Gia nhập thương mại tự do thế giới, Việt Nam cần phải chấp nhận cạnh tranh khốc liệt và sòng phẳng
Việt Nam và Thụy Điển thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1969. Từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai bên ngày càng phát triển và đạt nhiều thành tựu nổi bật. Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ngài Urban Ahlin - Chủ tịch Nghị viện Thụy Điển nhân dịp ngài sang thăm và tham dự Đại hội Đồng IPU 132 tại Việt Nam.
Phóng viên (PV): Ngài đánh giá thế nào về mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai quốc gia trong thời gian qua và triển vọng hợp tác hai bên trong thời gian tới?
Chủ tịch Nghị viện Thụy Điển Urban Ahlin: Thụy Điển và Việt Nam có mối quan hệ hợp tác lâu dài, hữu nghị và truyền thống. Chúng ta có nhiều lý do lịch sử để tiếp tục thúc đẩy và tăng cường quan hệ ngoại giao, thương mại giữa hai bên. Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam kể từ năm 1969, là quốc gia phương Tây đầu tiên mở Đại sứ quán tại Hà Nội và người tiền nhiệm của tôi – bà Birgitta Dahl – cách đây 20 năm cũng là người đứng đầu Nghị viện Thụy Điển đầu tiên thăm và phát biểu trước Quốc hội Việt Nam.
Chủ tịch Nghị viện Thụy Điển Urban Ahlin (Ảnh: HNV) |
Với quan hệ lịch sử truyền thống như vậy, tôi cũng kỳ vọng vào việc chúng ta hoàn toàn có tiềm năng để tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác.
Ấn tượng nhất với tôi chính là hai bên có thể nâng cao khả năng tăng trưởng trao đổi kim ngạch thương mại. Thụy Điển là đối tác và là một trong những quốc gia hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn phát triển kinh tế trước đây và sẽ tiếp tục hỗ trợ trong thời gian tới. Trên cơ sở hợp tác, hai bên có thể phát hiện ra những mảng công tác, lĩnh vực hoạt động mới phù hợp đặc điểm hai bên.
Với kinh nghiệm phát triển của Thụy Điển trong suốt hàng trăm năm qua, tôi cho rằng, Thụy Điển đang ở vị trí lý tưởng để có thể trao đổi, tăng cường hợp tác với Việt Nam trong 5 lĩnh vực cơ bản: Cơ sở hạ tầng, phòng chống tham nhũng (PCTN), giáo dục, cải cách tư pháp cũng như xây dựng một hệ thống an sinh xã hội chất lượng, hiệu quả.
Cụ thể, đối với lĩnh vực hạ tầng, Thụy Điển có kinh nghiệm tốt trong xây dựng đường sá, phương tiện giao thông công cộng hàng đầu thế giới. Liên quan đến PCTN, Thụy Điển luôn xếp hạng cao nhất về chỉ số minh bạch và PCTN. Trong lĩnh vực này, chúng tôi có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ với Việt Nam.
Còn về giáo dục – đào tạo, như các bạn đã biết, chúng tôi có một nền giáo dục với các tiêu chuẩn rất cao với chất lượng hàng đầu thế giới. Đến thời điểm này, có nhiều bạn sinh viên Việt Nam đã đến Thụy Điển du học.
Liên quan tới cải cách tư pháp, mô hình tư pháp của Thụy Điển hiện tại cũng đang được nhiều nước cân nhắc và lựa chọn làm theo trong mô hình thực tế của họ. Các đặc tính của nền chính trị chúng tôi bao gồm sự minh bạch và khá cởi mở tiếp cận thông tin. Đây cũng chính là nền tảng giúp chúng tôi phát triển giàu có với hệ thống chính trị ổn định như hiện nay.
Đặc biệt, an sinh xã hội của Thụy Điển hiện đang là “ngọn cờ đầu” trong khu vực Châu Âu nói riêng và thế giới nói chung với các hệ thống phúc lợi xã hội, chăm sóc y tế cũng như chính sách giáo dục – đào tạo rất hiệu quả.
Tôi tin tưởng rằng, Thụy Điển và Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện để hợp tác và phát triển hiệu quả trong 5 lĩnh vực trên cũng như trong các lĩnh vực khác.
PV: IPU 132 được tổ chức tại Việt Nam trong các ngày qua đã diễn ra rất sôi động. Ngài đánh giá thế nào về hoạt động này và công tác tổ chức của Việt Nam?
Chủ tịch Nghị viện Thụy Điển Urban Ahlin: Các bạn tổ chức IPU rất tuyệt vời. Ban tổ chức đã đón tiếp các đoàn tham dự, trong đó có đoàn đại biểu Nghị viện Thụy Điển chúng tôi rất nồng hậu. Với việc tổ chức tốt như vậy, các bạn hoàn toàn đủ khả năng tổ chức các sự kiện lớn ở cấp tương tự trong tương lai. Tôi tin rằng, cũng như tôi, các nghị sĩ khác tham gia IPU đều cảm nhận về sự đón tiếp trọng thị và nồng hậu của Việt Nam. Chúng tôi sẽ nhớ mãi những kỷ niệm này.
Thông điệp của chúng tôi trong chuyến công tác lần này cũng như trong các cuộc gặp gỡ và làm việc cấp cao cơ bản vẫn sẽ là: Thụy Điển – Việt Nam có quan hệ lịch sử truyền thống lâu đời; hy vọng quan hệ song phương hai nước tiếp tục tốt đẹp trong tương lai. Chúng tôi cũng kỳ vọng lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục quan tâm tới 5 lĩnh vực tôi đã đề cập ở trên để thúc đẩy và tăng cường quan hệ hợp tác.
Các nội dung được bàn thảo tại IPU rất thiết thực, liên quan tới chủ đề phát triển bền vững. Có thể nói, đây là vấn đề mang tính toàn cầu, ảnh hưởng tới tất cả chúng ta và tất cả quốc gia không phân biệt giàu hay nghèo, phát triển hay kém phát triển. Do đó, những vấn đề được đưa ra trao đổi thảo luận tại các diễn đàn của IPU đều là những vấn đề nghị sự quốc gia: Chiến tranh mạng, khủng bố, biến đổi khí hậu… rất cần sự hợp tác giữa các quốc gia để cùng nhau phát triển bền vững.
PV: Xin ngài đề cập thêm về đầu tư của Thụy Điển với Việt Nam? Theo ngài, quan hệ hợp tác đầu tư hai bên có những thuận lợi và khó khăn gì?
Chủ tịch Nghị viện Thụy Điển Urban Ahlin: Một trong những ví dụ điển hình đầu tư của nước tôi tại Việt Nam là mô hình ABB Việt Nam – tiêu chuẩn cao nhất của thế giới về môi trường, an toàn lao động. Ngày 30/3 vừa qua, tôi cùng đoàn công tác đã thăm và làm việc với nhà máy thiết bị điện cao thế và trung thế Bắc Ninh của công ty ABB Việt Nam. ABB Việt Nam thuộc Tập đoàn ABB – Tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực điện và công nghệ tự động hóa hoạt động tại 110 quốc gia.
ABB Việt Nam đã chính thức đặt nền móng kinh doanh lâu dài tại Việt Nam năm 1993, đến nay đã trải qua hơn 20 năm phát triển với nhiều cột mốc quan trọng. Cam kết lâu dài của ABB vào thị trường Việt Nam được minh chứng bằng chiến lược xuất khẩu từ nhà máy biến thế tại Hà Nội năm 2005, việc mở rộng quy mô đầu tư với việc hoàn thành Nhà máy điện cao thế và trung thế tại Bắc Ninh năm 2010.
Trong thực tế, hiện nay, nhiều sản phẩm của Việt Nam cũng đã xuất khẩu sang Thụy Điển, trong đó chủ yếu là hàng tiêu dùng, đồ gia dụng cùng một số sản phẩm nông sản. Theo con số chưa đầy đủ mà tôi tiếp cận được từ báo cáo của các đơn vị Thụy Điển đang sản xuất kinh doanh tại Việt Nam thì hiện có khoảng 350.000 lao động Việt Nam đang tham gia sản xuất cho các nhà máy, công ty của Thụy Điển.
Đoàn Nghị viện Thụy Điển thăm nhà máy ABB tại Bắc Ninh (Ảnh: HNV) |
Tính khoảng cách địa lý, Thụy Điển ở rất xa Việt Nam, xa nhất châu Âu (thuộc khu vực Bắc Âu). Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, nhiều thế hệ người Thụy Điển đã ủng hộ cả tinh thần và vật chất hướng về Việt Nam. Hiện nay, những con người thuộc thế hệ đó đang đến tham quan lại Việt Nam với tư cách là khách du lịch với mong muốn được đến lại nơi đã từng nghe tên trong chiến tranh, hồi tưởng lại những kỷ niệm, tình yêu với quốc gia kiên cường bảo vệ độc lập, tự do. Mặc dù khoảng cách địa lý xa xôi nhưng có một điều tôi có thể khẳng định chắc chắn với các bạn là nhiều người Thụy Điển với trái tim và khối óc, tâm hồn đang hướng về Việt Nam. Nhìn ở khía cạnh nào đó, họ có sự nối kết với Việt Nam từ trong quá khứ. Tôi tin rằng, với lợi thế như thế, cả Việt Nam và Thụy Điển đều nên tận dụng, bởi không dễ dàng chúng ta có sự kết nối như vậy.
Thụy Điển có công nghệ xanh, hệ thống khoa học – kỹ thuật tiên tiến, hiện đại hàng đầu thế giới, hoàn toàn có thể chuyển giao cho các nước, trong đó có Việt Nam. Thiết nghĩ, chúng ta đặt mục tiêu phát triển kinh tế nhưng không nên và không được phép hủy hoại môi trường.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh nhiều lợi thế, quan hệ hợp tác giữa Thụy Điển và Việt Nam vẫn còn tồn tại những khó khăn.
Theo tôi, khó khăn để doanh nghiệp Thụy Điển tiếp cận Việt Nam chính là ở giá thành còn cao. Nhưng các bạn phải thấy được rằng, giá thành tuy cao nhưng chất lượng của sản phẩm, dịch vụ rất được đảm bảo. Các bạn cần lưu ý, trong trường hợp đầu tư, nên chú ý vòng đời của dự án, giá thành ban đầu cao nhưng tính về lâu dài thì chi phí đó hoàn toàn hợp lý. Bởi thế, rất cần quyết định đầu tư hợp lý vì sự phát triển bền vững và ổn định. Một yếu tố nữa là sự minh bạch chưa cao.
Liên quan tới hoạt động Nghị viện, trong buổi làm việc với Quốc hội Việt Nam, đoàn nghị viện Thụy Điển cũng đã trao đổi kỹ các nội dung liên quan tới kinh nghiệm hoạt động Quốc hội, đồng thời có đề xuất một số mô hình, giải pháp để Việt Nam có thể cân nhắc, nghiên cứu sử dụng nhất là các nội dung liên quan tới vai trò giám sát của Nghị viện Thụy Điển.
PV: Năm 2015 đánh dấu một loạt các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực tại Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam có nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức. Với kinh nghiệm của quốc gia phát triển đi trước, ngài có thể chia sẻ kinh nghiệm gì để hội nhập hiệu quả và ít rủi ro nhất, thưa ngài?
Chủ tịch Nghị viện Thụy Điển Urban Ahlin: Phải nói rằng, việc Việt Nam chính thức gia nhập và thực hiện các Hiệp định tự do thương mại trong bối cảnh hiện nay là bước đi thông minh, phù hợp và khôn ngoan. Chính điều này sẽ giúp chúng ta tập trung mở cửa và tự do hóa thương mại, đồng thời cũng thể hiện một thái độ hoàn toàn đúng đắn trong quá trình định hướng tiến bước hội nhập của các bạn.
Tuy nhiên, trong thế giới tự do hóa thương mại và khi tham gia vào sân chơi này, sức cạnh tranh rất lớn và khốc liệt đòi hỏi các bạn phải sẵn sàng bước khỏi ngưỡng cửa của mình và chấp nhận luật cạnh tranh công bằng, sòng phẳng. Thách thức này đòi hỏi các bạn cần phải có một nền giáo dục chất lượng cao, đào tạo ra nguồn nhân lực có kỹ năng cao, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường lao động khu vực cũng như thế giới.
Điều quan trọng là Việt Nam cần phải khắc phục ngay việc coi chi phí nhân công lao động giá rẻ là lợi thế của mình, bởi tiêu chí này hoàn toàn không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay nữa. Việt Nam cần xác định mục tiêu ưu tiên trong giai đoạn mới, nếu không sức cạnh tranh sẽ rất thấp.
Đặc biệt, mỗi người dân cần phải được cung cấp và chủ động nâng cao nhận thức khi bước ra “sân chơi” tự do hóa thương mại thế giới, phải sẵn sàng và chấp nhận cạnh tranh khốc liệt.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ngài!
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()