Chủ động kiểm soát bệnh ho gà
- Ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí suy hô hấp và tử vong. Trước những diễn biến phức tạp của bệnh ho gà, ngành y tế tỉnh đã chủ động các biện pháp kiểm soát, không để bệnh phát triển thành dịch.
Nhờ thành quả của chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), những năm qua, bệnh ho gà đã giảm rõ rệt tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bệnh ho gà có xu hướng xuất hiện trở lại và gia tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, số ca mắc bệnh ho gà trên phạm vi cả nước đã tăng hơn 20 lần so với cùng kỳ năm 2023. Tại Lạng Sơn, bệnh ho gà xuất hiện trở lại từ năm 2023 với 2 ca bị nhiễm. Từ đầu năm 2024 đến nay, cả tỉnh xuất hiện 6 ca (Hữu Lũng 3 ca, Lộc Bình 1 ca, Văn Lãng 1 ca và thành phố Lạng Sơn 1 ca). Trong số đó có ca bệnh dưới 1 tháng tuổi, là thời điểm trẻ chưa đủ tuổi được tiêm chủng vắc xin 5 trong 1 (theo quy định trẻ đủ 2 tháng tuổi mới đủ tuổi tiêm vắc xin 5 trong 1, trong đó có phòng bệnh ho gà).
Trước những diễn biến này, ngành y tế Lạng Sơn đã tích cực triển khai các biện pháp phòng chống, trong đó chú trọng công tác TCMR và kiểm tra, giám sát các ca bệnh để bệnh không lây lan thành dịch.
Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn ho gà gây ra, bệnh lây qua đường hô hấp. Các triệu chứng ho gà thường xuất hiện trong vòng từ 7 đến 10 ngày. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho gà rất đặc trưng, người bệnh ho rũ rượi, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Ho gà diễn tiến nhanh, dễ tử vong do bội nhiễm, gây biến chứng viêm phế quản, viêm phổi, nhất là ở trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh ho gà, trẻ suy dinh dưỡng. Bệnh có thể gây thành dịch; dịch thường bùng phát tại các địa bàn đông dân, đặc biệt khu tập trung của các nhà trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học. |
Bác sĩ Dương Anh Dũng, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho biết: Từ năm 2023, chúng tôi đã tăng cường truyền thông về tình hình dịch bệnh ho gà, phổ biến các biện pháp phòng, chống cho người dân; triển khai chương trình TCMR đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét kịp thời, đúng lịch cho các nhóm đối tượng.
Nhờ triển khai thực hiện hiệu quả, kịp thời, công tác TCMR đã được đạt kết quả tích cực, tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 6.188 trẻ trong độ tuổi được tiêm đầy đủ các loại vắc xin trong chương trình TCMR, đạt 97,1%, tăng 6,1% so với cùng kỳ 2023.
Cùng với thực hiện tốt công tác TCMR thì công tác giám sát dịch bệnh được các cơ sở y tế từ tỉnh đến xã thực hiện thường xuyên, chặt chẽ. Cụ thể, CDC tỉnh đã phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thành phố giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh, lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh, xử lý triệt để, khống chế không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trên địa bàn.
Với sự chủ động, tích cực của cơ quan y tế, sự vào cuộc của người dân, hơn 1 năm qua bệnh ho gà xuất hiện tại Lạng Sơn nhưng đều được phát hiện sớm và được kiểm soát kịp thời. Đến hiện tại, toàn tỉnh chưa ghi nhận ổ dịch ho gà trong cộng đồng.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở các tỉnh, thành thì nguy cơ tái bùng phát và xâm nhập dịch ho gà vào địa bàn tỉnh là rất cao. Đặc biệt, khi vào năm học mới, học sinh, đặc biệt là học sinh ở lứa tuổi mầm non cùng tập trung học tập, vui chơi cũng có nguy cơ lây lan bệnh ho gà... Để phòng, chống bệnh ho gà đạt hiệu quả cao, không để bệnh xuất hiện hoặc lây lan, cùng với sự vào cuộc của cơ quan y tế, CDC khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch và thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh khác như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hằng ngày; bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ, đủ ánh sáng; khi phát hiện các triệu chứng của bệnh, cần đến các cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời.
Ý kiến ()