Gia Nghĩa hướng đến một đô thị phát triển
Tháng 6-2005, thị xã Gia Nghĩa (Đác Nông) chính thức được thành lập theo Nghị định số 82/2005/NĐ-CP của Chính phủ trên cơ sở thị trấn Gia Nghĩa và một phần của huyện Đác Nông cũ, với diện tích tự nhiên là 28.664 ha, dân số 44 nghìn người, gồm tám đơn vị hành chính phường, xã. Sau 36 năm giải phóng, nhất là sau hơn sáu năm thành lập, từ một thị trấn nhỏ heo hút, đến nay Gia Nghĩa đã trở thành một đô thị mới trên Cao nguyên và đang hướng tới trở thành một đô thị phát triển.Đô thị mới Gia Nghĩa Dưới cái nắng chói chang của những ngày tháng 3 Tây Nguyên, đi trên những con đường rộng thênh thang, lộng gió giữa lòng đô thị Gia Nghĩa, chúng tôi bị cuốn hút bởi những công sở của tỉnh và thị xã mới được xây dựng hoành tráng còn thơm mùi sơn, với kiến trúc hiện đại nhấp nhô bên các sườn đồi. Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa Ngô Văn Linh cho biết: Gia Nghĩa có được vóc dáng đô thị như hôm nay là cả quá trình nỗ lực lớn của...
Đô thị mới Gia Nghĩa
Dưới cái nắng chói chang của những ngày tháng 3 Tây Nguyên, đi trên những con đường rộng thênh thang, lộng gió giữa lòng đô thị Gia Nghĩa, chúng tôi bị cuốn hút bởi những công sở của tỉnh và thị xã mới được xây dựng hoành tráng còn thơm mùi sơn, với kiến trúc hiện đại nhấp nhô bên các sườn đồi. Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa Ngô Văn Linh cho biết: Gia Nghĩa có được vóc dáng đô thị như hôm nay là cả quá trình nỗ lực lớn của tỉnh cũng như Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã. Ngay sau khi thành lập, nhận thức vai trò, tầm quan trọng của đô thị Gia Nghĩa trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, nên ngày 24-10-2007, Tỉnh ủy Đác Nông đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về xây dựng, phát triển đô thị Gia Nghĩa giai đoạn 2008-2010 và định hướng đến năm 2020, nhằm xây dựng Gia Nghĩa trở thành đô thị văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, mang đậm bản sắc văn hóa riêng của vùng Nam Tây Nguyên, xứng đáng với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh – quốc phòng của tỉnh. Sau hơn sáu năm thành lập và ba năm thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, thị xã Gia Nghĩa đã có bước phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt hơn 20%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp, đến cuối năm 2010 dịch vụ chiếm 46,42%, công nghiệp chiếm 38,8%, nông nghiệp chiếm 14,77%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm 65% dân số; 98% thôn, buôn, tổ dân phố và hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; thu nhập bình quân đầu người đạt 21,65 triệu đồng/năm; số hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm xuống còn 4,87%… Công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Đến nay, ngoài công tác điều chỉnh quy hoạch tổng thể xây dựng đô thị Gia Nghĩa đến năm 2025 được UBND tỉnh phê duyệt, với diện tích đất nội thị là 6.407 ha, các sở, ngành của tỉnh và UBND thị xã Gia Nghĩa đã phê duyệt được 25 dự án quy hoạch chi tiết xây dựng với diện tích hơn 1.053 ha, chiếm 16,43% tổng diện tích đất nội thị.
Sự thay đổi lớn của đô thị Gia Nghĩa, đặc biệt là kết cấu hạ tầng đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi từ lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp, mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống về mọi mặt. Đến phường Nghĩa Thành, chúng tôi gặp bác Nguyễn Văn Hòa. Bác Hòa tâm sự: 'Tôi rời quê hương lên Gia Nghĩa lập nghiệp đã 35 năm rồi, nhưng chưa bao giờ thấy Gia Nghĩa to, đẹp như hôm nay. Chỉ cách đây khoảng mười năm chung quanh chỉ toàn là rừng, trong thị trấn cũng toàn cây cối, vườn rẫy hoang vu, chim, sóc đầy vườn. Giao thông chủ yếu là đường đất nhỏ quanh co. Chợ, trường học còn tạm bợ và rất xa. Thế nhưng, chỉ mới hơn sáu năm thành lập, những con đường nhựa đã thay thế những con đường đất bụi và trơn trượt; hệ thống trường học, chợ, bệnh viện và nhà dân xây dựng kiên cố mọc lên ngày càng nhiều. Nhờ sự đổi thay của thị xã mà người dân chúng tôi có thêm động lực, đổi mới tư duy làm kinh tế, mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh nên đời sống khấm khá lên từng ngày'.
Những bất cập
Gia Nghĩa nằm ở độ cao trung bình từ 650 đến 700 m so mực nước biển, với địa hình đồi núi nhấp nhô tạo nên hàng loạt sườn đồi bát úp thoai thoải cao trung bình từ 30 đến 50 m; có nhiệt độ trung bình từ 18 đến 25oC, nhiều danh lam thắng cảnh, ao hồ, sông suối với diện tích mặt nước chiếm hơn 35% diện tích đô thị. Trong quy hoạch được phê duyệt, UBND tỉnh Đác Nông quy định giữ vững cảnh quan, địa hình theo hướng giữ tối đa địa hình hiện trạng, hạn chế thấp nhất việc đào đắp, san nền phá vỡ thế đất tự nhiên khi lấy mặt bằng xây dựng. Mật độ xây dựng trên đất của từng công trình, kiến trúc quy định có tỷ lệ khuôn viên, cây xanh nhằm tạo bộ mặt đô thị thông thoáng. Thế nhưng, quá trình xây dựng đã bộc lộ những bất cập, nhất là công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và kiến trúc.
Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đác Nông Đặng Gia Dũng thừa nhận: Công tác quy hoạch đô thị Gia Nghĩa vẫn còn nhiều bất hợp lý, thiếu tổng thể và chưa mang tầm chiến lược. Nguyên nhân là do vừa điều chỉnh quy hoạch, vừa tiến hành xây dựng nên nảy sinh những bất hợp lý. Điển hình là tại khu hành chính Sùng Đức, các công sở được xây dựng nằm sát nhau trên cùng một không gian mặt bằng, làm cho tổng thể cảnh quan trở nên chật chội, không có diện tích trồng cây xanh, trong khi đó diện tích đất Gia Nghĩa còn rộng. Về kiến trúc, bên cạnh những công trình xây dựng với kiến trúc hiện đại kết hợp với kiến trúc nhà mái dốc của đồng bào M'Nông mang đậm bản sắc riêng vùng Nam Tây Nguyên, góp phần tạo nên vẻ đẹp của đô thị Gia Nghĩa, thì cũng có nhiều công trình kiến trúc chưa hài hòa với vẻ đẹp cảnh quan, chưa vận dụng và thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa riêng của vùng Nam Tây Nguyên. Lâu nay, công sở của cơ quan nào thì cơ quan ấy tự chọn thiết kế kiến trúc theo cách riêng của mình. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho đô thị Gia Nghĩa xuất hiện một số kiến trúc thiếu thẩm mỹ, hoặc chưa hài hòa với tổng quan. Bên cạnh đó, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư còn nhiều bức xúc. Việc buông lỏng công tác quản lý quy hoạch của các cấp, các ngành dẫn đến tình trạng xây dựng nhà không phép, tình trạng đào ủi, san lấp lấy mặt bằng xây dựng diễn ra tràn lan, phá vỡ địa hình, không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị…
Hướng đến một đô thị phát triển
Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa Ngô Văn Linh cho biết: Quan điểm phát triển đô thị Gia Nghĩa giai đoạn 2011-2020 là tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng phù hợp nhu cầu phát triển nhanh của nền kinh tế; đầu tư có trọng điểm các công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước, y tế, các cơ sở chăm sóc sức khỏe, dịch vụ công… Có cơ chế, chính sách khơi dậy và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực để có thể phát triển nhanh, toàn diện và bền vững; gắn phát triển kinh tế với ổn định xã hội và quốc phòng – an ninh. Về mục tiêu phát triển, quy hoạch xây dựng thị xã Gia Nghĩa hướng tới đô thị 'Hiện đại, xanh, sạch, đẹp, mang bản sắc văn hóa riêng của vùng Nam Tây Nguyên' thể hiện vai trò là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng chung của tỉnh, có hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, văn minh, hiện đại. Phấn đấu đến trước năm 2020, xây dựng Gia Nghĩa trở thành đô thị loại III, với quy mô dân số là 110 nghìn người. Theo tính toán, tổng nhu cầu nguồn vốn đầu tư nâng cấp thị xã Gia Nghĩa từ nay đến năm 2020 là 8.043 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu trên, Thị ủy Gia Nghĩa đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó tập trung đền bù giải phóng mặt bằng để sớm triển khai đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường đô thị. Tăng cường công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, kiến trúc; ngăn chặn, chấm dứt tình trạng xây dựng tự phát và đào ủi, san lấp mặt bằng phá vỡ địa hình tự nhiên, cảnh quan, kiến trúc đô thị. Ngoài nguồn vốn đầu tư của trung ương, của tỉnh, tranh thủ các nguồn vốn tạm ứng Kho bạc Nhà nước, nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, vốn ADB, WB, ODA… để đầu tư vào những công trình trọng điểm, cấp thiết như hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư mới, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường…
Trong tương lai, nhằm phát huy vai trò của đô thị Gia Nghĩa trong mối quan hệ vùng Đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh với Tây Nguyên, đồng thời là một trong những đô thị lớn phát triển du lịch sinh thái và dịch vụ – thương mại phục vụ cho công nghiệp khai khoáng, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương và hỗ trợ kinh phí cho Đác Nông thuê tổ chức tư vấn nước ngoài bổ sung điều chỉnh quy hoạch đô thị Gia Nghĩa theo tiêu chí phát triển bền vững mang tính chiến lược của một đô thị trọng điểm Nam Tây Nguyên. Giám đốc Sở Xây dựng Đác Nông Đặng Gia Dũng khẳng định: Theo kế hoạch đến tháng 6-2012, đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Gia Nghĩa đến năm 2050 sẽ hoàn thành. Nếu được quan tâm đầu tư về kết cấu hạ tầng và tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế thì trong tương lai không xa, Gia Nghĩa sẽ trở thành một đô thị phát triển trên Cao nguyên.
Theo Nhandan
Ý kiến ()