu giun không tự chui ra hoặc không được lôi ra sẽ gây áp xe tại chỗ nó trú ẩn trên cơ thể người. Giun này thông thường dài từ 70 cm đến 1,2m.
"Thông thường, trong vòng 1 năm mắc bệnh, bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng, chỉ đến khi giun chui ra bằng cách trên thì mới biết bệnh nhân nhiễm giun rồng", PGS Trung Dũng cho biết.
Đường lây nhiễm của giun rồng do ăn phải ấu trùng giun rồng ở nước khi tắm bể, ao hồ hoặc uống phải nước lã có ấu trùng giun này; do ăn phải động vật nhiễm ấu trùng giun rồng nhưng chưa được nấu chín như rắn, ếch, chim, cá…
Hiện tại, những bệnh nhân mắc giun rồng ở nước ta chủ yếu ở Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hoá, Lào Cai. Đa số bệnh nhân có thói quen ăn sống, ăn gỏi… chưa được nấu chín, đun sôi.
Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng Trung ương đã có đào tạo tập huấn cho các bác sĩ tuyến dưới ở một số tỉnh, thành này.
Để phòng bệnh giun rồng, PGS Trung Dũng đặc biệt khuyến cáo người nên ăn chín, uống sôi, vệ sinh môi trường sạch sẽ.
Hàng nghìn bệnh nhân nhiễm ấu trùng giun chó mèo mỗi năm
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Đỗ Trung Dũng, Trưởng Khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng Trung ương cho biết, những năm gần đây, khoảng 70-80% bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (bệnh viện trực thuộc Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng Trung ương) có triệu chứng của nhiễm ấu trùng giun chó mèo, như ngứa kéo dài, nổi mề đay khắp cơ thể…
Nhiều người lầm tưởng triệu chứng ngứa này với một số bệnh da liễu và đã điều trị về da liễu nhưng không khỏi.
Năm 2022, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ ghi nhận hơn 10.000 người đến khám vì có những triệu chứng nghi liên quan đến ấu trùng giun chó mèo. Năm 2023, con số này tăng hơn 15.500 người.
Sau khi làm các xét nghiệm thông thường (chủ yếu là bệnh nhân bị tổn thương da), Bệnh viện xác định, số lượng bệnh nhân dương tính với ấu trùng giun chó mèo chiếm khoảng 70% số người đến khám, còn lại là bệnh sán lá gan, sán lợn, bệnh giun lươn, bệnh giun đầu gai…
Đối tượng mắc ấu trùng giun chó, mèo rất đa dạng, thậm chí có trẻ từ 2-3 tuổi.
Theo PGS Trung Dũng, bệnh nhân nhiễm ấu trùng giun chó mèo do ăn phải trứng của ấu trùng giun chó, mèo khi tiếp xúc trực tiếp với chó, mèo (như ngủ chung, ôm…).
Trứng này do giun đũa trong cơ thể chó, mèo đẻ và theo phân của chó, mèo ra ngoài. Khi đó, trứng này phát tán ra môi trường. Và bằng một lý do nào đó như tiếp xúc trực tiếp với chó, mèo hoặc thức ăn nhiễm trứng đó hoặc bàn tay, móng tay dính trứng mà con người ăn phải trứng của ấu trùng giun chó, mèo.
Ấu trùng giun chó mèo có bệnh cảnh rất đa dạng. Khi trứng ấu trùng vào trong cơ thể con người, chúng có thể đi khắp cơ thể, trong đó những cơ quan thích hợp nhất để chúng "trú ẩn" là gan, thận, phổi…
Vì vậy, bệnh nhân có thể bị tổn thương da khắp người, những tổn thương này rất lâu lành, gây phiền toái, mệt mỏi cho người bệnh, thậm chí gây tổn thương gan, thận, tổn thương mắt của bệnh nhân.
Điều đáng nói, có không ít bệnh nhân có triệu chứng ngứa kéo dài, nổi mề đay, nhưng lầm tưởng biểu hiện ngứa này với một số bệnh da liễu và điều trị không khỏi.
"Việc điều trị ấu trùng giun cho bệnh nhân khá phức tạp, thời gian dài vì ấu trùng của giun khi đi vào các bộ phận phủ tạng hoặc cơ của con người thì khả năng ngấm thuốc rất chậm và lâu, do đó quá trình điều trị rất dài. Còn với giun trưởng thành, chỉ cần sử dụng thuốc tẩy giun, giun ngấm thuốc rất nhanh và chết, rồi theo phân ra ngoài", PGS Đỗ Trung Dũng chia sẻ.
Hiện nay, một liệu trình điều trình cho bệnh nhân mắc ấu trùng giun chó mèo trong lần đầu tiên là 15 ngày, sau đó bệnh nhân nghỉ 1 tháng và điều trị đợt tiếp theo. Có bệnh nhân điều trị 2,3 đợt thì bệnh cảnh ổn định nhưng có bệnh nhân phải điều trị 5-6 đợt và thay đổi nhiều loại thuốc khác nhau, nhưng vẫn không đáp ứng.
Nguyên nhân của việc điều trị trong thời gian khác nhau là do cơ địa, sức đề kháng và tình hình mắc bệnh của mỗi người, đặc biệt do khả năng nhiễm lại vì người bệnh vẫn tiếp tục nuôi và tiếp xúc với chó, mèo không được vệ sinh, quản lý phân sạch sẽ. Khi bị nhiễm lại, bệnh sẽ kéo dài dai dẳng.
Để hạn chế không ăn phải trứng của ấu trùng giun của chó mèo, PGS Đỗ Trung Dũng khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với chó mèo, điều trị và tẩy giun thường xuyên chó mèo.
Quan trọng nhất là phải quản lý phân của chó mèo để không bị phát tán ra xung quanh chuồng nuôi, nhà cửa và môi trường sinh sống của con người.
Đồng thời, người dân phải thực hiện ăn chín, uống sôi vì ở nhiệt độ cao, trứng và ấu trùng sẽ bị tiêu diệt.
Ý kiến ()