Thứ 3, 26/11/2024 09:30 [(GMT +7)]
Gia tài vô giá của "đại thụ ngành nhi"
Thứ 6, 16/03/2012 | 08:24:00 [(GMT +7)] A A
Gia đình bàn giao danh mục tài liệu hiện vật của cố GS Chu Văn Tường cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. ( Ảnh: COPYRIGHT, 2009 ) |
Hơn 4.000 đầu mục tài liệu hiện vật, gồm các bệnh án, sổ ghi chép, bản thảo, tài liệu liên quan đến lĩnh vực tiêu hóa, suy dinh dưỡng, tai nạn trẻ em; các sách, báo, tạp chí bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài; các hiện vật và tài liệu cá nhân, gia đình… được gia đình cố GS Chu Văn Tường trao tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam chiều 14-3.
Trong căn phòng nhỏ hẹp, ấm cúng, cuộc đời của cố GS Chu Văn Tường – một cây “đại thụ ngành nhi”, được tái hiện thông qua những bức ảnh đã ngả màu. Gia đình, những người bạn thân thiết, đồng nghiệp và học trò của ông yên lặng, chăm chú theo dõi từng bức ảnh.
Trên bàn là những tập hồ sơ tư liệu đã được phân loại tỉ mỉ và cẩn thận gồm tài liệu viết tay, bản nháp các bài giảng, các bài báo, tư liệu nghiên cứu thuộc nhiều chuyên đề khác nhau của GS trong suốt 60 năm qua.
Đó là những tập thư từ trao đổi của GS với các đồng nghiệp trong nước và ngoài nước, thư từ với người bệnh, người thân trong gia đình. Đó là những hồ sơ riêng từ thẻ học sinh, thẻ sinh viên cho đến các bản khai lý lịch, các bản tự kiểm điểm, các bằng khen huân huy chương. Đó là các cuốn sổ ghi chép chuyên môn, đặc biệt là năm cuốn sổ với những trang hồi ký, nhật ký ghi lại những sự kiện hay những chuyến đi đặc biệt của Giáo sư. Chiếc máy đánh chữ cũ mèm, đài cát – sét, máy đo huyết áp, chiếc batoong… Tất cả đều gắn bó với những năm tháng trong cuộc đời của GS Chu Văn Tường.
Ông Ngô Thiếu Hiệu, nguyên Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đánh giá: “Cuộc đời GS Tường luôn hết lòng hết sức chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và trẻ em nói riêng. Những tài liệu này có giá trị về mặt khoa học và thực tiễn, đặc biệt về thực tiễn ở Việt Nam. Hy vọng các bác sĩ và các cán bộ ngành y tế sẽ nghiên cứu những tài liệu này để tiếp thu phục vụ nhân dân”.
Bên cạnh đó, những tài liệu này phản ánh lịch sử của ngành nhi khoa từ những ngày đầu chập chững mới thành lập đến lúc trưởng thành và phát triển trong những điều kiện khó khăn của đất nước, phản ánh lịch sử của trường Đại học Y thông qua nhân chứng và sự đóng góp của một con người.
Những trang giấy viết tay bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, những bài giảng, những trang nilông hay giấy nhựa trong để làm bài giảng trình chiếu… cũng cho thế hệ sau hiểu về điều kiện và hoàn cảnh sống, học tập, lao động, làm việc của các nhà khoa học Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21.
Vợ và các con GS Chu Văn Tường đã gìn giữ những di vật này kể từ khi ông vĩnh viễn đi về thế giới bên kia năm 2008. Và giờ, họ gửi gắm niềm tin cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. PGS Chu Mạnh Khoa, con trai GS Chu Văn Tường chia sẻ: “Gia đình chúng tôi mong được đóng góp chút kinh nghiệm, tri thức, công sức đào tạo thế hệ sau của cha tôi để giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ em Việt Nam. Đó là nguyện vọng cuối cùng của cha tôi trước khi mất cách đây ba năm, khi đã 84 tuổi, sau 60 năm làm việc… Chúng tôi hy vọng những di vật này sẽ có ích cho thế hệ mai sau, trong một chừng mực nào đấy.”
Ông cũng cho biết: “Mẹ tôi cũng có lúc đắn đo, nhưng tôi động viên đây là ý muốn của cha tôi, cũng là đóng góp phần còn lại của mình cho sự phát triển của đất nước, cho sự phát triển của ngành y, đặc biệt là ngành nhi”.
Với trách nhiệm bảo tồn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, tin rằng tài sản khoa học riêng của một con người sẽ trở thành tài sản vô giá chung của đất nước.
GS Chu Văn Tường (1922 – 2008) là một chuyên gia đầu ngành về Nhi khoa Việt Nam. Ông đã đưa ra phác đồ điều trị cho các tuyến y tế áp dụng, góp phần hạ thấp tỷ lệ tử vong ở trẻ em, đặt nền móng cho việc triển khai hai chương trình quốc gia về phòng chống tiêu chảy và suy dinh dưỡng trẻ em Việt Nam. Nhiều thế hệ học trò ở Bộ môn Nhi, trường Đại học Y Hà Nội được GS Chu Văn Tường trực tiếp đào tạo.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()