Giá nhiên liệu giảm sâu, cước vận tải cầm chừng
LSO- Trong vòng chưa đầy 2 tháng đầu năm 2016, giá xăng dầu liên tiếp giảm mạnh, trong đó, giá xăng giảm 4 lần, tổng mức giảm 2.650 đồng/lít (tỷ lệ giảm khoảng 16%) và giá dầu giảm 3 lần, tổng mức giảm 2.400 đồng/lít (tỷ lệ giảm khoảng 20%). Tuy nhiên, việc thực hiện giảm giá cước của các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định trên địa bàn Lạng Sơn lại giảm rất nhỏ giọt, mức giảm phổ biến từ 2% đến 9%.
Hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thị trấn Cao Lộc
Theo số liệu báo cáo đánh giá mới nhất của Sở Giao thông Vận tải Lạng Sơn về tình hình quản lý và thực hiện giá cước vận tải trên địa bàn cho thấy việc kê khai thực hiện giảm giá cước vận tải theo giá nhiên liệu của doanh nghiệp chưa tương xứng. Tính đến đầu tháng 2/2016 có 23 đơn vị thuộc đối tượng phải thực hiện kê khai lại giá. Tuy nhiên, cá biệt vẫn còn hiện tượng doanh nghiệp không thực hiện giảm mà còn tăng giá vé và giữ nguyên giá vé tại một số tuyến (trường hợp của Công ty cổ phần Thuận An Hòa Phát và Hợp tác xã dịch vụ vận tải Duy Long).
Qua thực tế theo dõi cho thấy, các doanh nghiệp vận tải khách tuyến cố định và taxi thực hiện kê khai lại giá chưa thực sự nghiêm túc và còn tư tưởng mang tính đối phó.
Trong khi, giá thành vận tải chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 40%-45%, với giá nhiên liệu giảm sâu từ tháng 9/2015 đến ngày 20/2/2016, tổng số có 9 lần điều chỉnh giảm với tổng mức giảm tới 4.700 đồng/lít xăng và giá dầu có 8 lần điều chỉnh giảm với tổng mức giảm gần 5.400 đồng/lít thì giá cước vận tải bằng ô tô củng phải giảm tương đương từ 18% trở lên.
Nhưng thực tế, các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là vận tải khách tuyến cố định thực hiện kê khai giảm giá cước có mức giảm hầu như không đáng kể. Cụ thể; tại bảng kê khai giá cước năm 2016 của Hợp tác xã vận tải Đoàn Kết gửi Sở Tài chính đề ngày 20/1/2016, hiện đơn vị này có số đầu xe đăng ký khai thác các tuyến cố định và hợp đồng lớn nhất tỉnh là 33 tuyến nội tỉnh và ngoại tỉnh (4 tuyến mới) với 75 đầu phương tiện. Nhưng số tuyến đăng ký giảm giá từ 10% đến 16% chỉ có vỏn vẹn 4 tuyến; mức giảm từ 2% đến 5% có tới 15 tuyến; mức giảm từ 6% đến 9% có 9 tuyến.
Em Lộc Thị Thanh Hòa, thường trú tại thôn Mai Thành, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn hiện đang là sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội cho biết: đầu tháng 9/2015, kết thúc kỳ nghỉ hè em trở về trường tiếp tục theo học, khi ấy giá cước tuyến Lạng Sơn-Mỹ Đình là 90 nghìn đồng, dịp cuối năm, em về quê ăn tết, dù giá xăng đã giảm khá nhiều nhưng nhà xe vẫn thu bằng giá cũ và sau tết còn tăng thêm 10 nghìn đồng.
Đối với các hãng vận tải khách bằng taxi việc kê khai giảm giá cước tỷ lệ có cao hơn (từ 10% đến 16%) nhưng thực tế cũng chưa sát và chưa tương xứng với giá nhiên liệu giảm sâu trong 2 tháng đầu năm 2016. Hiện tại, mức giá mở cửa của các hãng taxi dao động trong khoảng từ 8.000 đồng đến 10.000 đồng/lần mở cửa.
Không những vậy, việc kiểm tra tình hình thực hiện giá cước tại các doanh nghiệp vận tải còn rất hạn chế. Chính điều này là một nguyên nhân dẫn đến việc các doanh nghiệp thực hiện kê khai giá cước mới giảm theo giá nhiên liệu của doanh nghiệp chưa thật sự trách nhiệm với người tiêu dùng dịch vụ.
Ông Lục Phú Dì, Phó Trưởng phòng Quản lý giá và tài sản Sở Tài chính cho biết: trong tháng 3 và cả năm 2016, Sở Tài chính sẽ phối hợp với Sở Giao thông Vận tải theo dõi chặt chẽ biến động của thị trường nhiên liệu và yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện rà soát lại giá nhiên liệu hiện nay so với giá nhiên liệu tính trong phương án giá cước đã kê khai liền kề trước đó để xây dựng phương án giá, kê khai lại giá cho phù hợp, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng. Ngoài ra, sở tập trung vào việc trao đổi thông tin về mức giá kê khai của các đơn vị vận tải trên cùng tuyến cố định để thống nhất mức giá kê khai, kiểm soát giá giữa hai đầu tuyến và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bài, ảnh: CÔNG QUÂN
Ý kiến ()