Giá niken tăng cao có thể làm 'vỡ mộng' điện khí hóa của các hãng ôtô
Sự tăng giá đột ngột của niken đã khiến các nhà phân tích và nhà đầu tư đặt ra câu hỏi về các chương trình sản xuất EV đầy tham vọng của nhiều nhà sản xuất ôtô.
Giá niken thế giới đang tăng cao, vươt trên 100.000 USD/tấn do nguồn cung kim loại hiếm này giảm giữa bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine leo thang.
Giá niken đi lên giữa bối cảnh các nhà đầu tư quan tâm đến thực tế toàn cầu mới Nga, nhà cung cấp kim loại chủ lực, hiện đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt khắc nghiệt sau khi nước này triển khai chiến dịch đặc biệt liên quan tới Ukraine.
Vào sáng ngày 8/3, sàn giao dịch kim loại London (Anh) đã đình chỉ giao dịch niken, sau khi giá niken hợp đồng ba tháng tăng hơn gấp đôi, lên hơn 100.000 USD/tấn.
Niken là một thành phần quan trọng trong sản xuất pin lithium-ion, được sử dụng trong hầu hết các loại xe ôtô điện (EV) đang được bán rộng rãi trên toàn cầu, đặc biệt là thị trường Mỹ.
Sự tăng giá đột ngột của niken đã khiến các nhà phân tích và nhà đầu tư đặt ra câu hỏi về các chương trình sản xuất EV đầy tham vọng của nhiều nhà sản xuất ôtô.
Nhà phân tích thị trường ôtô của Morgan Stanley, Adam Jonas cho biết: “Tính tại thời điểm này, giá niken đã tăng 67,2% chỉ trong một ngày, tương đương mức tăng chi phí đầu vào trung bình khoảng 1.000 USD cho mỗi chiếc EV tại Mỹ.”
Ông Jonas cho rằng, các nhà đầu tư nên giảm kỳ vọng đối với lợi nhuận của các nhà sản xuất ôtô và doanh số bán xe điện trong vài năm tới, vì sự tăng giá đột ngột của niken có thể làm suy yếu kế hoạch điện khí hóa đầy tham vọng của các nhà sản xuất ôtô toàn cầu, bao gồm General Motors và Ford Motor.
Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất ôtô đã phát hiện ra rằng việc thêm nhiều niken vào cực âm có thể tăng cường độ năng lượng của pin, giúp thời lượng sử dụng kéo dài hơn. Pin lithium-ion loại cũ thường chỉ sử dụng cực âm có lượng niken chỉ chiếm 1/3.
Nhưng trong những năm gần đây, các nhà sản xuất ôtô đã tăng tỷ lệ niken để tăng cường độ năng lượng của pin và tăng thời gian hoạt động của xe.
Hiện hầu hết các loại xe điện đang sử dụng cực âm có chứa ít nhất 60% niken. Một số loại xe thậm chí còn sử dụng nhiều niken hơn, một phần để giảm hoặc loại bỏ coban, và một phần để tăng cường độ hoạt động cho các ứng dụng cao cấp. Ví dụ, cực âm trong pin mà tập đoàn LG Chem của Hàn Quốc cung cấp cho Tesla chứa 90% niken.
Ngay cả trước khi căng thẳng Nga-Ukraine diễn ra, niken vẫn không hề rẻ và các chuyên gia đang lo ngại về khả năng thiếu hụt kim loại này khi các nhà sản xuất ôtô toàn cầu tăng cường sản xuất xe điện.
Các nhà phân tích tại công ty dịch vụ dầu khí Rystad Energy (Na Uy) đã cảnh báo vào mùa Thu năm ngoái rằng, nhu cầu toàn cầu đối với niken cao cấp cần thiết cho pin EV có khả năng vượt xa nguồn cung vào năm 2024. Điều này cũng đã được lặp lại bởi các nhà phân tích hàng hóa khác.
Giả sử đà tăng giá của niken được duy trì trong trung hạn, thì hệ quả rõ ràng là chi phí sản xuất xe điện sẽ tăng lên, đặc biệt là đối với những chiếc xe điện cao cấp.
Các nhà sản xuất ôtô không chốt được nguồn cung niken ở mức giá trước khi cuộc khủng hoảng Ukraine diễn ra sẽ có một sự lựa chọn khó khăn. Họ phải chọn giữa viêc chấp nhận sự gia tăng chi phí, giảm tỷ suất lợi nhuận của họ hoặc có thể chuyển chi phí cao đó cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, không phải tất cả các EV sẽ bị ảnh hưởng. Có một loại pin thay thế đã được sử dụng cho EV giá rẻ hơn, đó là pin Lithium iron phốt phát (LFP), sử dụng phốt phát sắt trong cực âm, không cần niken hoặc coban.
Các loại pin LFP có chi phí thấp hơn so với các pin lithium-ion, nhưng chúng cũng có cường độ năng lượng thấp hơn, với trọng lượng nặng hơn. Điều đó đã làm cho pin LFP trở nên ít lý tưởng hơn cho các loại xe cao cấp hơn, vì trọng lượng tăng sẽ hạn chế hiệu suất và có thể cản trở việc xử lý của xe.
Các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc, dưới áp lực của Chính phủ trong việc triển khai EV, đã sử dụng pin LFP trong các loại xe điện giá rẻ của họ trong vài năm qua.
Tại Mỹ, “đại gia” Tesla cũng bắt đầu sử dụng pin LFP trong các mẫu xe tiêu chuẩn của họ vào mùa Thu năm ngoái. Vào thời điểm đó, việc chuyển sang pin LFP được coi là một cách để Tesla giảm chi phí sản xuất, hay nói cách khác là để tăng lợi nhuận của những chiếc xe đó mà không làm tăng giá sản phẩm./.
Ý kiến ()