Giá nhiên vật liệu tăng cao ảnh hưởng ra sao tới các dự án giao thông?
Việc giá xăng, dầu thời gian qua tăng đã gây áp lực lớn đối với các nhà thầu thi công trên các công trường, đặc biệt là các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam, chưa kể áp lực của giá thép, ximăng…
Tình hình giá cả nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới và trong nước thời gian qua tăng cao đã tác động lớn đến giá thành các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông. Vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế, nhà quản lý cho rằng cần có cơ chế điều chỉnh giá để các nhà thầu bớt khó khăn đồng thời cũng là giải pháp đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.
Theo Thông báo số 60/TB-BGTVT vừa được Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải bàn hành về kết luận của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp về đánh giá biến động tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu tác động đến giá thành các dự án công trình giao thông trọng điểm và giá thành vận tải thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giao thông Vận tải.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá thời gian qua, tình hình giá cả nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới và trong nước có biến động tăng đã và đang có những tác động nhất định đến giá thành các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông trọng điểm của ngành và giá dịch vụ vận tải. Đây là những vấn đề rất nóng, cần có biện pháp tháo gỡ kịp thời các khó khăn trong đầu tư xây dựng và kiểm soát tốt giá dịch vụ vận tải.
Để có hưởng giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã giao Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm khẩn trương có văn bản báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phản ánh về tình hình biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu, tác động của biến động giá đối với giá thành các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông trọng điểm và đề xuất một số giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải, các ban quản lý dự án theo dõi sát tình hình biến động của giá cả nguyên, nhiên, vật liệu thời gian qua, đánh giá những tác động của việc biến động giá đối với giá thành các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông trọng điểm của ngành để kịp thời cung cấp thông tin và số liệu báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu.
Một lãnh đạo ngành giao thông vận tải chia sẻ việc giá xăng, dầu thời gian qua tăng đã gây áp lực lớn đối với các nhà thầu đang thi công trên các công trường, đặc biệt là các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam, chưa kể áp lực của giá thép, ximăng và giá vật liệu đất đắp tăng trước đó.
Các chuyên gia kinh tế phân tích xăng, dầu là loại nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất, chiếm phần lớn chi phí ca máy. Việc giá xăng và dầu diesel hiện đã tăng gấp đôi so với giá bỏ thầu sẽ khiến nhà thầu bị tăng chi phí rất nhiều.
Đại diện lãnh đạo Ban điều hành dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 chia sẻ giá nhựa đường đặc nóng phục vụ thi công bêtông nhựa theo dự toán được Bộ Giao thông Vận tải duyệt vào năm 2020 làm cơ sở đấu thầu là 11.000 đồng/kg nhưng hiện các đơn vị thi công đang được nhà cung cấp chào giá khoảng 15.000 đồng/kg, đồng thời được thông báo nếu không xuống thanh toán trước thì giá có thể tăng thêm từ 15-20% sau 1-2 tháng nữa.
Cũng theo vị lãnh đạo này, mặc dù nhựa đường chiếm khối lượng ít nhưng lại có tỷ trọng trong cơ cấu gói thầu rất cao, đòi hỏi dòng tiền lớn, liên tục trong giai đoạn cuối nên sẽ là yếu tố rủi ro rất cao đến tiến độ, chất lượng công trình nếu nhà thầu không còn giữ được sức khỏe về tài chính.
Trong khi đó, đại diện Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông Vận tải) – đơn vị quản lý nhiều dự án giao thông đang triển khai như: Dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ 19 (Tây Nguyên), dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn… cho hay không chỉ giá nguyên, nhiên, vật liệu, giá nhân công tại một số dự án hạ tầng giao thông lớn mà đơn vị đang làm chủ đầu tư hiện cũng đã tăng gấp đôi so với trước dịch COVID-19, đặc biệt là thợ kỹ thuật cao.
Nhiều nhà thầu thi công đang chật vật tìm kiếm nguồn lao động mới bổ sung khi nhiều lao động nghỉ Tết không quay trở lại công trường.
Nhiều nhà thầu phản ánh hiện hợp đồng thi công xây dựng chủ yếu áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh theo phương pháp hệ số giá điều chỉnh (dùng chỉ số giá của địa phương công bố; các yếu tố chi phí trong công thức điều chỉnh giá gồm nhân công, máy thi công, nhiên liệu, nhựa đường, thép, cát, đá, ximăng…
Tuy nhiên, hiện nay thị trường đang có biến động lớn, bất thường, trong khi chỉ số giá xây dựng do địa phương công bố không kịp thời hoặc phản ánh chưa sát với biến động giá của dự án, công trình cụ thể thì việc điều chỉnh giá cho cả hợp đồng cũng khó phản ánh đầy đủ, chính xác mức độ biến động giá đột biến của thị trường.
Ông Nguyễn Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) thông tin hiện Bộ đang triển khai khoảng 40 dự án đầu tư công (gồm các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy và hàng không).
Tại những dự án này, các hợp đồng thi công xây dựng chủ yếu áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh theo phương pháp hệ số giá điều chỉnh (dùng chỉ số giá của địa phương công bố; các yếu tố chi phí trong công thức điều chỉnh giá gồm nhân công, máy thi công, nhiên liệu, nhựa đường, thép, cát, đá, ximăng…).
Phương pháp điều chỉnh giá này có thể phủ được từ 70 đến 80% chi phí phát sinh của nhà thầu trong điều kiện giá các vật liệu đầu vào được kiểm soát tốt.
Tuy nhiên, hiện nay thị trường đang có biến động lớn, đột biến, trong khi chỉ số giá xây dựng do địa phương lại công bố không kịp thời (có địa phương 6 tháng/lần mới cập nhật bộ chỉ số giá) hoặc có công bố thì cũng phản ánh chưa sát với mức độ biến động giá đột biến của thị trường.
Nhìn nhận vấn đề này, ông Trần Quang Tuyến, Phó Tổng giám đốc Công ty Vạn Cường (đơn vị đang tham gia hàng chục gói thầu cao tốc Bắc-Nam) lại cho rằng phương pháp điều chỉnh hiện tại chỉ bù đắp được khoảng 50-60% chi phí thực tế. Mặc dù là công trình đấu thầu “lời ăn, lỗ chịu” nhưng trong bối cảnh biến động giá quá lớn như hiện nay, nhà thầu sẽ sớm kiệt quệ về tài chính, ảnh hưởng lớn tới tiến độ công trình.
Ông Trần Hữu Hải, Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết để giải quyết khó khăn cho các nhà thầu do giá nhiên liệu, vật liệu tăng thời gian qua, đơn vị đã đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh thủ tục, hồ sơ bù giá theo quy định của hợp đồng đã ký kết trước đó.
Trong khi đó, tại các dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2017- 2020, hiện có 3 dự án đối tác công-tư (PPP).
Đại diện chủ đầu tư các dự án này chia sẻ các dự án mới khởi công và đang trong giai đoạn thi công móng và nền đường nên ngay khi giải được bài toán về nguồn cung vật liệu đất đắp, giá thành công trình cao sẽ là yếu tố khiến cả chủ đầu tư và nhà thầu đau đầu.
Nếu “bài toán” này không sớm được giải quyết thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ công trình và tình hình tài chính của chủ đầu tư./.
Ý kiến ()